Trong quá trình Uber, Grab thực hiện thí điểm làm thay đổi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.
Tại hội nghị tổng kết công tác thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải diễn ra hôm qua (8/11), ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2030, trong đề án đã có quy định riêng về loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải được coi hoạt động như xe taxi và có quy định chặt chẽ để chống ùn tắc giao thông.
Xe dưới 9 chỗ ngồi chạy hợp đồng sẽ được áp dụng quy định như taxi - Ảnh: Tạ Tôn
Xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải tăng quá cao
Về số lượng đơn vị tham gia thí điểm, theo ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội), hiện có 7 đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội được Bộ GTVT phê duyệt gồm: Công ty TNHH Grabtaxi; Công ty TNHH Uber Việt Nam; Công ty CP Hợp tác đầu tư và phát triển; Công ty TNHH Thương mại và du lịch Linh Giang; Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội; Công ty CP Tập đoàn Mai Linh; Công ty CP Phát triển thương mại và du lịch quốc tế Ngôi Sao.
Theo báo cáo của các đơn vị, tính đến hết tháng 9/2017, số lượng xe tham gia thí điểm trên địa bàn TP Hà Nội lên đến 14.495 xe. Trong đó, Công ty TNHH Uber Việt Nam: 2.282 xe; Công ty TNHH Grabtaxi: 11.116 xe. Còn tính chung xe hợp đồng dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải lên đến 21.800 xe, taxi là 19.265 xe.
Tại hội nghị, Sở GTVT, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng đề xuất, kiến nghị Bộ GTVT ban hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đối với loại hình ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải tương tự điều kiện kinh doanh vận tải khách bằng taxi để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải; xem xét phương thức để quản lý được toàn bộ phần mềm ứng dụng mà các đơn vị đang quản lý, sử dụng trong hoạt động thí điểm; đồng thời việc sử dụng ứng dụng phần mềm phải kết nối với thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện tham gia thí điểm.
Đánh giá kết quả tổng kết, ông Long cho biết, về thuận lợi các đơn vị cung ứng phần mềm ứng dụng như: Công ty TNHH Grabtaxi, Công ty TNHH Uber Việt Nam... là những đơn vị có năng lực tài chính lớn, có trình độ khoa học công nghệ cao đủ điều kiện thực hiện công tác thí điểm đạt được những mục tiêu chính. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải có đủ tiềm năng và lực lượng phối hợp với đơn vị cung ứng phần mềm ứng dụng để triển khai công tác thí điểm, cung cấp ra thị trường dịch vụ vận tải chất lượng cao, được người dân đồng tình, ủng hộ.
Về khó khăn, theo ông Long, từ khi mô hình ứng dụng công nghệ hợp đồng vận chuyển của Grab, Uber tham gia thí điểm, số lượng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ tại Hà Nội tăng nhanh chóng, vượt quá yêu cầu của thành phố và gây ảnh hưởng đến đề án phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt việc quản lý hạn chế xe taxi và phương tiện giao thông cá nhân.
“Một số phương tiện tham gia thí điểm không niêm yết logo, không niêm yết phù hiệu xe hợp đồng và các thông tin theo quy định của Bộ GTVT, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng”, ông Long nói.
Sẽ quản chặt
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc giới hạn xe tham gia thí điểm là thẩm quyền của địa phương. Đơn cử, Đà Nẵng không cho thí điểm xe hợp đồng dưới 9 chỗ; Khánh Hòa chỉ cho 2 đơn vị với 100 xe thí điểm... Bộ GTVT không thể ép các địa phương phải cho thêm. “Chúng tôi luôn coi các đơn vị cung cấp phần mềm chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. Bộ GTVT đã có quy định họ chỉ được cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải. Khi các đơn vị phần mềm ứng dụng vào các đơn vị kinh doanh vận tải sẽ đạt hiệu quả, đáp ứng với nền công nghệ 4.0 trong GTVT”, ông Ngọc nói.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, trong quá trình Uber, Grab thực hiện thí điểm làm thay đổi các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Cùng đó, loại hình kinh doanh này cũng được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, theo ông Viện, hiện công tác quản lý loại hình xe hợp đồng vẫn còn bất cập. Đây là loại hình kinh doanh mới, cần có cách quản lý chặt. Ngay từ khi bắt đầu thí điểm Hà Nội đã nhận thấy bất cập của loại hình xe hợp đồng này.
“UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT xây dựng đề án quản lý phương tiện giao thông góp phần giảm ùn tắc. Theo đó, từ nay đến năm 2030, trong đề án sẽ có quy định riêng về loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ phải được coi như hoạt động xe taxi và có những quy định chặt chẽ để chống ùn tắc giao thông”, ông Viện nói.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android