Hà Nội ngạt thở vì ô nhiễm không khí

    PV,  

    Hà Nội, thủ đô ngàn năm của chúng ta chợt xuất hiện trong phóng sự của hãng thông tấn uy tín nhất bậc nhất Châu Á, nhưng điều đáng buồn, là bài báo này lại nói về ô nhiễm không khí.

    Đây là bài phóng sự của hãng thông tấn uy tín từ Singapore là Channel NewsAsia (CNA) xuất bản ngày 19/4 vừa qua. Trước đó, nhóm phóng viên CNA đã tới Hà Nội trong nhiều ngày để nghiên cứu, khảo sát về tình trạng ô nhiễm không khí.

    Singapore vốn nổi tiếng là quốc gia sạch sẽ nhất thế giới, vậy, trong mắt họ, Hà Nội ô nhiễm đến mức nào?

    (lược dịch)

    "Chẳng mấy khi thấy trời trong xanh"

    "Ở Hà Nội, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang, họ phải bảo vệ mặt mũi, cơ thể khỏi khói bụi", bà Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) chia sẻ.

    "Chẳng mấy khi được thấy trời trong xanh đâu" anh Nguyễn Thanh, người từng làm trong lĩnh vực quy hoạch đô thị cho biết.

    Chất lượng không khí ở tình trạng báo động

    9 giờ sáng ngày 1/3 vừa qua, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam đã ghi nhận chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đang cao ở mức đáng ngại: 388 AQI (Air Quality Index).

    (Trong 4 tháng đầu năm 2016, Hà Nội có mức AQI dao động từ 114 đến 388. Tại thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới Bắc Kinh, con số này là 119 đến 430 và ở Singapore, chỉ số AQI chỉ từ 48 đến 78).

    "Không khí ô nhiễm thế thì người dân nên ở trong nhà luôn, khỏi ra đường", anh Mai Hoàng Nam, nhân viên Ngân hàng chia sẻ. "Thế nhưng ở Hà Nội, người ta vẫn đi lại bình thường. Kể cả khi đi xe máy, thi thoảng có người còn không thèm đeo khẩu trang".

    Năm 2012, công ty nghiên cứu môi trường Pháp ARIA Technologies đã đánh giá Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á, thậm chí cũng nằm "bét bảng" nếu so trong Châu Á nói chung.

    "Dù Hà Nội chưa ô nhiễm nặng như Bắc Kinh, nhưng cũng đang ở tình trạng báo động", ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường phát biểu.

    Giao thông Hà Nội trong giờ cao điểm buổi sáng.
    Giao thông Hà Nội trong giờ cao điểm buổi sáng.

    Thủ phạm lớn nhất gây ra ô nhiễm chính là giao thông

    Theo Trung tâm quan trắc môi trường (Tổng cục môi trường), hàng triệu chiếc ô tô, xe máy lưu thông mỗi ngày "đóng góp" tới 70% khói bụi tại Hà Nội, và vấn đề này mới chỉ xuất hiện trong 20 năm trở lại đây.

    Cho tới giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, xe đạp vẫn còn thống trị giao thông Việt Nam. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển kinh tế mở rộng, xe đạp đã dần nhường lại hoàn toàn vị trí bá chủ cho các loại xe máy.

    Xe đạp gần như bị thay thế hoàn toàn bởi xe máy.
    Xe đạp gần như bị thay thế hoàn toàn bởi xe máy.

    Theo số liệu chính thức, Hà Nội hiện đang có 5,3 triệu xe máy và 560 nghìn chiếc xe hơi, mỗi năm số lượng xe máy lại tăng thêm 11%, với xe hơi, con số lên tới 17%.

    "Vì phương tiện công cộng không phổ biến, nên gần như ai cũng có xe máy, người dân thì không có thói quen đi bộ, có khi chỉ vài chục mét cũng leo lên xe", anh Tùng chia sẻ.

    Tới năm 2020, dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu xe hơi và 7 triệu xe máy tràn lan đường phố Hà Nội.

    Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân

    Ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trung bình mỗi năm có đến 44.000 người Việt chết vì ô nhiễm không khí trên cả nước, trong đó số người ở Hà Nội nhiều hơn hẳn TP. HCM.

    Bên cạnh đó, số người mắc bệnh về hô hấp ở Hà Nội cũng nhiều hơn hẳn các thành phố phía Nam, điều đó dẫn đến chi phí khám chữa bệnh cũng cao gấp đôi. Giáo sư Lê Huy Bá (Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường – ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho rằng, tắc nghẽn giao thông thường xuyên, kéo dài chính là nguyên nhân làm gia tăng mức độ ô nhiễm ở Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung.

    Cảnh sát điều tiết giao thông trong giờ cao điểm.
    Cảnh sát điều tiết giao thông trong giờ cao điểm.

    Tắc đường là nguyên nhân khiến Hà Nội ngày càng ô nhiễm

    Vì lượng phương tiện giao thông cá nhân (xe máy, xe hơi riêng) tại Hà Nội gia tăng quá nhanh, mà đường sá thì vẫn vậy nên tình trạng tắc nghẽn càng ngày càng trầm trọng hơn, theo như mô tả của anh Thanh, có hàng loạt những con phố thậm chí "không dành cho xe hơi" vì xe không thể nào chen vào nổi.

    "Đường sá xây dựng từ lâu quá rồi, đường nào cũng chỉ có 2 làn thôi, bây giờ nhiều xe cộ quá, cần đường rộng hơn, nhưng việc xây cất có đơn giản tí nào đâu" - Anh Thanh cho biết.

    Anh Nguyễn Thanh, từng làm trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, cho rằng Hà Nội ô nhiễm hơn hẳn so với TP. HCM.
    Anh Nguyễn Thanh, từng làm trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, cho rằng Hà Nội ô nhiễm hơn hẳn so với TP. HCM.

    Kể cả khi những con đường mới được xây lên, thì các nhà chức trách cũng báo động luôn rằng chỉ vài năm sau, mọi chuyện sẽ "đâu đóng đấy" do lượng xe cộ gia tăng ngày một nhiều. Ước tính Hà Nội phải chi đến 20 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng mạng lưới giao thông.

    Giao thông giờ cao điểm ở một ngã tư.
    Giao thông giờ cao điểm ở một ngã tư.

    Sở hữu xe hơi để khẳng định địa vị xã hội

    Hiện tại, thuế mua xe hơi ở Việt Nam lên đến 200%. Trớ trêu thay, nhiều người cho biết giá xe càng tăng thì người dân lại càng "mê mệt" đổ xô đi mua xe khi có tiền.

    "Trong những năm 90, có xe máy là có cả một gia tài rồi. Thời đó một căn nhà khoảng 40 triệu, xe máy chỉ thấp hơn chút ít", anh Thanh nói.

    "Giờ đây, để sở hữu một chiếc xe hơi cũng phải mất khoảng 500 - 600 triệu, một số tiền rất lớn, thế mà người dân cứ mua xe suốt, giống với hồi đổ xô đi mua xe máy trước kia".

    Anh Mai Hoàng Nam - người vừa mua xe hơi cách đây ít lâu - nói rằng, nhiều chủ xe hơi "mua xe chỉ để chứng tỏ, khoe mẽ mà thôi. Họ muốn người khác thấy mình thành công và lắm tiền. Đó mới là lý do chính".

    Đi xe máy ra đường là tôi bị tắc mũi, mặt thì bẩn, về đến nhà phải lao đi tắm ngay, chịu không nổi luôn - anh Nam cho biết.
    "Đi xe máy ra đường là tôi bị tắc mũi, mặt thì bẩn, về đến nhà phải lao đi tắm ngay, chịu không nổi luôn" - anh Nam cho biết.

    Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thúy Loan tin rằng vẫn còn lý do khác để người ta mua xe, nhất là khi nhà có trẻ nhỏ, dù thừa nhận mình không thích đi xe hơi, nhưng bà cho rằng một chiếc xe tử tế sẽ bảo vệ con trẻ khỏi bầu không khí đặc quánh trên các con đường thủ đô.

    Phó giáo sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia.
    Phó giáo sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia.

    Giải pháp duy nhất: Phương tiện công cộng

    Theo PGS.TS Phạm Thúy Loan, giải pháp không phải "xây đường đẹp" hay "giành quyền ưu tiên cho xe hơi". Thay vào đó, các nhà lãnh đạo nên tập trung phát triển phương tiện công cộng như xe bus, tàu hỏa, tàu điện, tàu điện ngầm.

    Ở thời điểm hiện tại, xe bus là hình thức giao thông công cộng duy nhất ở Hà Nội, chỉ phục vụ được khoảng 3-10% người tham gia giao thông.

    Ở Hà Nội, gần như ai cũng có xe máy.
    Ở Hà Nội, gần như ai cũng có xe máy.

    Hiện tại, thủ đô Hà Nội đã thực hiện kế hoạch lắp đặt 8 tuyến tàu điện khắp thành phố.

    Hai tuyến đầu tiên đã bắt đầu được xây dựng 2 năm trước đây. Một tuyến do nhà thầu Trung Quốc phụ trách, tuyến còn lại do nhà thầu Hàn Quốc thực hiện.

    Các tiểu thương thường sử dụng xe máy, vi phạm luật giao thông.
    Các tiểu thương thường sử dụng xe máy, vi phạm luật giao thông.

    "Tôi chịu thôi"

    Nhiều chuyên gia môi trường đang cảnh báo về một cuộc khủng hoảng ô nhiễm tại Hà Nội nếu như chất lượng không khí cứ ngày càng đi xuống như bây giờ.

    Khi được hỏi sẽ làm gì với cương vị một người dân để giúp xoay chuyển tình huống, anh Nam nói rằng: "Tôi chịu thôi, biết làm thế nào giờ".

    Tuy nhiên, anh này cũng nói thêm: "Nhà nước nên tập trung cải thiện độ ô nhiễm không khí".

    Anh Nguyễn Huy Phụng, chủ một cửa hàng xe máy cho biết: "Đó là vấn đề của Chính phủ, không phải của tôi".

    Khung cảnh Hà Nội chìm trong khói bụi nhìn từ trên cao.
    Khung cảnh Hà Nội chìm trong khói bụi nhìn từ trên cao.

    Để có thể biết được mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội hay bất cứ thành phố nào trên thế giới, bạn có thể truy cập vào trang web: http://aqicn.org/ .

    AQI (Air Quality Index) là chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. Thông qua chỉ số AQI tại thời điểm đó, mọi người có thể biết không khí bị ô nhiễm đến mức độ nào và nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ ra sao. Khi chỉ số AQI tăng lên, một phần lớn dân số sẽ dễ dàng gặp phải các tác động tiêu cực đến sức khỏe.

    Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) tính toán chỉ số AQI với năm thông số ô nhiễm không khí chủ yếu là: Ozon mặt đất; Ô nhiễm phân tử (còn gọi là hạt lơ lửng); Carbon monoxide (CO); Sulfur dioxide (SO2) và Nitrogen dioxide(NO2), từ đó đưa ra bảng quy chuẩn đối với chất lượng không khí và lời khuyên đối với từng nhóm chỉ số như sau:

    Theo Trí thức trẻ/Kênh 14

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày