Google đánh giá người Việt không keo kiệt khi mua hàng trên Internet

    PV,  

    Google và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) hôm qua 16/9 đã công bố kết quả nghiên cứu về vai trò của Internet và sức mua của những hộ gia đình có kết nối Internet ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chỉ đứng sau Myanmar nhưng đứng trên các quốc gia như Mỹ, Nhật về độ lạc quan và tỷ lệ mức chi tiêu tăng.

    Nghiên cứu cho thấy những hộ gia đình có kết nối Internet thường chiếm số đông và là những người trẻ hơn, có vị thế hơn những người láng giềng không có kết nối Internet. Người kết nối Internet cũng không còn giới hạn ở khu vực thành thị. Đồng thời, người Việt có xu hướng chi tiêu thoại mái, kết hợp với tăng trưởng kinh tế ổn định, nên Việt Nam là thị trường tiềm năng cho các nhà kinh doanh tiêu dùng.

    Cụ thể, nghiên cứu cho thấy Việt Nam chỉ đứng sau Myanmar, nhưng đứng trước các quốc gia như Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, các nước EU,... về độ lạc quan và phần trăm mức chi tiêu tăng. Hơn 90% số người người Việt và Myanmar tham gia khảo sát đều cho rằng họ đang có cuộc sống tốt hơn thế hệ trước, và tin rằng thế hệ tiếp theo sẽ có cuộc sống tốt hơn nữa. Trong khi đó, người dân của hầu hết các nước còn lại đều không lạc quan mấy về cuộc sống, nhiều nước có tỷ lệ hài lòng dưới 50%.

    Thêm vào đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Việt Nam và Myanmar đang có phần trăm tăng trưởng chi tiêu là 80%, trong khi nước xếp thứ hai là Brazil chỉ ở mức 62%. Điều này cho thấy số tiền người Việt bỏ ra cho chi tiêu tăng nhanh theo từng năm, vượt xa các nước đã kể trên.

    Báo cáo cũng đánh giá tài sản của người Việt đang gia tăng nhanh chóng. GDP của Việt Nam cũng tăng trưởng 6%/năm, ổn định trong suốt 20 năm qua, đứng ngoài các xu hướng suy thoái.

    Việt Nam là quốc gia đông dân thứ hai ở Đông Nam Á, với tỷ lệ gia tăng số người ở tầng lớp trung lưu và thượng lưu vượt xa nhiều nước trong khu vực, kết hợp với mức chi tiêu tăng đều, cho thấy đây là một thị trường tiêu dùng tiềm năng, báo cáo nêu.

    Đánh giá về nhóm người tiêu dùng trung cấp và cao cấp tại Việt Nam, báo cáo cho biết nhóm này sẽ gia tăng 1,7 lần về số lượng tính đến năm 2020. Nhóm sẽ lan rộng tại các tỉnh thành trọng điểm, thúc đẩy chi tiêu cho các sản phẩm tiện ích và phục vụ phong cách sống. Đồng thời sẽ dẫn dắt sự dịch chuyển sang các kênh bán hàng hiện đạI, như thương mại điện tử chẳng hạn, và sẽ tạo nên cuộc cách mạng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.

    Trong các khảo sát, người dùng phân khúc trung và cao cấp luôn có xu hướng tiêu dùng cao hơn so với người ngoài phân khúc này. Chẳng hạn, các thiết bị cần thiết như xe máy, máy giặt, tủ lạnh hầu hết người dùng phân khúc này đều trang bị. Trên 60% nhóm này có nhu cầu dùng laptop và máy điều hòa. Nhu cầu điện thoại thông minh và lò vi sóng của nhóm này cũng vượt xa những người ngoài nhóm.

    Báo cáo cho biết Việt Nam là một quốc gia trực tuyến, khi tỷ lệ người dùng Internet đang là 53% và vẫn tiếp tục tăng nhanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt đang hưởng lợi thế với dữ liệu di động giá rẻ và thị trường điện thoại thông minh nhiều cạnh tranh. Với băng thông rộng di động hiện tại (3G/4G), và mục tiêu phủ sóng 95% hộ gia đình cho đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng này nhanh hơn từ 1,5 – 3 lần so với các quốc gia trong khu vực. Báo cáo dẫn nguồn từ Temasek và Google chỉ ra rằng Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và có dấu hiệu đột phá trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ 0,4 tỷ USD lên 7,5 tỷ USD vào năm 2025.

    Trong khi doanh số bán hàng trực tuyến vẫn còn thấp, tác động của kỹ thuật số vào doanh số bán hàng lại cao và có chiều hướng gia tăng. Người tiêu dùng Việt Nam đang dần hình thành thói quen truy cập trực tuyến để tìm ý tưởng cho việc mua sắm, nghiên cứu sản phẩm và thương hiệu, kiểm tra sản phẩm sẵn có, v.v... Báo cáo chỉ ra rằng, các gia đình sử dụng Internet chiếm khoảng 70% giá trị ngành hàng của các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu (FMCG). Họ trẻ hơn, nhiều hơn và khá giả hơn so với nhóm còn lại.

    Ngoài ra, kết nối Internet không chỉ tập trung ở những gia đình trong các khu đô thị lớn, gần một nửa các hộ gia đình ở khu vực nông thôn đã kết nối Internet. Google khuyên các nhà kinh doanh cần chú trọng hơn nữa mảng tiếp thị trực tuyến để tiếp cận nhóm khách hàng này. Nhìn tổng thể báo cáo, có thể thấy Việt Nam đang trên đà tăng trưởng với các con số ấn tượng, tuy nhiên cần hiểu rằng Việt Nam đang trên đà phát triển nên mức tăng trưởng sẽ nhanh hơn so với các nước trong khu vực ở một vài chỉ số. Thực tế, số người giàu ở Việt Nam tăng nhưng vẫn ít hơn so với Thái Lan, Malaysia, Philippines mặc dù dân số đông hơn. Hoặc tỷ lệ tăng trưởng người dùng Internet tăng, nhưng tổng người dùng so với số dân vẫn thấp so Thái Lan, Singapore, Malaysia.

    Theo Trí Thức Trẻ

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ