Goldman Sachs nhận định Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo

    Bảo Nhi Spiderum,  

    Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia, cho biết Trung Quốc có đủ nguồn lực và các kế hoạch từ A-Z đầy tham vọng để xây dựng một nền kinh tế thông minh mà trí tuệ nhân tạo sẽ nắm quyền cùng với thuật toán học máy (machine learning) trong một vài năm tới.

     Robot hình nhân UBtech Alpha tại diễn đàn Băng rộng Di động (GMBF) thường niên do Huawei tổ chức tại Chiba, Nhật Bản, ngày 24/11/2016.

    Robot hình nhân UBtech Alpha tại diễn đàn Băng rộng Di động (GMBF) thường niên do Huawei tổ chức tại Chiba, Nhật Bản, ngày 24/11/2016.

    Theo bản báo cáo ‘Trung Quốc vươn lên tiếp cận trí tuệ nhân tạo’ từ ngân hàng Goldman Sachs, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nổi lên như một đối thủ toàn cầu trong việc sử dụng công nghệ AI (công nghệ trí tuệ nhân tạo) để phát triển kinh tế.

    Goldman cho biết chính phủ và các công ty xem xét AI và thuật toán học máy như những đột phá mới trong tương lai.

    "Chúng tôi tin rằng công nghệ AI sẽ trở thành ưu thế cho chương trình nghị sự của chính phủ, và chúng tôi mong muốn sau này chính sách quốc gia và địa phương sẽ tài trợ cho AI ", đại diện ngân hàng nói.

    Công nghệ AI đang được phủ sóng rộng rãi: Từ các ứng dụng điện thoại thông minh đơn giản như dự báo thời tiết đến các thuật toán phức tạp để dễ dàng giành chiến thắng trong các trò chơi bàn cờ với con người.

    Các ông lớn như Google và Microsoft đã đổ rất nhiều tiền vào nghiên cứu và phát triển để mở rộng tầm hiểu biết của AI. Máy tính sẽ nhập một lượng lớn dữ liệu và được lập trình các tác vụ cụ thể, cho phép các công ty tạo ra phần mềm có thể học hỏi để trở nên thông minh hơn (deep learning).

    Nhìn chung, Mỹ đang dẫn đầu ngành công nghệ này. Song các nước khác cũng đang rút ngắn khoảng cách. Trong số đó có Trung Quốc, một cường quốc Internet với các tập đoàn thương mại điện tử như Baidu, Alibaba và Tencent.

    Tháng 7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra định hướng phát triển AI trong nước và đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới toàn cầu vào năm 2030. Dự kiến ​​tổng giá trị sản xuất của ngành công nghiệp AI sẽ trên 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.5 triệu tỷ VND).

    Hội đồng khuyến khích việc tạo ra các nền tảng điện toán mã nguồn mở và đào tạo thêm các chuyên gia và nhà khoa học về AI. Chính phủ cũng định hướng đầu tư vào các dự án AI kỹ thuật cao và khuyến khích vốn đầu tư tư nhân.

    Các yếu tố chính tạo ra giá trị AI của Trung Quốc

    Goldman đã xác định được bốn lĩnh vực chính cần phát triển để tạo ra giá trị của AI: nhân tài, dữ liệu, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng tính toán. Từ đó đi đến kết luận rằng Trung Quốc đã đạt 3/4 yếu tố và chỉ còn thiếu khả năng tính toán để phát triển AI toàn diện.

    Nhân tài

    Vì công nghệ AI còn tương đối mới, việc chiêu mộ đúng nhân tài là một vấn đề lâu dài. Ý kiến chuyên gia cho rằng cần nhiều tiêu chí hơn để đào tạo những người có chuyên môn kỹ thuật về AI.

    Để tìm kiếm nguồn nhân tài còn đang khan hiếm ở mọi nơi, các ông lớn trong làng công nghệ Mỹ đang mở các phòng thí nghiệm nghiên cứu trên khắp thế giới. Các công ty Trung Quốc cũng đang tiến hành phương pháp tương tự tại thung lũng Silicon và chi trả mức lương tương đương.

    Đầu năm nay, tập đoàn Baidu với sự trợ giúp của Cựu Phó chủ tịch Cấp cao Microsoft, ông Qi Lu, đã nỗ lực thúc đẩy phát triển AI. Cùng lúc đó, tập đoàn Tencent đã tận nhà khoa học từng làm việc cho Microsoft, ông Yu Dong để mở phòng lab AI tại Seattle, Mỹ.

    Dữ liệu

    Trung Quốc có lợi thế về dữ liệu từ những cư dân mạng chiếm phần lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới này

    Cụ thể hơn, các công ty mạng lớn của Trung Quốc có hệ sinh thái trực tuyến ngày càng thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của người dùng trong nước , thu thập một lượng dữ liệu lớn và có dự định tạo ra khoảng 9, 10 dữ liệu zetabytes vào năm 2020. (1 ZB = 1011 GB).

    Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin

    Khi nói đến hệ thống hạ tầng, hầu hết các công ty lớn nghiên cứu AI đều sử dụng các nền tảng mã nguồn mở để thu hút các nguồn lực và nhân tài vào hệ thống của họ.

    Các công ty Trung Quốc cũng đang làm theo xu hướng này. Ví dụ, công ty Baidu có một nền tảng thuật toán học máy mã nguồn mở, tên là PaddlePaddle, viết tắt của Parallel Distributed Deep Learning (tạm hiểu là Thần kinh Nhân tạo với thuật toán song song và phân tán). Baidu cũng công bố dự án Apollo, một nền tảng mã nguồn mở khác để phát triển công nghệ tự lái xe.

    Khả năng tính toán

    Thuật toán AI và hiệu suất của nó cũng bị hạn chế bởi khả năng tính toán phụ thuộc vào bộ xử lý. Goldman lưu ý rằng Trung Quốc đã "phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài" để sản xuất chip điện tử, nhưng đã có một số "tiến bộ đáng khích lệ" trong nền công nghiệp bán dẫn nội địa.

    Dự kiến Trung Quốc sẽ dần dần ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước ngoài.

    Những công ty mà Mỹ cần dè chừng

     Tam Hùng Trung Quốc đang thống trị công nghệ nước này.

    Tam Hùng Trung Quốc đang thống trị công nghệ nước này.

    Goldman hy vọng những công ty được hưởng lợi đầu tiên từ AI sẽ là ba công ty BAT của Trung Quốc (Baidu, Alibaba và Tencent). Đó là bởi vì các công ty này có hệ thống dữ liệu đáng kể và duy nhất chúng có đúng quy mô nguồn lực để tận dụng ưu thế mà công nghệ mang lại.

    Một công ty khác cần chú ý đến là nhà cung cấp dịch vụ mua sắm theo yêu cầu, tập đoàn liên minh Meituan-Dianping. Họ phân tích dữ liệu lớn để tạo ra một tuyến đường giao hàng hiệu quả nhất trong vòng chưa tới 100 giây.

    Công ty được mệnh danh là Uber của Trung Quốc, Didi Chuxing, cũng đang vận hành theo thần kinh nhân tạo, sự tương tác giữa người và máy, tầm nhìn máy tính và các công nghệ lái xe thông minh. Theo Goldman, nó xử lý hơn 4.500 terabyte dữ liệu, nhận được hơn 20 tỷ yêu cầu đặt xe và xử lý 20 triệu cước xe hàng ngày.

    Một đối thủ đáng gờm nữa là iFLYTek - một công ty tập trung phát triển nhận dạng giọng nói và ngôn ngữ. Họ có thị phần lớn nhất trong ngành công nghiệp nhận diện giọng nói của Trung Quốc.

    Cũng phải kể đến Hikvision, một công ty công nghệ sử dụng AI cho các sản phẩm giám sát, bao gồm camera thông minh.

    Ngoài ra còn có Mobvoi, nghiên cứu về giọng nói và ngôn ngữ bản địa. Tiếp theo là SenseTime, công ty tập trung vào tầm nhìn máy tính và thần kinh nhân tạo. Cuối cùng là công ty sản xuất máy bay không người lái DJI và công ty sản xuất robot hình người UBTECH.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ