Google, Facebook, AI đang tái cơ cấu bản thân mình xung quanh một xu hướng mới, có thể làm thay đổi lịch sử công nghệ

    Nguyễn Hải,  

    Microsoft, Google, Facebook hay Amazon, những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thế giới đang buộc phải thay đổi bản thân để phù hợp với một xu hướng mới: Trí tuệ nhân tạo.

    Li Fei Fei là một người quan trọng trong thế giới AI. Là giám đốc của phòng thí nghiệm về Trí tuệ nhân tạo và Thị giác máy tính tại Đại học Stanford, cô giám sát việc tạo ra ImageNet, cơ sở dữ liệu khổng lồ về hình ảnh được thiết kế để tăng tốc khả năng “nhìn” của AI.

    Và nó đang chứng minh sự hiệu quả của mình khi giúp thúc đẩy việc tạo ra các hệ thống học sâu, có thể nhận biết các sự vật, động vật, con người và thậm chí toàn bộ khung cảnh trong hình ảnh – công nghệ này đã trở thành một công cụ phổ biến trong các trang chia sẻ hình ảnh lớn nhất thế giới. Hiện tại Fei Fei sẽ giúp điều hành một nhóm AI hoàn toàn mới bên trong Google, động thái cho thấy các công ty công nghệ lớn nhất thế giới đang thay đổi bản thân mạnh mẽ như thế nào xung quanh AI.

    Bên cạnh một nhà nghiên cứu khác của Stanford – Li Jia, người gần đây điều hành việc nghiên cứu cho mạng xã hội Snapchat – Fei Fei sẽ lãnh đạo một nhóm trong bộ phận điện toán đám mây của Google, để xây dựng các dịch vụ trực tuyến giúp bất kỳ coder hay công ty nào cũng có thể sử dụng để xây dựng AI của riêng mình. Nhóm Cloud Machine Learning (Máy học trên đám mây) này là ví dụ mới nhất về việc AI đang không chỉ định hình lại công nghệ của Google, mà còn thay đổi cách công ty tổ chức và vận hành các mảng kinh doanh của mình.

     Li Fei Fei, giáo sư Đại học Stanford, người lãnh đạo nhóm về AI trên đám mây của Google.

    Li Fei Fei, giáo sư Đại học Stanford, người lãnh đạo nhóm về AI trên đám mây của Google.

    Tuy nhiên, Google không đơn độc trong quá trình tái định hướng nhanh chóng này. Amazon cũng đang xây dựng một nhóm điện toán đám mây tương tự như vậy cho AI. Facebook và Twitter cũng tạo ra các nhóm nội bộ giống như Google Brain, nhóm chịu trách nhiệm cho việc đưa AI vào các công nghệ riêng của người khổng lồ tìm kiếm này.

    Và trong vài tuần gần đây, Microsoft cũng đã tổ chức lại nhiều hoạt động của mình xoay quanh các nghiên cứu về máy học hiện tại của họ, tạo ra một AI mới và nhóm nghiên cứu dưới quyền điều hành của phó chủ tịch Harry Shum, người bắt đầu sự nghiệp là một nhà nghiên cứu về thị giác máy tính.

    Oren Etzioni, CEO của viện nghiên cứu phi lợi nhuận Viện Allen về AI, cho biết rằng, những thay đổi này là một phần trong chiến lược tiếp thị nhằm thu hút sự quan tâm vào AI. Ví dụ như Google, đang tập trung vào sự chú ý của công chúng vào nhóm mới của Fei Fei, bởi vì đó là điều tốt cho mảng kinh doanh điện toán đám mây của công ty.

    Nhưng Etzioni cho biết rằng, đây cũng là một phần trong bước chuyển đổi thực sự bên trong các công ty này, khi AI đang đóng vai trò ngày một lớn trong tương lai của chúng ta. “Điều này không chỉ để tô điểm cho bộ mặt các công ty,” anh cho biết.

    Đám mây kiểu mới

    Nhóm của Fei Fei là nỗ lực mới nhất nhằm củng cố vị trí của Google trong cuộc chiến quanh AI. Công ty đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ các đối thủ như Amazon, Microsoft và IBM trong việc xây dựng các dịch vụ điện toán đám mây, được thiết kế đặc biệt cho nghiên cứu AI. Những đám mây này không chỉ có các dịch vụ nhận dạng hình ảnh, mà còn giọng nói, dịch vụ máy dịch văn bản, hiểu ngôn ngữ tự nhiên và nhiều hơn nữa.

    Điện toán đám mây có thể không mấy khi thu hút được sự chú ý như các ứng dụng tiêu dùng và điện thoại, nhưng nó có thể thống trị bảng cân đối kế toán trong các công ty khổng lồ. Ngay cả Amazon và Google, các công ty nổi tiếng bởi các dịch vụ hướng đến người tiêu dùng, cũng tin rằng điện toán đám mây có thể trở thành nguồn doanh thu chính của họ.

    Trong những năm tới đây, các dịch vụ AI sẽ đóng vai trò quan trọng trong xu hướng này, khi nó cung cấp các công cụ cho phép các doanh nghiệp trên thế giới tạo ra các dịch vụ máy học cho riêng mình. Iddo Gino, CEO của RapidAPI, một công ty giúp các doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ này, cho biết họ đã sẵn sàng tiếp cận hàng ngàn nhà phát triển, với sự hỗ trợ của các dịch vụ nhận dạng hình ảnh.

    Đồng thời với thông báo bổ nhiệm Fei Fei vào tuần trước, Google cũng tiết lộ một phiên bản dịch vụ đám mây mới, mang đến các khả năng nhận dạng hình ảnh và giọng nói cũng như máy dịch văn bản. Công ty cho biết, họ sẽ sớm mang đến một dịch vụ cho phép các công ty khác truy cập vào những dàn bộ xử lý GPU khổng lồ, đang được dùng để duy trì những mạng lưới thần kinh sâu của họ.

     Giáo sư tại Carnegie Mellon, Alexander Smola, người điều hành nhóm điện toán đám mây cho AI của Amazon.

    Giáo sư tại Carnegie Mellon, Alexander Smola, người điều hành nhóm điện toán đám mây cho AI của Amazon.

    Trước đó vài tuần, Amazon đã thuê một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Đại học Carnegie Mellon để điều hành nhóm điện toán đám mây cho AI của mình. Không lâu sau đó, Microsoft đã chính thức ra mắt các dịch vụ mới hỗ trợ việc xây dựng các chatbot và thông báo một thỏa thuận nhằm cung cấp các dịch vụ GPU cho OpenAI, phòng thí nghiệm về AI được thành lập bởi Elon Musk và Sam Altman, chủ tịch của Y Combinator.

    Một Microsoft mới

    Ngay cả khi họ chuyển sang cung cấp dịch vụ AI cho người khác, những công ty Internet khổng lồ này vẫn đang tìm kiếm cách gia tăng sự tiến bộ của AI trong tổ chức của mình.

    Vào cuối tháng Chín vừa qua, Microsoft đã thông báo về việc lập nên một nhóm mới dưới quyền Shum, có tên gọi Nhóm AI và Nghiên cứu của Microsoft (Microsoft AI and Research). Shum sẽ giám sát hơn 5.000 nhà khoa học máy tính và kỹ sư để tập trung nỗ lực đưa AI vào các sản phẩm của công ty, bao gồm cả cỗ máy tìm kiếm Bing Search, trợ lý ảo Cortana và những đột phá trong mảng robot của Microsoft.

     Ông Harry Shum, người sẽ lãnh đạo nỗ lực về AI của Microsoft.

    Ông Harry Shum, người sẽ lãnh đạo nỗ lực về AI của Microsoft.

    Công ty cũng đã tổ chức lại nhóm nghiên cứu của mình, vốn để giúp ứng dụng các công nghệ mới vào sản phẩm nhanh hơn. Ông Shum cho biết, với AI, công ty còn muốn việc ứng dụng nó diễn ra nhanh hơn nữa. Trong những tháng gần đây, Microsoft đã thúc đẩy đưa các chatbot của mình vào các sản phẩm thực tế – cho dù không thành công lắm. Tuy vậy, họ vẫn kỳ vọng có thể đẩy nhanh quá trình đưa các nghiên cứu vào sản phẩm trong những năm tới.

    Với AI, chúng tôi không thực sự biết kỳ vọng của khách hàng là gì,” Shum cho biết. Bằng cách đưa việc nghiên cứu lại gần hơn với nhóm làm sản phẩm thực tế, công ty tin rằng họ có thể phát triển sự hiểu biết tốt hơn về cách AI có thể làm những điều khách hàng thực sự muốn như thế nào.

    Những bộ não mới

    Tương tự như vậy, Google, Facebook và Twitter cũng đã thành lập các nhóm AI tập trung để truyền bá trí tuệ nhân tạo ra toàn bộ công ty của họ. Nhóm Google Brain đã bắt đầu như một dự án bên trong phòng thí nghiệm Google X dưới sự lãnh đạo của một cựu giáo sư khác từ Đại học Stanford, Andrew Ng, giờ là nhà khoa học trưởng của tại Baidu.

    Nhóm này cung cấp các dịch vụ nổi tiếng như nhận dạng hình ảnh cho Google Photos và nhận dạng giọng nói cho Android. Ngoài ra, họ cũng làm việc với bất kỳ nhóm tiềm năng nào trong Google, ví dụ các nhóm bảo mật của Google, những người đang tìm cách xác định các lỗi bảo mật và malware thông qua máy học.

     Joaquin Quinonero Candela, người lãnh đạo nhóm Applied ML của Facebook.

    Joaquin Quinonero Candela, người lãnh đạo nhóm Applied ML của Facebook.

    Trong khi đó, Facebook cũng điều hành một phòng thí nghiệm AI của riêng mình, còn được biết với cái tên nhóm Applied Machine Learning (nhóm Ứng dụng Máy học). Nhiệm vụ của họ là thúc đẩy AI cho toàn bộ gia đình sản phẩm của Facebook, và theo giám đốc công nghệ Mike Schroepfer, nó đã bắt đầu tỏ ra hiệu quả: hiện giờ một trong năm kỹ sư Facebook đang sử dụng công nghệ máy học.

    Schroepfer gọi các công cụ được xây dựng bởi nhóm Applied ML là “một bánh đà khổng lồ đã thay đổi mọi thứ” bên trong công ty. “Khi họ xây dựng một mô hình mới hay một kỹ thuật mới, nó ngay lập tức được hàng ngàn người sử dụng trên những sản phẩm để phục vụ cho hàng tỷ người.” Twitter cũng gây dựng một nhóm tương tự, có tên gọi Cortex, sau khi mua lại hàng loạt các startup về AI.

    Biện pháp đào tạo mới

    Khó khăn với tất cả công ty này là tìm ra những tài năng cần thiết để thúc đẩy các nghiên cứu AI này. Với việc mạng lưới thần kinh sâu chỉ trở nên phổ biến trong những năm gần đây, nhóm của Fei Fei chỉ là một số ít ỏi giữa các nhóm khác làm việc trong lĩnh vực này.

    Các coder bình thường sẽ không thể làm được điều này, vì mạng lưới thần kinh sâu là phương pháp rất khác để xây dựng các dịch vụ điện toán. Thay vì lập trình phần mềm để thiết lập hành vi của nó, giờ các kỹ sư giống như một huấn luyện viên, khi đào tạo nó bằng một lượng dữ liệu khổng lồ để thu được kết quả mình muốn.

    Vì vậy, các công ty lớn cũng đang phải làm việc để đào tạo lại nhân viên của mình để làm những điều này theo một cách hoàn toàn mới. Như đã công bố vào năm ngoái, hiện giờ Google đang vận hành các lớp học về nghệ thuật của công nghệ học sâu trong nội bộ công ty. Facebook cũng đang cung cấp hướng dẫn về máy học cho toàn bộ kỹ sư trong công ty, cùng với một chương trình chính thức cho phép các nhân viên trở thành những nhà nghiên cứu về AI toàn thời gian.

    Hiện tại, trí tuệ nhân tạo đúng là đang nhận được sự quan tâm của toàn bộ ngành công nghệ, điều đó làm mọi người có cảm tưởng nó chỉ như một “mốt nhất thời” sắp kết thúc. Tuy nhiên, bên trong các công ty như Google, Microsoft hay Amazon, điều đó chắc chắn không đúng. Các công ty này đều đang có ý định đẩy nó tiến sâu hơn vào phần còn lại của thế giới công nghệ hiện tại.

    Theo Wired

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ