Google Allo rồi cũng sẽ thất bại thảm hại như Hangouts mà thôi
Với một loạt các ứng dụng liên lạc mới, Google vẫn không thể giải quyết được vấn đề đã đánh gục Hangouts.
3 năm trước, dự án “Babel” của Google rò rỉ trên mặt báo. Người ta dự đoán về một công cụ chat/gọi thoại siêu việt có thể giúp Android sở hữu một đối trọng tương tự như iMessage, “hất cẳng” các đối thủ như WhatsApp, Viber, LINE... ra khỏi hệ điều hành của Google.
3 năm sau khi ra mắt với tên gọi chính thức là “Hangouts”, Babel vẫn hoàn toàn mờ nhạt. Các đối thủ cũ vẫn sống tốt. Người ta nhắc rất nhiều tới các dịch vụ chat/gọi thoại trên di động, nhưng đều là các sản phẩm cạnh tranh như Skype và Facebook Messenger chứ không phải là Hangouts.
Tại I/O 2016, Google ra mắt thêm một loạt ứng dụng chat/liên lạc mới: Allo tập trung vào chat với những câu trả lời được dự đoán sẵn và khả năng tích hợp tốt với các dịch vụ Google; Duo phục vụ cho chat video và Spaces phục vụ cho tính năng chia sẻ theo nhóm. Tạm thời, Google sẽ chưa khai tử Hangouts để dọn đường cho các ứng dụng mới.
Allo, một ứng dụng nhàm chán.
Kịch bản ở đây có vẻ rất quen thuộc. Vào năm 2013, Google có tới 3 sản phẩm dành cho chat/gọi trực tuyến: Google Talk, Google Messenger (tên gọi cũ là Huddle) và Hangouts cũ (vốn chỉ cung cấp tính năng video). Mất tới 2 năm Google mới khai tử được các dịch vụ cũ để buộc người dùng chuyển sang Hangouts mới, nhưng đến đầu năm nay Google lại khai tử tính năng SMS trên Hangouts để thuyết phục người dùng chuyển sang một ứng dụng mới có tên “Messenger”.
Ai cũng có thể thấy nỗ lực chinh phục thị trường ứng dụng chat/gọi thoại của Google gặp rối loạn. Cùng lúc, iMessage và FaceTime vẫn luôn được người dùng iOS ca ngợi, Microsoft vẫn sống tốt với Skype. Facebook Messenger dù ban đầu bị “ghét” vẫn nhanh chóng thâu tóm được hàng trăm triệu người dùng.
Đâu là lý do dẫn tới tình trạng này? Hãy nhớ rằng mức độ hữu ích của các ứng dụng chat sẽ do một yếu tố duy nhất quyết định: bạn quen bao nhiêu người đang sử dụng ứng dụng chat đó? Đây cũng chính là lý do vì sao Facebook sẵn sàng “ép” người dùng chuyển từ ứng dụng chính sang một ứng dụng chat độc lập, cùng lúc mở rộng ứng dụng đó thành một nền tảng không chỉ cho chat mà còn cho cả ứng dụng và các doanh nghiệp chăm sóc khách hàng. Ngay từ đầu Facebook Messenger đã có sẵn hàng trăm triệu người dùng. Hay như tại Việt Nam, ứng dụng nội địa Zalo có thể cạnh tranh và áp đảo các ứng dụng ngoại vì được tối ưu theo nhu cầu và sở thích của người Việt, đồng thời cũng xóa bỏ được trở ngại ngôn ngữ vẫn còn quá nặng nề.
Thất bại của Hangouts cũng là một phần lý do không nhỏ buộc Vic Gundotra phải rời Google.
Apple cung cấp iMessage để làm mồi nhử cho phần cứng, nhưng với khả năng tích hợp quá đơn giản và dễ dàng vào iOS, không có gì khó hiểu khi đối tượng người dùng iMessage cũng là hàng trăm triệu iFan đang có iPhone, iPad hoặc Mac. Cái dở của Google là không học theo Apple ngay từ những ngày đầu của Android, và kết quả là thị trường nhắn tin đang bị áp đảo bởi ứng dụng xuất hiện đầu tiên: WhatsApp với hơn 1 tỷ người dùng. Ngay đến cả Microsoft dù thảm bại di động nhưng cũng vẫn có phần quan trọng trong cuộc chiến OTT, đơn giản là nhờ sức hút truyền thống của Skype.
Google đang lựa chọn hướng đi sai lầm cho nỗ lực thâu tóm thị trường OTT của mình. Các giải pháp của Google luôn có thêm một vài tính năng hấp dẫn so với các đối thủ cạnh tranh, song chúng không đem lại thứ gì mới so với những giá trị cốt lõi mà các ứng dụng đối thủ đã cung cấp sẵn từ trước. Nếu thích cuộc gọi chất lượng cao, đảm bảo hoặc nếu thích các chatbot siêu thông minh có tri giác không kém gì con người, bạn sẽ chọn Skype. Nếu thích nhắn tin an toàn tuyệt đối, bạn sẽ chọn WhatsApp hoặc Telegram. Nếu thích các tin nhắn vui nhộn, sáng tạo (và an toàn) bằng ảnh, Snapchat là lựa chọn tuyệt vời nhất. Nếu lười không muốn phải tạo lập và xác thực thêm bất kỳ một loại tài khoản nào, bạn sẽ chọn Facebook Messenger.
Việc Google có cung cấp các tính năng tương tự, thậm chí là ở mức chất lượng tốt hơn hay không, cũng không còn quan trọng nữa. Những bài toán Google đang muốn giải đều đã có người giải từ trước, và những người đi đầu thường luôn thâu tóm được thị phần đủ lớn để khống chế một khoảng trời riêng trong lĩnh vực OTT. Đặt ngược lại vấn đề, càng nhiều người dùng thì ứng dụng nhắn tin lại càng có tính khống chế cao.
Sự kiện ra mắt đầy hy vọng và 3 năm thất vọng của Hangouts dự đoán rất nhiều điều về Allo, Duo và Spaces của ngày hôm nay. Hangouts không phải là một sản phẩm tệ, nhưng lịch sử công nghệ luôn tràn ngập các sản phẩm không tệ mà vẫn thất bại. Allo cũng vậy. Sự kết hợp của trợ lý ảo AI và mã hóa đầu-cuối là điều về lý thuyết ai cũng mong muốn, nhưng không một ai có thể gắn bó với một ứng dụng chat mà bạn bè, người thân của họ không sử dụng. Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho Google không phải là nhồi nhét tính năng nào vào Allo, mà là làm thế nào để người dùng cài đặt và sử dụng Allo? Cụ thể hơn, làm thế nào để 1 tỷ thiết bị chạy Android đời cũ cài đặt Allo? Làm thế nào để các thiết bị Android mới ra đời, vốn ngày càng rẻ hơn và càng “Trung Quốc hóa” nhiều hơn có thể bị trói vào dịch vụ chat của Google?
Đó sẽ là những câu hỏi giết chết Allo như đã từng giết chết Hangouts. Sticker, AI, mã hóa đầu cuối, tất cả đều sẽ chẳng có ý nghĩa gì với sự sống và cái chết trên một thị trường đã bão hòa.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời