Hãng smartphone Gionee rao bán Mercedes-Benz S600 trên Taobao để...trả nợ ngân hàng

    Tấn Minh,  

    Chiếc Mercedes-Benz S600 đang được rao bán trên Taobao là một trong số 18 chiếc thuộc sở hữu của Gionee, hãng smartphone đang phải bán tống bán tháo tài sản để thanh toán nợ sau khi nộp đơn phá sản vào năm ngoái.

    Một chiếc Mercedes-Benz S600 vừa được đấu giá trên chợ trực tuyến Taobao của Alibaba hồi đầu tháng này. Cuộc đấu giá chiếc siêu xe này là một phần trong quá trình giải quyết vụ phá sản của Gionee, gợi nhắc cho chúng ta một bài học đau đớn của một thương hiệu smartphone từng một thời cực kỳ nổi tiếng tại Trung Quốc, nhưng sau đó sụp đổ bởi gánh nặng nợ nần xuất phát một phần từ đam mê cờ bạc của nhà sáng lập công ty.

    Chiếc S600 nói trên là một trong 18 siêu xe thuộc sở hữu của Gionee, nhà sản xuất smartphone trụ sở tại Thâm Quyến sáng lập bởi Liu Lirong, vừa nộp đơn phá sản vào tháng 12 năm ngoái. 14 chiếc xe trong số này đã được bán trước đó với tổng giá trị khoảng 600.000 USD trong một phiên đấu giá 24 giờ, kết thúc lúc 10 giờ sáng ngày 10/5 (giờ địa phương), theo dữ liệu từ Taobao. Chiếc Mercedes-Benz S600 đã thu hút được 186 lượt trả giá và cuối cùng được bán với giá 2,1 triệu Nhân dân tệ (tương đương 304.185 USD), cao hơn 40% so với giá khởi điểm.

    Hãng smartphone Gionee rao bán Mercedes-Benz S600 trên Taobao để...trả nợ ngân hàng - Ảnh 1.

    Mercedes-Benz S600

    Ở thời kỳ đỉnh cao năm 2016, Gionee đã bán được khoảng 40 triệu smartphone chỉ trong một năm, và lọt vào top 10 thương hiệu điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc. Các thiết bị tầm trung của họ rất phổ biến tại các thành phố nhỏ của nước này, và còn được bán tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, cạnh tranh với các đối thủ như Oppo và Vivo. Nhưng trong khi các đối thủ này ngày một phát triển mạnh mẽ, Gionee nay chỉ còn là cái tên của quá khứ.

    Nhà sáng lập Liu Lirong nổi tiếng với độ "chịu chơi" khi thường xuyên ký hợp đồng mời những người nổi tiếng như Andy Lau Takwah (Lưu Đức Hoa) quảng cáo cho sản phẩm của mình. Ông này còn là một tay chơi bạc có tiếng, đến mức "thú vui" của ông góp phần vào việc khiến cả công ty sụp đổ.

    Đoạn kết của Gionee đến vào năm ngoái, khi các nhà cung ứng từ chối bán linh kiện cho hãng sau nhiều tháng bị "quịt" thanh toán. Kết quả là hoạt động sản xuất của Gionee cũng nhanh chóng lụi tàn, khiến các khoản nợ càng chồng chất hơn. Vào tháng 12, tòa án Thâm Quyến chấp nhận đơn thanh khoản tài sản của công ty. Được biết, khoản tiền mà Gionee chưa trả cho các chủ nợ lên đến 3 tỷ USD.

    Gionee là một trong hàng chục thương hiệu smartphone "trở thành lịch sử" trong thị trường điện thoại cạnh tranh cực kỳ gay gắt của Trung Quốc - một thị trường mà trong vài năm trở lại đây đã quy về nằm gọn trong tay một số đối thủ hùng mạnh như Huawei và Xiaomi. Hãng smartphone Hàn Quốc là Samsung cũng bị đánh phủ đầu, và thậm chí gần đây, thương hiệu iPhone huyền thoại của Apple cũng khốn đốn vì bán với mức giá quá cao.

    Trong một lần phỏng vấn với tờ Securities Times ở Hồng Công hồi tháng 11, Liu nói rằng ông đã mượn tạm quỹ của công ty để đánh bạc tại một casino ở Saipan và thua hơn 1 tỷ Nhân dân tệ. Công ty của Liu đã thua lỗ từ đầu năm 2013, trung bình mỗi tháng mất trắng ít nhất 100 triệu Nhân dân tệ trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015, và trong hai năm sau đó, con số này tăng lên gấp đôi, ít nhất 200 triệu!

    Là một thương hiệu smartphone tầm trung ở Trung Quốc, Gionee từng cạnh tranh với các đối thủ như Meizu, Nubia và ZTE. Vào tháng 11/2017, Gionee tiết lộ 8 chiếc smartphone với thiết kế toàn màn hình tại một sự kiện ra mắt sản phẩm lớn ở Thâm Quyến, với các mẫu cao cấp được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với các thiết bị không viền màn hình đến từ Apple và Huawei.

    Hãng smartphone Gionee rao bán Mercedes-Benz S600 trên Taobao để...trả nợ ngân hàng - Ảnh 2.

    Nhà sáng lập Gionee - Liu Lirong

    Tại sự kiện đó, Liu nói với mọi người rằng Gionee là hãng smartphone đầu tiên trên thế giưới trang bị màn hình tỉ lệ 18:9 cho tất cả các thiết bị mới ra mắt - một xu hướng mới nổi trên thị trường di động thời điểm đó.

    Gionee có lẽ sẽ được nhớ đến như một ví dụ về chi tiêu hoang phí trong thời đại vàng của ngành công nghiệp smartphoen Trung Quốc, khi mà doanh số smartphone bán ra tăng gấp đôi mỗi năm từ 2010 đến 2012. Các nhà sản xuất smartphone cạnh tranh nhau bằng cách tiêu những khoản tiền khổng lồ cho các chiến dịch marketing, thuê nhiều người nổi tiếng để lôi kéo người tiêu dùng. Gionee đã chi đến 9 tỷ Nhân dân tệ để marketing và đầu tư từ 2015 đến 2017.

    Hiện nay, các cửa hàng trực tuyến của Gionee trên Tmall của Alibaba và JD.com đã không còn nữa. Và cách duy nhất để mua điện thoại của hãng này là thông qua hàng tồn đang được bán bởi các nhà bán lẻ bên thứ ba với các chương trình giảm giá đầy béo bở.

    Tham khảo: SCMP

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày