Hàng loạt giáo viên bị phá lớp học online bằng clip 18+, trà trộn gây rối: Trò đùa của học sinh trở thành nỗi ám ảnh của thầy cô
Gần đây, câu chuyện học sinh đưa hình ảnh nhạy cảm vào phá các lớp học online trở thành vấn nạn mới gây ảnh hưởng đến giáo viên.
Học online thời gian gần đây đã trở nên cụm từ không còn xa lạ với bất kỳ học sinh, sinh viên nào. Từ học sinh tiểu học đến các cấp phổ thông và cả cấp đại học đều bắt đầu tiếp cận và quen dần với phương thức học từ xa. Đây được xem là giải pháp theo đúng phương châm của Bộ GD&ĐT tuy phải tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học giữa mùa dịch Covid-19.
Tuy nhiên, để thay đổi từ phương pháp học truyền thống sang cách học mới lạ này là một điều khó khăn, không chỉ với học sinh, sinh viên mà còn đối với người đứng lớp giảng dạy. Ngoài những yếu tố công nghệ, đường truyền, cách đánh giá kiểm tra, thì nhiều vấn đề ngoài luồng phát sinh gây ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy và học. Trong đó, rộ lên những ngày vừa qua là câu chuyện xuất hiện trường hợp những học sinh vô ý thức sử dụng các tài khoản trên hệ thống để đăng nhập, quậy phá các lớp học. Điều này khiến các học sinh khác ngán ngẩm, thầy cô ngao ngán và phụ huynh thì ngỡ ngàng trước hành động không tưởng của con em.
Từ phấn trắng, bảng đen và giáo án trên những trang giấy, giờ đây mọi thứ đều được chuyển sang các nền tảng trên internet
Từ sau tết, khi nhận thấy tình hình chống dịch Covid-19 co thể kéo dài, một số trường hay địa phương đã lên kế hoạch tổ chức các lớp học online hay trên truyền hình. Cac lớp học này được xây dựng với mục đích giúp học sinh củng cố, ôn tập kiến thức trước khi trở lại trường. Nhưng việc nghỉ học kéo dài khiến việc học trực tuyến dần trở nên có tính bắt buộc và nhiều nơi đã tổ chức đánh giá, kiểm tra học sinh, sinh viên qua các bài giảng online. Giờ đây các cấp học đều đã triển khai hình thức dạy và học này, học sinh, sinh viên cùng giáo viên đã quen với công việc ngồi trước màn hình vi tính hằng ngày.
Nhưng để làm quen và sử dụng các phần mềm Zoom , Microsoft Team,… thành thao là điều không dễ dàng, nhất là đối với thầy cô. Từ phấn trắng, bảng đen và giáo án trên những trang giấy, giờ đây mọi thứ đều được chuyển sang các nền tảng trên internet. Cô V.T.H., giáo viên cấp 3 tại Hà Nội cho biết: "Là một giáo viên không còn trẻ và không còn nhanh nhạy để nắm bắt công nghệ thông tin nhanh như các thầy cô khác, nên mình khá chật vật trong những buổi đầu. Ví dụ như việc bật, tắt micro, mở webcam, chiếu bài giảng đều bị lẫn lộn. Nhiều lần mình còn lỡ thoát ra khỏi lớp và mất khá nhiều thời gian để ổn định."
Còn đối với cô Phương Hà, một giáo viên trên địa bàn quận 7, TP.HCM thì chia sẻ: "Dạy online vất vả, dạy truyền thống thì đỡ cực hơn. Những môn xã hội có thể soạn bài nhanh, nhưng tôi dạy môn tự nhiên, soạn bài cho 1 tiết có khi lên tới 3-4 ngày."
Đó chỉ là một trong vô số khó khăn khác mà thầy cô phải đối mặt mỗi khi lên lớp online. Đó là việc thầy cô không thể kiểm soát được tình hình học tập thực tế của học sinh và không thể đánh giá khách quan mức độ hiểu bài của từng em. Nhiều trường hợp trốn việc phát biểu, xây dựng bài bằng cách tắt camera, tắt micro, và viện nhiều lý do để không phải trả lời các câu hỏi mà giáo viên đưa ra. Cùng với đó là những vấn đề liên quan tới đừng truyền internet khiến các lớp học vẫn gặp tình trạng chập chờn, mất tín hiệu.
Nhưng giờ đây, khi việc học online đã diễn ra được một thời gian, mọi thứ dường như đang trở nên dễ dàng hơn, học sinh cũng đã quen với hình thức học mới, giáo viên đã thành thạo các bước tổ chức lớp học hơn. Việc học trực tuyến giờ đây đang bắt đầu đi vào guồng quay, khi mọi việc đang diễn ra theo trình tự và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa cả thầy và trò.
Ý thức học sinh lại trở thành rào cản mới thách thức tinh thần giáo viên
Tuy nhiên, vượt qua những trở ngại ban đầu, các giáo viên lại đối mặt với những rào cản phức tạp hơn bao giờ hết. Những tưởng trò nhất quỷ, nhì ma chỉ được học trò làm với các giờ học tại lớp, nhưng ngay cả với cách thức học từ xa này, học sinh cũng đã nghĩ ra vô số các đối phó, quậy phá các thầy cô.
Từ những câu bình luận phản cảm trên các video học truyền hình từng được đề cập trước đây khiến cộng đồng mạng bức xúc, thì giờ đây những trò ngỗ nghịch lại được nâng lên một "tầm cao mới".Mỗi học sinh khi tham gia vào các lớp học đều được cung cấp một ID kèm mật khẩu để đăng nhập vào lớp học, và thông tin này theo yêu cầu của giáo viên chỉ được lưu hành nội bộ trong phạm vi lớp học. Nhưng lợi dụng kẻ hở này, các học sinh đã công khai hẳn những thông tin này lên mạng để tìm người vào chọc phá, quấy rối giờ học. Thậm chí giờ đây, hoạt động này đã trở nên "chuyên nghiệp" khi có những hội, nhóm dành riêng cho những ai có nhu cầu.
Cô V.T.H chia sẻ: "Mỗi ngày có tầm 3 tiết thì hầu như tiết nào cũng có hiện tượng này. Một số gương mặt vào lớp học, mượn được tên của cả học sinh trong lớp, rồi thao tác vẽ bậy vào slide khiến mình rất khó chịu. Thời gian ổn định lớp đã lâu rồi, còn phải dành thời gian để xử lý những sự việc này nữa."
Gần đây, học sinh còn đưa có hình ảnh, video của những nhân vật nhạy cảm, tai tiếng trong giới giang hồ như Huấn Hoa Hồng, Ngô Bá Khá,... vào các lớp học để chống đối, phá hoại không khí chung của tiết học. Thậm chí quá đáng hơn, nhiều đối tượng còn phát video có nội dung 18 , video chửi tục văng thế với ngôn ngữ bậy bạ trong lớp. Nhiều giáo viên lắc đầu ngán ngẩm và phải cho học sinh kết thúc giờ học sớm vì không tìm ra được thủ phạm chính của sự việc. Đến nay, ngoài việc kick tài khoản gây rối, thay đổi ID/Passwword thì chưa có biện pháp nào để thầy cô xử lý triệt để vụ việc.
Cô V.T.H cho biết thêm: "Theo mình, những học sinh tham gia vào các trò nghịch ngợm này đa phần cũng sẽ có những biểu hiện cá biệt tại lớp, hoặc do không được thể hiện sự cá biệt đó trên lớp vì sự kiểm soát mà sử dụng cách này. Đây là câu chuyện về ý thức không phải của 1,2 người nữa rồi, mà còn gây nhức nhối cho cả ngành giáo dục."
Thầy cô như cảm thấy công sức của mình đang bị phủ nhận
Câu chuyện ý thức một lần nữa lại được đề cập và nên khá nghiêm trọng. Điều này cho thấy tư tưởng lệch lạc của một bộ phận các học sinh chưa tự giác trong học tập, thích thể hiện bản thân.
Cô N.H.L, giáo viên cấp 2 tại Hà Nội tâm sự: "Ở thời nào thì cũng đều có những học sinh vô cùng nghịch ngợm. Là giáo viên, tôi thực sự buồn khi phải chứng kiến những hiện tượng trên. Việc dạy- học online ở thời điểm này là biện pháp tối ưu nhất cho các em học sinh không bị quên kiến thức. Công sức của giáo viên bỏ ra nhiều hơn nhiều lần bình thường và trong lớp có nhiều em rất nghiêm túc. Nhưng chỉ vì xuất hiện các hiện tượng trên làm gián đoạn toàn bộ buổi học."
Thầy Vũ Minh Hải, giáo viên cấp 3 lại bày tỏ: "Làm nghề giáo muôn phần khổ, điều này làm mình cảm thấy các em như đang phủ nhận công sức chuẩn bị bài giảng của mình. Dù với bất cứ lý do gì thì những việc làm đó đều sai trái."
Những hành động trên cần được dừng lại ngay bây giờ, để thầy cô, những người vất vả hằng ngày dựng giáo án và chuẩn bị bài tập được giảng dạy ở một môi trường mạng an toàn và trong sạch. Mỗi việc làm đều là thước đo giá trị và ý thức của bản thân, nên hãy suy nghĩ và thay đổi trước khi quá muộn. Môi trường sư phạm không dành cho những hành vi thiếu chuẩn mực, gây ảnh hưởng đến những ai thực sự có mong muốn tiếp thu kiến thức.
Cô N.H.L nhắn nhủ: "Các em hãy bình tĩnh và nhận ra lỗi sai của mình ngay lúc này. Thay đổi tư duy, hợp tác và học tập thật tốt. Các em hãy biết suy nghĩ cho chính bản thân mình, cho gia đình mình, cho Tổ Quốc mình. Hãy đồng lòng, gắng sức không chỉ trong việc chống dịch bệnh mà còn trong việc tiếp thu kiến thức thức giúp ích tương lai của các em".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Bên cạnh cái tên Nokia, HMD giới thiệu điện thoại "cục gạch" 4G đầu tiên tại Việt Nam, giá chỉ hơn 600.000 đồng
HMD 105 4G là mẫu điện thoại "cục gạch" đầu tiên được hãng này giới thiệu dưới cái tên thương hiệu "HMD" thay vì là "Nokia" như trước đây.
So sánh thiết kế Galaxy S25 Ultra và Galaxy S24 Ultra: Viền siêu mỏng, cảm giác cầm nắm tốt hơn đáng kể