Grab đóng góp bao nhiêu phần trăm vào ngành nền tảng và GDP của Việt Nam?

    Hà Vân,  

    Hội thảo “Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây đã công bố các kết quả nghiên cứu về tác động của kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế.

    Grab đóng góp bao nhiêu phần trăm vào ngành nền tảng và GDP của Việt Nam?- Ảnh 1.

    Chuyển đổi số và ứng dụng số đang trở thành xu hướng trong phát triển kinh tế. Trong đó, kinh doanh nền tảng (Platform) là một mô hình kinh doanh mới, phát triển dựa trên công nghệ số, dữ liệu và hỗ trợ nền tảng, qua đó nâng cao hiệu quả và giảm chi phí.

    Hơn một thập kỷ qua, mô hình kinh doanh nền tảng phát triển mạnh mẽ và thâm nhập sâu rộng vào Việt Nam trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, nhất là từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tại Việt Nam đã chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của rất nhiều ứng dụng nền tảng số, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải, bán lẻ, y tế, giáo dục, ngân hàng, tài chính,...

    Báo cáo nghiên cứu của CIEM cho thấy, kinh tế số ở Việt Nam liên tục tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,66%, 12,88% 12,63% và 12,33%. Sang tới nửa đầu năm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số đạt 18,3%, vượt cao hơn tỷ lệ trung bình giai đoạn 2020-2023. Đây sẽ là động lực để Việt Nam thực hiện mục tiêu về tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong thời gian tới.

    Trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh nền tảng. Ngành này đóng góp khoảng 10% trong GDP. Riêng kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực vận tải chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế (năm 2022). Đặc biệt, đối với hai vùng trọng điểm phát triển của Việt Nam là vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, dịch vụ kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đóng góp tương ứng lần lượt là 2,7% 2,3% GRDP của hai vùng này.

    Phân tích bảng cân đối liên ngành I-O đã cho thấy đóng góp có ý nghĩa của ngành kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế.

    Trước hết, kinh doanh nền tảng phát triển sẽ kéo theo tăng trưởng của các ngành cung ứng (với Hệ số lan tỏa đo lường liên kết ngược là 1,009 , cao hơn mức trung bình của nền kinh tế); đồng thời cũng là ngành có mức độ quan trọng khi là nguồn cung sản phẩm dịch vụ cho nền kinh tế (Mức độ cần thiết - hệ số độ nhạy đo lường liên kết xuôi của ngành Nền tảng là 1,628 , cao hơn nhiều so với mức bình quân chung).

    Sản phẩm cuối cùng ngành Nền tảng lan tỏa đến giá trị tăng thêm và thu nhập của nền kinh tế lần lượt ở mức 1,230 1,294 . Cả hai hệ số lan tỏa này đều cao hơn mức trung bình của nền kinh tế (là 1).

    1 tỷ USD tăng thêm về sản phẩm cuối cùng của ngành Nền tảng sẽ tác động tới nền kinh tế theo cấp số nhân. Cụ thể là: (i) Làm tăng sản lượng của toàn nền kinh tế lên 2,754 tỷ USD; (ii) kích thích giá trị tăng thêm của nền kinh tế là 1,1918 tỷ USD; (iii) tạo ra 93.734 cơ hội việc làm; (iv) tăng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế thêm 0,7326 tỷ USD.

    Grab đóng góp bao nhiêu phần trăm vào ngành nền tảng và GDP của Việt Nam?- Ảnh 2.

    Người Việt ngày càng quen thuộc với việc sử dụng smartphone và tham gia vào kinh tế nền tảng. Ảnh: Kevin Lee

    Riêng về cơ hội việc làm, trong khu vực doanh nghiệp, trung bình giai đoạn trước COVID (2016-2019), ngành Nền tảng ghi nhận tăng trưởng việc làm là 6,5%, cao hơn đáng kể (hơn 1,53 lần) tăng trưởng việc làm chung của nền kinh tế (4,3%). Trong giai đoạn COVID-19 (2020-2021), tăng trưởng việc làm ngành Nền tảng giảm ở mức -0,8%, ít hơn mức giảm tăng trưởng việc làm trung bình của nền kinh tế (-1,6%). Từ năm 2022, cơ hội việc làm trong nền kinh tế phục hồi; việc làm trong ngành Nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức (9,4%), cao hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng việc làm trung bình của nền kinh tế (ở mức 3,7%). Kết quả này cho thấy khi ngành Nền tảng phát triển sẽ tạo cơ hội việc làm đáng kể cho người lao động.

    Như vậy, ngành kinh doanh nền tảng không chỉ kích thích giá trị tăng thêm, thu nhập và cơ hội việc làm cho người lao động của chính ngành đó mà còn kích thích giá trị tăng thêm, thu nhập và cơ hội việc làm cho lao động của các ngành khác trong nền kinh tế.

    Đáng chú ý, báo cáo cũng phân tích trường hợp điển hình về phát triển kinh doanh nền tảng, ví dụ như Grab trong lĩnh vực vận tải. Đây là một mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ, là nền tảng phổ biến được ưa chuộng ở Việt Nam. Sự tham gia của Grab đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành vận tải cũng như các lĩnh vực kinh doanh khác dựa trên nền tảng, từ đó đóng góp có ý nghĩa cho phát triển kinh tế Việt Nam.

    Báo cáo của CIEM cũng cho thấy, năm 2022, Grab đóng góp 7,8% về giá trị tăng thêm đối với ngành Nền tảng lĩnh vực vận tải; 1,31% giá trị tăng thêm của ngành Nền tảng và 0,13% trong GDP của nền kinh tế.

    Grab đã đóng góp khoảng 0,23% GRDP của vùng Đồng bằng sông Hồng (trong đó có Hà Nội); 0,17% GRDP của vùng Đông Nam Bộ (trong đó có thành phố Hồ Chí Minh). Kết quả này cho thấy Grab đã đóng góp có ý nghĩa cho các cực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

    Ông Alejandro Osorio - Giám đốc điều hành Grab Việt Nam chia sẻ, trong 10 năm qua, Grab đã không ngừng mở rộng và phát triển tại Việt Nam, khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào chuyển đổi số và tạo ra nhiều tác động tích cực đối với người và nền kinh tế.  Từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, bắt đầu từ việc hỗ trợ các tài xế taxi và xe ôm lên nền tảng số, Grab đã góp phần nâng cao hiệu suất di chuyển, hỗ trợ ngành du lịch, gia tăng tính an toàn và thúc đẩy phát triển đô thị. Không dừng lại ở lĩnh vực vận tải, Grab mở rộng sang lĩnh vực vận tải (logistics) với dịch vụ GrabExpress, giúp tối ưu hóa giao nhận và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

    Trong đại dịch và cả giai đoạn hậu COVID-19, GrabFood và GrabMart đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hàng, cửa hàng tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đồng thời tạo thêm cơ hội thu nhập cho các đối tác tài xế. Hệ sinh thái của Grab vận hành theo một vòng tuần hoàn bền vững: càng nhiều dịch vụ, người dùng càng có nhiều lý do để lựa chọn Grab, từ đó mang đến thêm nhiều cơ hội thu nhập cho đối tác tài xế, đồng thời đảm bảo sự an toàn và tiện lợi cho cả đối tác và khách hàng.

    Ngày nay, Grab đã trở thành nền tảng được hàng triệu người Việt Nam tin dùng, không chỉ trong lĩnh vực di chuyển mà còn ở nhiều dịch vụ khác, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh.

    "Sự phát triển của các nền tảng số như Grab không chỉ giúp gia tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả kinh doanh mà còn tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nền kinh tế và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững" - Giám đốc này khẳng định.

    Từ các kết quả của báo cáo, có thể thấy kinh tế số, kinh tế nền tảng đã tạo ra nhiều kết quả tích cực; liên tục đạt mức tăng trưởng cao trong những năm qua; trực tiếp đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

    CIEM khuyến nghị, tư duy quản lý và hệ thống pháp luật cũng dần được đổi mới để thích ứng với xu hướng chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế nền tảng.

    Với những cơ sở vững chắc đã tạo ra trong hơn 10 năm qua, và với ưu thế về công nghệ, kinh tế số nói chung và kinh tế nền tảng nói riêng sẽ tiếp tục là ngành chủ chốt đóng góp vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025, và 2 con số trong những năm tiếp theo. Theo đó, để tạo động lực phát triển mạnh mẽ các dịch vụ kinh doanh nền tảng và kinh tế số, hệ thống chính sách và pháp luật về kinh tế số, trong đó có thương mại điện tử cần hướng tới hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới,... Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) là một khuyến nghị luôn được đề xuất khi bàn đến khung khổ chính sách cho công nghệ và đột phá.

    Tags:
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ