Không chỉ người dùng Việt, mà kể cả giới lập trình viên trong nước cũng mạnh mẽ ủng hộ BPhone.
Nằm trong loạt thông tin nóng hổi trước thời điểm ra mắt chiếc smartphone siêu phẩm của người Việt là BPhone, giới lập trình viên của Việt Nam cũng tỏ ra cực kỳ hào hứng với sản phẩm này. Đây được xem là nhóm đối tượng quyết định một phần không nhỏ trong sự thành công của bất kỳ smartphone nào.
Trước khi đến với trường hợp của BPhone, chúng ta hãy nhìn vào ông lớn của Trung Quốc là Xiaomi cũng phát triển theo hướng đi trải nghiệm người dùng. Theo đó, Xiaomi có một lợi thế rất lớn so với các đối thủ khác chính là cộng đồng lập trình viên hùng mạnh.
Được biết, với các smartphone Xiaomi, các lập trình viên sẽ đóng vai trò phát triển các tính năng mới, độc đáo, đồng thời đóng góp các gói ngôn ngữ cho smartphone. Hàng tuần, các bản thử nghiệm sẽ được đưa ra nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển sản phẩm.
Và đó chính là lý do tại sao smartphone Xiaomi và ROM MIUI của sản phẩm này lại được người dùng đánh giá cao tới vậy. Quay trở lại với BPhone của Việt Nam, anh Hoàng Nova, "cây cổ thụ" trong giới lập trình di động Việt chia sẻ:
"Để đánh giá về khả năng phát triển mảng dev cho BPhone, chúng ta còn phải phụ thuộc rất lớn vào việc BPhone có mở khóa bootloader hay không. Hiện nay, hầu hết các hãng điện thoại Android đều bắt đầu mở khóa bootloader, cho phép lập trình viên can thiệp sâu hơn vào hệ thống như HTC, Xiaomi, Sony..."
Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ thêm rằng, chính anh và các cộng sự đang cảm thấy rất hào hứng với việc phát triển ROM và các tính năng cho BPhone, và đang có kế hoạch cho việc này. Theo anh, nếu hỗ trợ tốt cho mảng ROM và phần mềm, BPhone chắc chắn sẽ được đón nhận nồng nhiệt từ người dùng Việt.
Còn theo anh DoKySon, đại diện một diễn đàn công nghệ chuyên về dev cũng cho hay: "Choimobile chắc chắn sẽ tham gia phát triển ROM cho BPhone, và hỗ trợ cho người dùng."
Trong khi đó, BlueBerry, một chuyên gia ROM LG nhận định: "Nếu như BKAV có một cơ chế hỗ trợ nhất định cho cộng đồng dev, thì sẽ đẩy mạnh được phong trào chơi BPhone và Cook ROM cho máy tương tự như những phong trào smartphone Hàn và Nhật gần đây."
Ngoài ra, anh DoKySon cũng chia sẻ rằng, mức giá đồn đoán 13 triệu đồng của BPhone là chưa thực sự hợp lý, khoảng giá tầm khoảng 7 - 8 triệu được cho là mức giá xác đáng cho người dùng chuyển đổi từ dòng máy khác sang BPhone.
Tất nhiên, về phía đại diện BKAV là ông Vũ Thanh Thắng cũng từng chia sẻ trước đây:
"Sản phẩm điện thoại bây giờ khác nhau là ở phần mềm, ở hệ sinh thái, chứ không còn nằm ở phần cứng, nên không thể lấy lợi nhuận ở phần cứng như trước đây nữa. Tất cả các hãng bây giờ đều đạt được trình độ thiết kế phần cứng rồi, phần còn lại của sản phẩm là phần mềm - phần hồn. Nên tôi nghĩ, ngay các hãng hàng đầu hiện nay nếu chỉ tập trung phát triển phần cứng thì vài năm nữa cũng theo Nokia ra đi.
Những thương hiệu cao cấp hiện nay đều đáng trân trọng, tuy nhiên không phải là họ không có điểm yếu. Apple thì sản phẩm về phần cứng tốt, đẳng cấp, nhưng phần mềm bị gò bó. Samsung chất lượng phần cứng bình thường, phần mềm mở nhưng không đủ tinh tế. Bkav phone là sản phẩm tinh xảo, đẳng cấp về phần cứng với phần mềm mở tinh tế và có hệ điều hành do Bkav phát triển."
Và nếu những tuyên bố của Phó chủ tịch BKAV về phần mềm "mở" là chính xác, đây sẽ là cơ hội có một không hai giúp BPhone nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ giới lập trình viên trong nước, nhằm hướng tới một sản phẩm hoàn thiện cả về phần cứng lẫn phần mềm.
Vào ngày mai, thứ 3 ngày 26/05, BKAV sẽ chính thức tổ chức sự kiện hoành tráng tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia (số 57, đường Phạm Hùng, Hà Nội) nhằm tung ra chiếc smartphone siêu phẩm BPhone của mình. Còn với những người dùng không thể tới tham dự trực tiếp, hoặc không có vé mời, chúng ta có thể theo dõi trực tuyến sự kiện này qua trang eMeeting, là dịch vụ họp trực tuyến vừa được giới thiệu bởi BKAV.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?