Google tự tạo chip xử lý tăng sức mạnh cho AI, đi trước Facebook và Microsoft một bước
Đây sẽ là một sự chuẩn bị kỹ càng của Google cho cuộc chay đua với Facebook và Microsoft trong công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trong sự kiện Google I/O vừa diễn ra đêm qua, gã khổng lồ tìm kiếm cho biết họ đã tự thiết kế một con chip xử lý máy tính của riêng mình để điều khiển các hệ thống thần kinh nhân tạo. Đây là một công nghệ AI mà hứa hẹn sẽ tái phát minh lại cách thức mà internet hoạt động.
CEO Sundar Pichai cho biết họ đã thiết kế và tạo ra một con chip thuộc loại ASIC (chỉ sử dụng cho một ứng dụng cụ thể). Đây là mạng lưới các phần cứng và phần mềm có khả năng tự học được cách thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, nhờ vào việc phân tích một lượng lớn dữ liệu.
Google đã sử dụng mạng lưới thần kinh nhân tạo này để có thể xác định đối tượng và khuôn mặt của mọi người trong một bức ảnh, nhận diện giọng nói trên Android hoặc dịch văn bản tự động. Công nghệ này thậm chí có thể biến đổi cách hoạt động của công cụ tìm kiếm Google.
Một bộ não lớn
Google gọi con chip mới của mình là bộ vi xử lý Tensor, hay TPU. Bởi vì con chip này sẽ hỗ trợ cho hệ thống mã nguồn mở TensorFlow của công nghệ trí tuệ nhân tạo mà Google đang nghiên cứu.
Năm ngoái, Google đã công bố bộ mã nguồn mở TensorFlow và cho phép bất kỳ ai cũng có thể sử dụng để tạo ra những công cụ trí tuệ nhân tạo của riêng mình. Có lẽ Google sẽ không tiết lộ thiết kế của con chip TPU, nhưng mọi người vẫn có thể sử dụng phần cứng này của Google thông qua các dịch vụ đám mây khác nhau mà gã khổng lồ tìm kiếm cung cấp.
Google không phải là công ty công nghệ đầu tiên nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo tương tự. Tuy nhiên những tên tuổi lớn khác như Facebook hay Microsoft vẫn sử dụng các bộ vi xử lý của các nhà sản xuất khác như Nvidia.
Trong khi Microsoft cũng đã bắt đầu việc nghiên cứu những con chip xử lý riêng của mình để thực hiện một số tác vụ cụ thể. Google cho biết họ đã bắt đầu sử dụng con chip TPU của mình trong một trung tâm dữ liệu.
Với con chip xử lý mới này, Google cho biết: “Nó cung cấp một hiệu suất xử lý tốt hơn cho các tác vụ machine learning của hệ thống máy tính. Con chip TPU được thiết kế riêng cho khả năng tự học của hệ thống máy tính. Nó cho phép xử lý nhiều phép tính hơn trong mỗi giây, nhờ đó chúng ta sẽ có được những kết quả nhanh hơn”.
Với việc tự sản xuất được con chip xử lý máy tính cho riêng mình, Google sẽ không còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất như Nvidia nữa. Xa hơn nữa, Google hoàn toàn có thể tự tạo ra những con chip xử lý máy chủ và quản lý trung tâm dữ liệu của riêng mình.
Một khi đã có thể tự chủ cả phần cứng lẫn phần mềm, Google sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với các đối thủ khác như Facebook hay Microsoft. Trước đó, trí tuệ nhân tạo của Google cũng đã đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhớ. Như việc AlphaGo chiến thắng trước con người trong bộ môn cờ vây.
Hy vọng rằng với những bước chuẩn bị khá kỹ càng này, công nghệ trí tuệ nhân tạo của Google sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Tham khảo: wired
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android