Khi bạn muốn mở rộng trái tim của mình với ai đó, hãy ôm họ.
Virginia Satir, một nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng người Mỹ, từng nói: "Chúng ta cần 4 cái ôm mỗi ngày để tồn tại. Chúng ta cần 8 cái ôm mỗi ngày để nuôi dưỡng. Chúng ta cần 12 cái ôm mỗi ngày để phát triển".
Mặc dù chỉ là những ước đoán cảm tính, có rất nhiều cơ sở khoa học ủng hộ cho lời tuyên bố của Satir. Théo đó, một cái ôm không chỉ đem lại sự ấm áp cho bạn khi gió mùa về, nó còn giúp bạn nhận được ít nhất 10 lợi ích sức khỏe.
Chẳng hạn như khi ôm người bạn yêu, hooc-môn oxytocin sản sinh sẽ giúp mối quan hệ của bạn bền vững hơn. Cái ôm với một người lạ sẽ là hành động mở cửa trái tim giúp bạn giao tiếp hiệu quả. Ngay cả khi bạn ôm một vật vô tri như gấu bông, mọi nỗi lo lắng, sợ hãi của bạn cũng sẽ được xua tan.
Hãy cùng tìm hiểu 10 lợi ích của những cái ôm ấm áp và cơ sở khoa học phía sau chúng:
1. Ôm giúp tăng cường hệ miễn dịch
Năm 2014, tiến sĩ Sheldon Cohen, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu trên 400 người trưởng thành, để chứng minh những chiếc ôm giúp chúng ta khỏe mạnh hơn và chống lại bệnh tật.
Ông phỏng vấn cả 400 người để ghi nhận các hoạt động giao tiếp xã hội của họ, bao gồm tần suất mà họ được ôm. Sau khi thống kê được kết quả, tất cả tình nguyện viên được cho phơi nhiễm với virus gây cảm cúm.
Kết quả, những người cảm thấy mình nhận được nhiều sự trợ giúp xã hội, bao gồm những cái ôm thường xuyên hơn có tỷ lệ nhiễm cúm thấp hơn. Ngay cả khi họ bị nhiễm bệnh, các triệu chứng cũng nhẹ và ít trầm trọng hơn những người ít và hoàn toàn không được ôm.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra ôm có thể làm giảm hooc-môn gây căng thẳng, một yếu tố ức chế hệ miễn dịch khiến nó làm việc kém hiệu quả. Ngược lại, một cái ôm có thể tăng cường các hooc-môn và peptide điều hòa hoạt động của tế bào miễn dịch.
Có lẽ cũng bởi vậy, thống kê cho thấy những đứa trẻ được ôm nhiều hơn thì thường khỏe mạnh hơn những đứa trẻ khác.
2. Ôm là một cách để giảm stress
Một cái ôm thôi cũng giúp bạn hạ nồng độ cortisol tuần hoàn, các hooc-môn gây căng thẳng trong máu. Nó có thể là kết quả sau khi da của bạn nhận được những tiếp xúc.
Theo đó, cả người được ôm và người ôm đều có thể giảm stress khi họ ôm nhau. Một nghiên cứu đã thử nghiệm 20 cặp đôi, trong đó, những người phụ nữ được yêu cầu nắm tay những người đàn ông trong khi họ phải chịu đựng những kích thích điện khó chịu.
Kết quả cho thấy vùng não liên quan đến căng thẳng ở những người phụ nữ giảm hoạt động, chứng tỏ việc nắm tay khiến chính họ giảm căng thẳng, trong khi người bạn của mình mới là người chịu đựng những cú sốc điện. Điều tương tự cũng xảy ra trong não khi chúng ta ôm một ai đó để an ủi họ.
3. Phòng ngừa bệnh tim mạch
Trong một nghiên cứu thú vị, các nhà khoa học đã chia 100 cặp đôi thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất được yêu cầu nắm tay nhau ngồi trong 10 phút, sau đó trao cho nhau một cái ôm kéo dài 20 giây. Nhóm thứ 2 được yêu cầu chỉ ngồi cạnh nhau mà không làm gì trong suốt khoảng thời gian đó.
Điều gì xảy ra sau đó? Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng huyết áp và nhịp tim của nhóm thứ nhất đều thấp hơn nhóm thứ hai. Đó là những yếu tố giúp bảo vệ họ khỏi bệnh tim mạch, vì vậy, nếu có ngồi cạnh người bạn yêu, hãy ôm họ chứ đừng ngồi không.
4. Ôm giúp giảm đau
Khi được ôm, não bộ của bạn sẽ giải phóng một chất dẫn truyền thần kinh có tên là endorphin. Hóa chất này ngăn chặn các tín hiệu kích thích đau, chẳng hạn như peptide bradykinin, đồng thời tăng lưu thông máu đến các mô mềm giúp làm dịu cơn đau của bạn.
Trên thực tế, đã có những liệu pháp giảm đau ứng dụng hiệu ứng từ những chiếc ôm. Trong đó, các bệnh nhân có cơn đau mạn tính được trị liệu bằng cách ôm và vuốt ve để tăng chất lượng cuộc sống.
5. Niềm hạnh phúc khi được ôm
Khi bạn ôm một ai đó hoặc được ôm, tuyến yên sẽ tiết ra oxytocin, hay còn gọi là "hooc-môn tình yêu". Hooc-môn này hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh trong hệ thống limbic, trung tâm cảm xúc của não bộ, nó mang lại cảm giác mãn nguyện và hạnh phúc.
Oxytocin cũng làm tăng cảm giác gắn kết và thân mật, giúp bạn dễ dàng kết nối với những người khác, đặc biệt là người yêu mình. Một nghiên cứu cho thấy những người phụ nữ thường xuyên ôm bạn đời có mức oxytocin cao hơn, giúp mối quan hệ của họ bền vững hơn.
Điều tương tự cũng xảy ra khi phụ nữ ôm trẻ nhỏ. Trên thực tế, ocytocin là hooc-môn thúc đẩy những cảm giác yêu thương rất mãnh liệt, nó được tiết ra trong quá trình chuyển dạ của người phụ nữ, khiến bà mẹ nào dù đau đớn đến mấy cũng muốn ôm ngay con mình vào lòng khi đứa trẻ vừa ra đời.
6. Giảm trầm cảm và thoái hóa thần kinh
Một cái ôm có thể ngay lập tức làm tăng nồng độ dopamin, hooc-môn hạnh phúc trong não bộ. Điều này đã được các nhà khoa học quan sát trong ảnh chụp PET não.
Chúng ta biết rằng những người bị trầm cảm và thoái hóa thần kinh có nồng độ dopamin rất thấp, đó là lí do họ luôn thấy buồn rầu. Bởi vậy, nếu bạn gặp một ai đó đang chán nản hoặc trầm cảm, hãy ôm anh ấy hoặc cô ấy để gia tăng niềm vui trong cuộc sống cho họ.
7. Ôm là cách đơn giản để thư giãn
Có thể bạn chưa biết, một cái ôm thật chặt và ấm áp sẽ giúp cơ bắp thư giãn. Nó đồng thời cũng giải phóng căng thẳng trong tâm trí. Ôm một ai đó có thể là cách đơn giản để rũ bỏ mọi phiền muộn và mệt mỏi trong ngày của bạn.
8. Cân bằng hệ thống thần kinh
Ôm giúp bạn cân bằng hệ thần kinh nhờ những tiếp xúc trên da. Chúng ta biết rằng da có chứa một mạng lưới cảm biến áp lực gọi là tiểu thể pacnician. Nó kết nối với não thông qua các dây thần kinh phế vị.
Khi bạn ôm một ai đó, các cảm biến này được kích hoạt. Chúng làm thay đổi đáng kể độ ẩm và độ dẫn của da. Điều này gián tiếp cho thấy hệ thống thần kinh giao cảm và đối giao cảm của bạn đang được cân bằng, giúp tâm sinh lý của bạn ổn định.
9. Ôm là một hành động giao tiếp hiệu quả
Con người có thể giao tiếp với nhau bằng lời nói, cử chỉ hoặc nét mặt… Nhưng việc chạm vào nhau hoặc ôm nhau cũng là những thông điệp cực kỳ mạnh mẽ để gửi đến người đối diện.
Các nhà khoa học chỉ ra ngay cả khi 2 người lạ mặt gặp nhau, họ cũng có thể trao đổi một loạt các cảm xúc bằng cách chạm vào các vùng khác nhau trên cơ thể. Một cái ôm khi đó có thể biểu hiện sự cảm thông sâu sắc, điều mà ngôn từ thậm chí không làm được.
Lời khuyên là, khi nào bạn muốn mở rộng trái tim của mình với ai đó, hãy ôm họ.
10. Giảm lo lắng, sợ hãi, thậm chí cả tỷ lệ tử vong
Một nghiên cứu trên tạp chí Psychological Science tiết lộ ôm và việc chạm vào cơ thể có tác dụng làm giảm lo lắng ở những người có lòng tự trọng thấp. Nghiên cứu cũng chỉ ra ngay cả việc ôm một vật vô tri như gấu bông cũng giúp bạn giảm nỗi lo sợ.
Tưởng tượng về một cái ôm với người bạn yêu thôi, không cần ôm thật, đã kích thích được não giải phóng erotonin, dopamine và endorphin, các hooc-môn kích thích cảm giác hạnh phúc.
Tất cả kết hợp với việc giảm các hooc-môn căng thẳng, xua tan nỗi buồn và giúp những người trầm cảm cải thiện tâm trạng, giảm tỷ lệ họ tự tìm đến cái chết khi bế tắc.
Tham khảo Healthline, Collective-evolution, Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4