Grab được định giá 10 tỷ USD, Go-Jek 6 tỷ USD, CEO FastGo vẫn tự tin: Họ đầu tư nhiều mảng, nhiều thị trường, việc thực thi từng dự án sẽ chậm hơn và không biết ai nhiều vốn hơn ai
Grab được định giá 10 tỷ USD, Go-Jek 6 tỷ USD, CEO FastGo vẫn tự tin: Họ đầu tư nhiều mảng, nhiều thị trường, việc thực thi từng dự án sẽ chậm hơn và không biết ai nhiều vốn hơn ai
Chúng tôi gặp CEO Nguyễn Hữu Tuất vài ngày sau khi FastGo nhận được đầu tư từ quỹ VinaCapital. Theo chia sẻ của anh Tuất, VinaCapital và FastGo chưa tiết lộ khoản đầu tư nhưng số tiền cho vòng này dao động từ 3 đến 10 triệu USD, sẽ giải ngân theo lộ trình. VinaCapital sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư tài chính, có tham gia hội đồng quản trị, hỗ trợ về nhiều mặt, nhưng không tham gia điều hành công ty.
FastGo ra đời ngoài cơ hội đối với doanh nghiệp, còn là sự dồn nén, tự tôn của người Việt.
FastGo chỉ mới ra đời vào tháng 6 vừa rồi, mà theo chia sẻ của CEO Nguyễn Hữu Tuất là “xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc. Khi Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á, tôi đi xe và cảm thấy nhiều bất cập, phàn nàn. Cảm giác không thể làm được gì, từ phát triển tài chính đến thị trường trong mảng xe công nghệ. Câu chuyện xe công nghệ không chỉ là cuộc chơi mà còn là giải quyết vấn đề về giao thông, cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở…. Tôi quyết định làm và rất quyết liệt. Ngoài chuyện cơ hội đối với doanh nghiệp, mà còn là sự dồn nén, sự tự tôn của người Việt… Đó là lý do FastGo ra đời hồi tháng 6 ở Hà Nội và triển khai tại TP HCM đầu tháng 8 vừa rồi”.
Thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam trước đây vốn được xem là sân chơi độc tôn của Uber và Grab, sau khi Uber Đông Nam Á về tay Grab thế độc tôn này càng rõ nét hơn. Mới đây, Go-Jek cũng chính thức vào cuộc với cái tên Go-Việt với tham vọng đấu lại Grab. Chỉ mới tuần trước, Go-Việt tuyên bố đã chiếm được khoảng 15% thị phần tại TP HCM và dự định sẽ ra Hà Nội vào tháng 9 này.
Vậy FastGo định làm gì để có thể giành được thị phần từ những “người hàng xóm” đã thiết lập trước tại thị trường Việt Nam?
Nguyễn Hữu Tuất, CEO FastGo.
* Chào anh Tuất, FastGo nhận được đầu tư trong bối cảnh thị trường đi chung xe công nghệ đang “nóng” thêm lên bởi sự xuất hiện của Go Việt. Thời gian vừa qua, Go-Việt được đánh giá là thành công nhất định khi tung ra khuyến mại 5.000 đồng. Anh đánh giá thế nào về câu chuyện này?
- Tôi cho rằng các chương trình khuyến mại là bình thường. Một phần họ cũng có thương hiệu tốt nên được đẩy lên. Chúng tôi có chiến lược riêng.
* Nhiều chuyên gia cho rằng, trong cuộc chiến giành thị phần này, ai trường vốn sẽ chiến thắng?
- Tôi cho rằng startup lúc đầu chưa có vốn. Sau đó làm tốt thì sẽ có vốn. Việc huy động vốn không khó mà vấn đề là phải phát triển thật tốt. Khi phát triển tốt rồi, các nhà đầu tư sẽ xin vào đầu tư.
* Trong thời gian qua, nhiều app xe chung công nghệ như Aber, Vato, Mai Linh… cũng tuyên bố sẽ hoạt động mạnh tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, dường như độ phủ thị trường của họ chưa được tốt lắm. Theo anh, vì sao lại như vậy?
- Theo tôi, đây là thị trường khó. Họ làm chưa tập trung hoặc chưa làm tới. FastGo thì làm nhiều công tác thị trường và người dùng. Theo tôi, nhiều người làm được về sản phẩm nhưng chưa chắc làm được thị trường. Yếu tố thị trường rất quan trọng.
* Còn đánh giá chung về thị trường thì sao?
- Thị trường này lớn và theo tôi, nhiều người vào và sẵn sàng đổ tiền, thì chứng tỏ rất tiềm năng. Tuy nhiên, thị trường nào cũng chỉ tồn tại khoảng 2-3 thương hiệu để người dùng lựa chọn. Người dùng không thể cài 5-7 cái app trên máy được vì rất nặng cho máy. Thường người ta chỉ dùng 2-3 app để có nhiều sự lựa chọn mà thôi.
* Trước đây vài năm, thị trường điện máy vẫn phân mảnh. Nhưng sau một thời gian thì đã được định hình lại, phân chia “ngôi thứ”. Theo anh thì ở mảng đi xe chung công nghệ đến khi nào sẽ có được ngôi vị?
Họ là tập đoàn tỷ đô, đầu tư nhiều mảng, nhiều thị trường. Vậy nên không biết đầu tư vào một mảng, một thị trường thì họ chi bao nhiêu và ai nhiều hơn ai!
- Tôi nghĩ chắc chỉ khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Đơn vị nào tập trung, huy động vốn tốt thì sẽ duy trì được thị trường.
* Ở thời điểm hiện tại, Go - Jek được định giá khoảng 6 tỷ USD, Grab khoảng hơn 10 tỷ USD. Họ có rất nhiều tiền?
- Đó là công ty mẹ. Còn tôi không rõ ở thị trường Việt Nam, họ chi bao nhiêu tiền. Giống như một tập đoàn tỷ đô nhưng để đầu tư vào một dự án thì tôi cũng không biết họ đầu tư bao nhiêu. Họ là tổ chức quá lớn có thể việc thực thi từng dự án sẽ chậm chạp hơn. Và hơn nữa, họ đầu tư rất nhiều mảng, cho nên không biết đầu tư vào một mảng thì sẽ là bao nhiêu, và ai đầu tư nhiều hơn ai.
Cụ thể, FastGo sẽ làm gì?
* Vậy sau khi nhận được khoảng đầu tư của VinaCapital, FastGo sẽ làm gì?
- FastGo chính thức ra mắt vào tháng 6/2018 tại Hà Nội, thời gian ngắn sau đó Công ty đã có mặt tại Tp.HCM và đầu tháng 9 này triển khai tại thành phố Đà Nẵng. Công ty dự kiến sẽ ra mắt tại 6-8 thành phố khác cho đến cuối năm.
Tính đến nay, mạng lưới của Fastgo gồm 15.000 đối tác xe ô tô và xe máy tại Tp.HCM cũng như Hà Nội, đơn vị đã kết nối thành công hơn 15.000 chuyến đi trong tháng 8/2018. So với hơn 1.000 xe đăng ký hôm ra mắt hồi tháng 6, hiện FastGo đã có hơn 4.000 xe cá nhân và 1.000 taxi của 25 hãng tại Hà Nội tham gia ứng dụng.
Trong năm nay, chúng tôi sẽ ra mắt tại thị trường Myanmar. Thị trường đó khá tiềm năng với 50 triệu dân. Myanmar cấm xe 2 bánh vào thành phố và chỉ có dịch vụ 4 bánh tại các thành phố lớn. Chúng tôi sẽ "đánh" vào thị trường xe 4 bánh ở Myanmar.
* Myanmar đã có “tay chơi” nào cùng ngành chưa?
- Đã có Grab. Còn doanh nghiệp địa phương thì chưa có. Grab cũng đã triển khai dịch vụ 4 bánh tại Myanmar.
* Vậy là cả thị trường Myanmar và Việt Nam, FastGo đều là “kẻ đến sau”. Vậy, FastGo lấy gì mà đấu lại Grab?
- Chúng tôi có những lợi thế riêng.
Thứ nhất, chúng tôi không phải mất thời gian thay đổi thói quen của người tiêu dùng nữa. Thị trường sẵn rồi. Vấn đề là phải làm tốt thôi. Chúng tôi có chính sách tốt và không thu chiết khấu.
Thứ hai, chúng tôi có công nghệ lâu năm từ tập đoàn NextTech, kế thừa công nghệ thanh toán và cũng có sẵn tập khách hàng từ NextTech.
Thứ ba, chúng tôi có giá thấp hơn so với đối thủ và không tăng giá giờ cao điểm. Khách hàng đi FastGo cũng có bảo hiểm, tối đa 200 triệu đồng/người dành cho khách hàng đi xe 4 bánh nếu gặp tai nạn. Quy trình nhận bảo hiểm cũng rất đơn giản.
* Các đối thủ tại Việt Nam đều có xu hướng phát triển thành hệ sinh thái, FastGo thì sao?
- Chúng tôi sẽ xây dựng hệ sinh thái nhưng chọn lọc. Không phải cái gì cũng đưa vào. Chúng tôi sẽ sớm triển khai mảng cho lái xe vay tiền, rồi trừ vào tiền các cuốc xe. Tôi cho rằng, mảng cho vay chính là xu hướng tương lai khi công nghệ tài chính phát triển và việc xét duyệt các yếu tố cho vay dễ dàng hơn.
* Mục tiêu từ nay đến cuối năm của FastGo sẽ là gì, thưa anh?
- Chúng tôi sẽ mở rộng ra từ 6-8 thành phố. Và đâu đó, thị phần của FastGo sẽ chiếm khoảng 30%.
* Xin cảm ơn anh!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời