Gọi vốn 5 triệu USD để xây dựng công ty tầm cỡ Facebook, Amazon nhưng lại "nói không sách, mách không chứng", CEO LASS Group bị các Shark đồng loạt từ chối vì không đáng tin
"NASA, Airbus, Mercedes… là những công ty đã từng dùng công nghệ của chúng tôi", CEO Việt kiều Tommy Phạm tuyên bố đầy ấn tượng. Tuy nhiên, màn gọi vốn này khiến các Sharks nghi ngờ tính chân thực khi startup không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến việc sở hữu công nghệ, hay có mối quan hệ ràng buộc với người được cho là sở hữu, khi ngay cả một cuộc điện thoại gọi cho co-founder cũng không thực hiện được.
Startup tuyên bố có khách hàng là NASA, Airbus, Mercedes, muốn gọi vốn 5 triệu USD
"NASA, Airbus, Mercedes… là những công ty đã từng dùng công nghệ của chúng em", Tommy Phạm lên tiếng khi vừa bước vào phòng thương thuyết.
Tommy là Việt kiều Úc, tự giới thiệu là CEO và Co-founder của LASS Group - một startup về AI bên Úc.
Theo trình bày của startup, công nghệ của LASS Group là hệ thống giám sát (tracking system), đối tượng khách hàng LASS Group đang hướng đến là phục vụ cho việc quản lý của Chính Phủ các nước trên thế giới.
Giải thích cơ chế hoạt động của hệ thống này, Tommy lấy ví dụ nếu Shark Liên là một người nước ngoài vừa vào Việt Nam, sau đó di chuyển về khách sạn, rồi tới Vũng Tàu, nếu CCTV phủ hết thì hệ thống nhận diện được Shark Liên liền.
Đến với Shark Tank Việt Nam , Tommy muốn gọi vốn 5 triệu USD cho 10% của LASS Group. Con số khủng này khiến các Shark "đứng hình" vài giây.
Em muốn về Việt Nam, muốn xây một công ty để sau này đứng ngang hàng với Facebook, Amazon
Lý do cần 5 triệu USD, Tommy cho biết anh tính lựa một thành phố để thành lập công ty ở đó, ví như Phú Quốc chẳng hạn, sẽ set-up một hệ thống cho đơn vị này để theo dõi tàu hoặc khách du lịch.
"Em muốn về Việt Nam, muốn xây một công ty để sau này đứng ngang hàng với Facebook, Amazon", Tommy nói.
Giới thiệu về sản phẩm, Tommy Phạm cho hay, năm 2018 hệ thống có thể theo dõi 1 triệu đối tượng. Tối ưu hơn cả Palantir - đơn vị cung cấp giải pháp cho quân đội Mỹ do thám toàn cầu. Tommy Phạm khẳng định: "Nếu hệ thống tụi em gắn trên thành phố các nước thì không có vụ bắt cóc trẻ em, find my everything".
Startup cho biết thêm, hiện đã có một vài đối tác lớn đang đợi để hợp tác với LASS Group dưới dạng dùng thử vì sản phẩm chưa được bán. Lý giải lý do vì sao chưa thương mại hóa sản phẩm từ Shark Dzung Nguyễn, Tommy Phạm cho hay doanh nghiệp không muốn đi con đường thương mại chế tạo đơn thuần mà LASS Group ôm tham vọng xa hơn là xâm nhập vào các thành phố, bán sản phẩm cho Chính phủ để gia tăng giá trị của mình.
Về đội ngũ, Tommy Phạm trình bày ngoài anh với vai trò CEO, công ty còn có sự tham gia của hai co-founder là anh em GS Võ Bá Ngự và Võ Bá Tường – người nhận giải thưởng Eureka của Úc trong lĩnh vực an ninh quốc gia và quốc phòng năm 2010 (Tommy chiếu ảnh họ trên màn hình). Về cơ cấu, mỗi cổ đông nắm giữ 20% cổ phần công ty, 40% còn lại được dùng để đi kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư.
Vướng nghi vấn gọi đầu tư "hộ" để ăn hoa hồng, Việt kiều khăng khăng: Em không phí thời gian bay về Việt Nam để giỡn với các Shark"
Vẽ ra viễn cảnh xán lạn nếu sản phẩm được ứng dụng trên thế giới, tuy nhiên startup lại tỏ ra lúng túng khi được Shark Phạm Thanh Hưng yêu cầu chứng minh quyền sở hữu công nghệ hoặc thỏa thuận ủy quyền kinh doanh sản phẩm.
- Em có mang các License (bản quyền), Pattern (mẫu) của 2 người trên màn hình về đây?
- Em có tất cả. Nếu các Shark ký hợp đồng với em các Shark sẽ thấy hết được. Nhưng nếu các Shark không ký, xin phép em không cách nào cho các Shark thấy hết trơn.
- Làm sao các Shark tin được em được sự đồng ý của 2 người này? Có thể gọi điện thoại tới 2 người này được không?... Hình ảnh có thể download trên mạng rồi in ra. Mô tả thì một người có trí tưởng tượng bình thường cũng có thể nói ra được…
"Làm chung với nhau phải có lòng tin. Em không có phí thời gian bay về Việt Nam, qua bao nhiêu vòng để giỡn chơi với các Shark", CEO LASS Group Tommy
Tommy sau đó thực hiện một cuộc điện thoại, nhưng cho biết phía bên kia không bắt máy.
"Bạn chỉ nắm 20%, không được trao quyền thích đáng, không có bằng chứng chứng minh 2 người kia đồng ý cho bạn để deal. Hay bạn chỉ là một người nếu hôm nay gọi vốn được 5 triệu USD thì về được hưởng hoa hồng 20%?", Shark Hưng chất vấn.
"Thắc mắc đó cũng rất hay. Nhưng làm chung với nhau phải có lòng tin. Em không có phí thời gian bay về Việt Nam, qua bao nhiêu vòng để giỡn chơi với các Shark", Tommy thẳng thắn.
"Các Shark ngồi đây cũng không phải để giỡn chơi, cũng muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư thực sự. Anh có thể chứng minh mình có công nghệ, và công nghệ đó phải có thực tế?", Shark Dzung Nguyễn chất vấn.
Chờ đợi startup chứng minh lời nói của mình nhưng bất thành, Shark Đỗ Liên và Shark Nguyễn Ngọc Thủy cùng lắc đầu từ chối và có chung nhận định dự án của LASS Group không đáng tin.
"Bằng chứng của em rất mênh mông, có vài phút thì em không thể nào chứng minh được. Em nghĩ vòng DD (thẩm định doanh nghiệp - PV) mới có đủ thời giờ xác nhận được những gì em nói", Tommy tiếp tục thanh minh.
"Nói có sách mách có chứng. Ở đây sách không có, chứng cũng không, chỉ có lời nói của bạn. Trên những cơ sở thế này, tôi quyết định không đầu tư", Shark Việt tiếp lời.
Vốn là "cá mập" ưa thích các công nghệ tương lai nhưng Shark Phạm Thanh Hưng cũng từ chối LASS Group vì đánh giá công nghệ này nguy hiểm vượt quá sức tưởng tượng. Shark Hưng nói: "Thực sự tôi cũng cố gắng tạo cơ hội để bạn chứng minh về công nghệ, sở hữu bản quyền, sở hữu trí tuệ, sỡ hữu phát minh cũng như khả năng ứng dụng của nó. Không biết các Shark khác nghĩ thế nào nhưng cá nhân tôi không dám lộ trên truyền hình là chúng ta cùng bắt tay với nhau phát triển công nghệ này. Quá kinh khủng khiếp, tôi sởn hết gai ốc khi nghe nãy giờ".
Quan tâm đến các chỉ số tài chính và vấn đề thương mại hóa sản phẩm của LASS Group, "Cá mập công nghệ" Dzung Nguyễn đưa ra đánh giá: "Tôi cố tình nghe để xem đối tượng khách hàng của anh là ai, làm sao để thương mại hóa nhưng anh bảo 7 năm rồi vẫn chưa thương mại hóa được bởi vì anh không muốn làm điều đấy mà chúng tôi là nhà đầu tư thì không muốn như vậy, không biết chờ đến bao giờ".
Màn gọi vốn thất bại trước cái lắc đầu của cả 5 cá mập.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI