Hacker tuyên bố bẻ được khóa chip bảo mật Apple T2, người dùng Việt nên thận trọng

    Du Lam, Theo ictnews 

    Các nhà nghiên cứu bảo mật họ có thể bẻ khóa Mac và MacBook dùng chip bảo mật T2 mới nhất của Apple.

    Một số chuyên gia bẻ khóa và bảo mật nổi tiếng xác nhận có thể kết hợp hai cách khai thác lỗ hổng ban đầu phát triển để bẻ khóa iPhone trên Mac và MacBook dùng chip bảo mật Apple T2. Kỹ thuật bẻ khóa này cho phép người dùng/kẻ tấn công chiếm quyền điều khiển toàn bộ thiết bị để thay đổi hành vi của hệ điều hành hoặc bị lợi dụng để thu thập dữ liệu nhạy cảm, mã hóa, thậm chí cấy mã độc.

    Hacker tuyên bố bẻ được khóa chip bảo mật Apple T2, người dùng Việt nên thận trọng - Ảnh 1.

    Chip T2 là con chip đặc biệt được lắp đặt cùng với chip Intel trên các máy tính Apple đời mới, bao gồm iMac, Mac Pro, Mac mini và MacBook. T2 được công bố năm 2017, bắt đầu xuất hiện trên thiết bị Apple bán ra năm 2018. Vai trò của nó như một CPU độc lập. Chúng mặc định phụ trách xử lý âm thanh và các chức năng I/O thấp cấp khác nhau để giúp giảm tải cho CPU chính.

    Tuy nhiên, nó cũng phục vụ với tư cách “chip bảo mật” - Secure Enclave Processor (SEP) – xử lý các dữ liệu nhạy cảm như hoạt động mật mã, mật khẩu KeyChain, xác thực TouchID và bộ nhớ mã hóa của thiết bị… Nói cách khác, nó đóng vai trò quan trọng trên mọi desktop gần đây của Apple, làm nền tảng cho hầu hết tính năng bảo mật.

    Mùa hè năm nay, các chuyên gia bảo mật tìm ra cách để “phá” T2 và chạy mã bên trong chip bảo mật trong quá trình khởi động và điều chỉnh hành vi thông thường của nó. Kỹ thuật kết hợp hai lỗi Checkm8 và Blackbird, ban đầu dùng để bẻ khóa iPhone. Nó có tác dụng vì chip T2 và iPhone chia sẻ một số tính năng phần cứng và phần mềm giống nhau.

    Theo bài đăng của hãng bảo mật ironPeak, bẻ khóa chip T2 cần kết nối Mac/MacBook qua USB-C và chạy phần mềm bẻ khóa Checkra1n phiên bản 0.11.0 trong quá trình khởi động Mac.

    Nguy cơ từ kỹ thuật bẻ khóa mới vô cùng rõ ràng. Bất kỳ máy Mac hay MacBook nào bị người dùng bỏ quên đều có thể bị ai đó tấn công bằng cách kết nối cáp USB C, khởi động lại thiết bị và chạy Checkra1n 0.11.0. Tuy vậy, nó cũng mở ra cánh cửa cho phép điều tra viên tiếp cận máy tính của nghi phạm để tìm kiếm thông tin trước đây bị mã hóa.

    Điều không may là vì là vấn đề liên quan tới phần cứng, tất cả chip T2 đều được xem là không thể vá được. Cách duy nhất mà người dùng có thể làm sau khi bị tấn công là cài đặt lại bridgeOS, nền tảng chạy trên chip T2. ironPeak cho biết nêu nghi ngờ hệ thống bị can thiệp, hãy dùng Apple Configurator để cài đặt lại bridgeOS. Tốt nhất, đừng bao giờ để thiết bị ngoài tầm mắt.

    Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu của GfK, doanh số ngành hàng laptop trên toàn thị trường tháng 2/2020 ghi nhận tăng trưởng 43% so với tháng 1/2020. Trong đó, Apple đứng vị trí thứ 5 trên với thị phần 5,2%, tương ứng với lượng người dùng không hề nhỏ. Đó là chưa kể con số chưa bao gồm desktop. Chính vì vậy, người dùng máy tính Apple tại Việt Nam cũng không thể bỏ qua tin tức này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ