Google và Apple đang đi chung hướng, nhưng khác con đường

    Kuroe,  

    Cả hai đều là cái tên cực lớn trong giới công nghệ nói chung, vậy nên cũng không có gì ngạc nhiên khi tầm nhìn tương lai của hai ông lớn này lại giống nhau đến vậy.

    Sự kiện WWDC diễn ra hồi đầu tuần trước đánh dấu sự kết thúc cho mùa event dành cho các nhà phát triển ứng dụng, mang tới cho người dùng cuối hàng loạt những bản cập nhật đắt giá với những tính năng mới hấp dẫn, cũng như bày tỏ rõ hướng đi tương lai cho những thiết bị mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày.

    Tuy nhiên, năm nay có một điểm rất đặc biệt: đó là những công bố của Google và Apple không thực sự quá khác nhau - cho thấy hai ông lớn này đang đi cùng một hướng cho các sản phẩm của mình trong năm nay.

    "Apple có 4 nền tảng phần mềm lớn, và sẽ cập nhật cho cả 4 nền tảng này."

    Điểm giống nhau dễ thấy nhất khi theo dõi WWDC năm nay, có lẽ là việc cả Google lẫn Apple đều có rất nhiều thứ để công bố. Nếu như đặc điểm này là chuyện thường thấy ở Google I/O, thì có lẽ đây là điều khiến cho WWDC của Apple năm nay có gì đấy "khác khác". Thường thì mọi năm, những gì Apple công bố chỉ tập trung chính vào một vài nền tảng, tuy nhiên năm nay những gì mà Táo khuyết cho chúng ta thấy tại WWDC lại dàn trải hơn rất nhiều.

    Apple và Google đang đi chung hướng

    Bên cạnh đó, một điểm giống nhau nữa giữa Apple và Google nằm ở một số tính năng mới được công bố. Cả hai ông lớn này đều tung ra công cụ cho phép người dùng theo dõi xem mình dùng điện thoại bao lâu (câu trả lời ấy hả: quá nhiều). Hay Apple năm nay đã chịu "học theo" Google khi nhóm thông báo lại cũng như cho phép tắt thông báo ứng dụng một cách nhanh chóng mà không cần phải mò mẫm trong phần cài đặt.

    Cả Apple và Google cũng đều tung ra phiên bản mới của nền tảng phát triển thực tế tăng cường, cho phép nhiều thiết bị có thể cùng "nhìn thấy" một vật thể số trong không gian. Giải pháp của Google là phát triển đa nền tảng và dựa vào các thiết bị đám mây làm trụ cột, trong khi Apple thì muốn tạo ra một công cụ có thể hoạt động trong cả những mạng lưới nội bộ, với các thiết bị tự "giao tiếp" với nhau mà không cần đến sự hỗ trợ của đám mây.

    Google và Apple đang đi chung hướng, nhưng khác con đường - Ảnh 2.

    "Rõ ràng là cả Google và Apple đang có cùng một hướng đi."

    Phiên bản mới của Apple Photo trên iOS vay mượn cả đống thứ từ Google Photo, như mục "For You" tự động chỉnh hiệu ứng cho những bức ảnh của người dùng, hay công cụ tìm kiếm tối ưu dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Cùng với đó là tính năng gợi ý chia sẻ, cho phép ứng dụng nhận diện người trong ảnh và đưa ra gợi ý chia sẻ album ảnh tới người đó.

    Tất nhiên, Apple cũng có những lựa chọn riêng của mình, khi giữ ảnh mã hóa giữa hai người dùng với nhau, và khẳng định chắc chắn rằng AI sẽ hoạt động trên thiết bị người dùng chứ không dựa vào nền tảng đám mây.

    Thế nhưng, điều mang hai ông lớn này tới gần nhau hơn, đó chính là việc cả hai đều muốn đưa đến cho người dùng một tương lai kết hợp giữa AI, các thiết bị di động, cũng như máy tính để bàn. Nói cách khác, rõ ràng cả Apple và Google đều đang có cùng một hướng đi.

    Google và Apple đang đi chung hướng, nhưng khác con đường - Ảnh 3.

    Ví dụ đầu tiên là Shortcuts trên iOS và Actions / Slices trên Android P. Cả hai tính năng này đều là phương án để trợ lý ảo có thể giao tiếp một cách tốt hơn với ứng dụng. Ý tưởng của tính năng mới này là cho phép người dùng mang những thao tác họ thường làm với ứng dụng và biến chúng thành lệnh trên thanh tìm kiếm cũng như trên trợ lý thông minh.

    Với Siri Shortcuts, Apple đã tận dụng tốt ứng dụng Workflow để tạo thêm chức năng cho Siri, mà không cần phải thu thập dữ liệu giống như cách mà Google Assistant đã làm. Đây có lẽ là một lựa chọn hết sức thông minh của Apple, nhất là trong bối cảnh "thu thập dữ liệu" đang trở thành một từ khóa nhạy cảm.

    Cùng một mục tiêu, nhưng cách mà Google và Apple thực hiện lại thể hiện sự khác biệt trong triết lý hoạt động của riêng mình. Với Actions / Slices trên Android P, các nhà phát triển đơn thuần có thể tạo ra một loạt các lệnh và tính năng mới cho Google Assistant, và công việc của người dùng chỉ là yêu cầu trợ lý ảo thực hiện co mình. Thay vì tự tinh chỉnh và cái đặt, Google muốn bạn tin vào khả năng mà gã khổng lồ tìm kiếm này có thể dự đoán được nhu cầu của người dùng.

    Google và Apple đang đi chung hướng, nhưng khác con đường - Ảnh 4.

    Còn đối với Shortcuts, người dùng sẽ phải tự mình thực hiện các thao tác điều chỉnh và cài đặt. Bạn sẽ phải tìm kiếm nút "Add to Siri", sau đó tự đặt từ khóa, thậm chí nếu bạn có khả năng thì việc liên kết vài từ khóa với nhau để thực hiện một chuỗi hoạt động cũng không phải là vấn đề gì khó khăn. Siri cũng có thể sử dụng Machine Learning để tạo ra các Shortcut gợi ý như Google Assistant có thể làm, tuy nhiên Apple vẫn muốn người dùng tự nắm quyền chủ động trong tay mình hơn.

    Cả Google và Apple cũng hướng đến việc đưa các ứng dụng trên di động lên máy tính, tuy nhiên như đã nói ở trên, tuy cùng một hướng nhưng đường đi của hai gã khổng lồ lại khác hẳn nhau.

    Google đã đưa những ứng dụng Android lên Chrome OS được một thời gian khá lâu rồi. Những ứng dụng này không cần phải được viết lại đẻ phù hợp với nền tảng máy tính, mà chạy trực tiếp trên Chromebook như trên điện thoại Android vậy. Vậy nên, vấn đề là những ứng dụng này nhìn có phần "lạc quẻ" so với hệ điều hành Chrome OS. Google cho phép ứng dụng hiện thông báo, nhưng người dùng vẫn chưa thể nào thay đổi kích cỡ cửa sổ ứng dụng Android. Về cơ bản, lối đi mà Google chọn lựa là đưa bản dùng thử cho người dùng, nhận ý kiến phản hồi, rồi tiếp tục điều chỉnh.

    Google và Apple đang đi chung hướng, nhưng khác con đường - Ảnh 5.

    Đối lập lại với Google, Apple đang muốn tìm cách để những ứng dụng iOS trên Mac có thể thực sự trở thành ứng dụng Mac - tới mức mà họ không muốn gọi chúng là ứng dụng iOS hay ứng dụng port lên Mac nữa. Dù công bố sớm vậy thôi, nhưng cách làm của Apple đương nhiên vẫn là thử nghiệm thật kỹ những công nghệ nghệ, những thay đổi mới, rồi mới tung chúng ra thị trường.

    Dẫu sao thì mục tiêu của cả hai cũng chỉ có một, đó là hỗ trợ những người sử dụng laptop những tiện ích đến từ các thiết bị di động, bởi suy cho cùng, Laptop cũng chính là một loại thiết bị di động của người dùng. Đây cũng là điều mà Microsoft rất muốn làm với Windows, tuy nhiên họ lại gặp khó bởi không sở hữu tài nguyên ứng dụng khổng lồ như Apple hay Google.

    Thế nhưng, mặc dù có những điểm giống nhau như thế, hay có cùng đi chung hướng chung đường đi nữa, thì vẫn luôn có một điểm khác biệt cực lớn giữa Google và Apple - đó là Apple chắc chắn sẽ làm tốt hơn Google trong việc đưa những cải tiến mới đến với người dùng của mình. Khi iOS 12 cập bến, với việc hệ điều hành này gần như bao trọn tất cả các thiết bị của Apple từ cũ đến mới, chắc chắn sẽ có hàng trăm triệu thiết bị có khả năng tiếp cận những điều mới mà Táo khuyết tạo ra. Trong khi đối với Android P, sẽ chỉ có một lượng nhỏ thiết bị Android trên thị trường nhận được bản cập nhật hệ điều hành mới này mà thôi. Và ưu thế về độ phủ như vậy, sẽ vẫn còn là ưu thế cực mạnh của Apple trong một thời gian lâu hơn nữa.

    Tham khảo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày