Gợi ý những mẫu bàn phím cơ mini (60%) đáng mua nhất dành riêng cho những ai yêu sự nhỏ gọn và tinh tế
Nếu đang tìm một chiếc bàn phím thanh mảnh và tinh giản, chắc chắn các mẫu bàn phím 60% (hoặc 65%) này chính là những cỗ máy gõ chữ mà bạn nên tham khảo.
Hiện nay bàn phím cơ trên thị trường đang có vô số các mẫu mã khác nhau, được chia theo kích cỡ là chủ yếu, được biết đến nhiều nhất có lẽ là cỡ "full-size" (to nhất và có đầy đủ các nút) và cỡ TKL ("Ten Key Less", đã lược bỏ đi hàng phím số bên phải).
Tuy nhiên, nổi tiếng chỉ sau 2 cỡ trên chính là loại bàn phím nhỏ gọn đang khiến cả người dùng phổ thông lẫn những ai có sở thích chơi bàn phím cơ phải mê mẩn, đó là bàn phím "60%" (hoặc 65%).
Bàn phím 60% có kích cỡ màu xanh, TKL có thêm phần màu hồng và Full-size có thêm phần màu vàng
Loại bàn phím này sẽ nhỏ hơn cả bàn phím Full-size và TKL, lược bỏ đi hết phần phím số, phím mũi tên, phím chức năng (Insert, Home, PageDown) và loạt phím từ F1 tới F12. Tuy vậy chúng vẫn có đầy đủ tính năng. Còn một loại khác là bàn phím 65% sẽ tích hợp thêm phím điều hướng và một vài nút chức năng khác.
Ngoài kích cỡ và số lượng nút, điểm khác biệt duy nhất của bàn phím 60% so với những cỡ lớn hơn là cách sử dụng. Bạn sẽ phải ấn tổ hợp các phím khác nhau để có thể kích hoạt các phím F1 tới F12, nút Home, phím điều hướng, v.v... Có đôi phần bất tiện nhưng khi dùng quen sẽ cảm thấy không có gì là khó khăn.
Một chiếc bàn phím 60% sau khi đã thay keycap, trông giống với một vật trang trí bàn làm việc hơn là một máy gõ chữ (Ảnh: Mechanicalkeyboardinfo)
Hiện các bạn hoàn toàn có thể DIY, tự làm cho mình một chiếc bàn phím 60%, nhưng điều này đòi hỏi sự khéo tay, nhiều thời gian và khá kỳ công. Vậy nếu "lười" thì dưới đây sẽ là những mẫu bàn phím 60% tốt nhất mà bạn nên tham khảo:
Anne Pro - Giá tham khảo: 1,6 triệu đồng
Switch: Gateron | LED: RGB | Keycap: PBT Double-shot | Có kết nối bluetooth
Anne Pro có tất cả những ưu điểm của một bàn phím tốt: chất lượng hoàn thiện tốt, keycap PBT chống mờ, đèn LED RGB đẹp mắt, v.v... Tuy nhiên thật đáng tiếc là nó chỉ sử dụng switch Gateron. Mặc dù vậy cảm giác bấm cũng không hề kém cạnh nhiều so với Cherry MX.
Ngoài ra chiếc bàn phím còn có thể kết nối thông qua cả bluetooth và dây đinh kèm, rất tiện lợi và thích hợp cho những ai muốn bàn làm việc/chơi game của mình trở nên tinh tế và gọn gàng.
iKBC New Poker 2 - Giá tham khảo: 2.3 triệu đồng
Switch: Cherry MX | LED: Không có | Keycap: PBT
Với mức giá cao hơn một chút, bạn có thể tham khảo qua chiếc New Poker 2 đến từ iKBC - một thương hiệu nổi tiếng với những mẫu bàn phím cơ "nồi đồng cối đá", rất chắc chắn và cứng cáp.
Đối với New Poker, chiếc bàn phím này sẽ chỉ tập trung vào cảm giác bấm vô cùng dễ chịu và sự nhỏ gọn, không hề có đèn LED màu mè và kết nối bluetooth, vì vậy bạn cũng cần chú ý nếu muốn tậu thiết bị này.
Filco Majestouch Minila Air 67 - Giá tham khảo: 3,4 triệu đồng
Switch: Cherry MX | LED: Không có | Keycap: PBT | Có kết nối Bluetooth
Nếu bạn ưa thích sử dụng một bàn phím sử dụng switch Cherry MX mà vẫn có kết nối bluetooth, chắc chắn mẫu Minila Air 67 của Filco sẽ không làm bạn thất vọng. Tên tuổi của Filco là không phải bàn cãi, rất bền bỉ và ấn sướng tay. Hơn nữa khả năng tùy chỉnh keycap cũng là rất lớn. Mặc dù vậy, mức giá mà bạn phải bỏ ra là không hề thấp, lên tới gần 3,5 triệu đồng.
TADA68 Pro - Giá tham khảo: 2,1 triệu đồng
Switch: Cherry MX hoặc Gateron, Zealios | LED: Trắng | Keycap: PBT | Có kết nối Bluetooth
Một sự lựa chọn khác với giá mềm hơn có thể kể đến mẫu TADA68 Pro, với các lựa chọn switch từ Zealion, Gateron cho đến Cherry MX, đặc biệt nhất là khả năng kết nối bluetooth. Mặc dù không thể cứng cáp như các đối thủ nhưng với tầm giá 2 triệu thấp hơn hẳn thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm về chiếc bàn phím này.
Vortex Pok3r - Giá tham khảo: 3,5 triệu đồng
Switch: Cherry MX | LED: RGB | Keycap: ABS double shot
Có giá khá đắt đỏ, Vortex Pok3r được trang bị cả đèn LED RGB lẫn switch Cherry MX, vỏ case nhôm kim loại chắc chắn. Tuy nhiên keycap sử dụng chỉ là ABS chứ không phải PBT để giúp ánh sáng đèn RGB lọt qua đẹp mắt hơn.
Mặc dù vậy, layout của Pok3r là khá phổ biến nên bạn có thể tậu thêm keycap và thay đổi tùy theo ý thích của mình. Một điểm trừ nữa là chiếc bàn phím này khá nặng, bạn cũng cần cân nhắc về điều này trước khi mua.
Leopold FC660C - 5,5 triệu đồng
Switch: Topre | LED: Không có | Keycap: PBT Dye-sub
Với mức giá "không tưởng", bạn sẽ được sở hữu một chiếc bàn phím 65% có thêm hàng phím mũi tên và hai nút chức năng để dễ thao tác hơn. Quan trọng nhất là chiếc bàn phím của Leopold lại sử dụng switch Topre có cảm giác bấm vô cùng mới lạ và khoan khái, giống hết với cảm giác bấm phím đàn piano vậy.
Đây thực sự là chiếc bàn phím đơn giản, tập trung vào trải nghiệm người dùng bởi không hề có đèn LED và bluetooth, giá trị từng đồng tiền bát gạo và rất đáng để tham khảo.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể xem qua các mẫu bàn phím cơ TKL nhỏ gọn để đưa ra quyết định mua sắm cho riêng mình.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời