Hành vi ‘trọng nam khinh nữ’, bao bọc ‘con trai cưng’ đang đe dọa sự sinh tồn của một quần thể cá voi sát thủ
Khi cá voi sát thủ mẹ dành nhiều thời gian cho con non đực hơn con non cái, điều này có thể đe dọa sự sống còn của cả bầy.
Theo một nghiên cứu được công bố tuần này, những con cá voi sát thủ trong các quần thể cư trú ở phương Nam đang chăm sóc con cái của chúng đến tuổi trưởng thành. Và điều đó hóa ra lại đe dọa đến khả năng sống sót của toàn bộ quần thể.
Trong khi những con non cái sớm tách mẹ và sống độc lập, các bà mẹ lại tiếp tục chăm sóc con trai mình và chia sẻ thức ăn với chúng trong suốt phần đời còn lại. Và theo Michael Weiss, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Cá voi của Đại học Exeter và cũng là tác giả của nghiên cứu, thì những con non đực có nhiều khả năng sẽ chết nếu không có mẹ chúng.
Mặc dù trước đây, hành vi này có thể mang lại lợi thế tiến hóa cho cá voi sát thủ, nhưng hiện tại nó đang phản tác dụng khi nguồn thức ăn đang ít dần đi.
Những đứa ‘con trai cưng’ cần mẹ suốt cuộc đời
Tất cả cá voi sát thủ đều sinh hoạt trong một xã hội mẫu hệ, nghĩa là các thành viên gia đình có xu hướng gắn bó với con mẹ.
Trong số những con cá voi sát thủ thường cư trú ở phía Nam Nam Cực, con non cái sẽ học khá nhanh cách để có thể tự bảo vệ mình. Khi được khoảng 12 tuổi, chúng sẽ ngừng lấy thức ăn từ mẹ. Mặc dù vẫn ở trong bầy, chúng cũng sẽ trở nên độc lập hơn, tự săn mồi và sinh con của riêng mình.
Tuy nhiên, các con non đực thì không bao giờ thực sự ngừng nhờ mẹ giúp đỡ. Không giống như một số quần thể cá voi sát thủ khác, nơi con đực có thể tách khỏi đàn và tự mình đi săn, những con đực trong nhóm cá voi cư trú phía Nam chủ yếu ở cùng với bầy. Và các bà mẹ sẽ tiếp tục chia sẻ thức ăn của nó với "con trai cưng" trong suốt cuộc đời của chúng, ngay cả khi điều đó nghĩa là chúng sẽ phải trả một cái giá đắt.
“Sự tiến hóa đã khiến bộ não ở cá voi sát thủ cái lựa chọn việc quyết tâm giữ cho con trai mình sống sót, đến mức nó có khả năng sẽ không nhận được thức ăn mà bản thân cần, thậm chí phải nhịn đói để giữ cho con trai mình được hạnh phúc và khỏe mạnh”, Weiss cho biết.
"Có một mối liên kết xã hội thực sự mạnh mẽ giữa mẹ và con non đực. Chúng dành nhiều thời gian nổi trên mặt nước cùng nhau, cọ xát vào nhau và bơi song song", ông nói thêm.
Để chăm sóc con trai, các bà mẹ chấp nhận sinh ít con hơn
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology, sự hy sinh nói trên đôi khi phải trả giá bằng việc sinh sản.
Bằng cách theo dõi đàn cá voi sát thủ cư trú ở phương Nam, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những bà mẹ chăm sóc con trai ít có khả năng sinh thêm con khác. Thông thường, một con cái 21 tuổi có 20% cơ hội sinh con trong vòng năm tiếp đó. Nhưng nếu nó có con đực, tỷ lệ đó giảm xuống còn 10%, nghiên cứu cho thấy.
Các nhà khoa học cho rằng đó có thể là do các bà mẹ đang bận cho con trai của chúng ăn. Ông Weiss cho biết: “Chúng thực sự không có đủ nguồn lực để chịu thêm gánh nặng mang thai và chăm sóc một con non khác”.
Những "cậu cả" to lớn và vụng về
Trong quần thể được nghiên cứu, cá voi sát thủ đực và cái có kích thước rất khác nhau. Những con đực rất to lớn, thậm chí lớn hơn khoảng 50% so với mẹ của chúng. Điều đó có nghĩa là chúng cần nhiều thức ăn hơn con cái. Và kích thước to lớn cũng khiến chúng trở thành những tay thợ săn kém cỏi.
Quần thể cá voi sát thủ thường trú phía Nam có món ăn ưa thích là cá hồi Chinook, nhưng đây là con mồi có kích thước nhỏ so với dạ dày của những con đực to lớn.
Theo các nhà nghiên cứu, những con đực đôi khi cũng cố tự săn bắt cá. Nhưng chúng làm việc đó kém hiệu quả trong khi vẫn cần rất nhiều cá để sinh tồn. Điều đó có nghĩa là những đứa con trai cưng hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ của chúng.
Và Weiss cho biết con đực có nguy cơ tử vong cao gấp 8 lần sau khi mẹ chúng qua đời, trong khi nếu đó là con cái thì nó sẽ vẫn bình an vô sự.
Hành vi mang ý nghĩa tiến hóa, nhưng đã không còn phù hợp
Bởi vì con cái có xu hướng ở lại với đàn, nên con hoặc cháu của nó ở cùng đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một miệng ăn và cạnh tranh sinh sản nhiều hơn. Nếu nhóm trở nên quá lớn, có thể sẽ không có đủ tài nguyên cho tất cả các thành viên.
Nhưng nếu con đực sinh sản với một con cái trong một nhóm khác, thì những đứa cháu đó sẽ là vấn đề của nhóm khác, theo ông Weiss. Khi thức ăn dồi dào, đây là một chiến lược sinh tồn tuyệt vời. Và đó là lý do tại sao các bà mẹ lại chịu khó chăm sóc con non đực của chúng đến như vậy, bởi phương án đó đã được lựa chọn bởi quá trình tiến hóa.
Nhưng chiến lược đó giờ đây có thể phản tác dụng khi cá hồi Chinook trở nên khan hiếm hơn.
Quần thể cá voi sát thủ cư trú ở phương Nam hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chỉ có ba nhóm gia đình được biết đến trên thế giới được đặt tên là J, K và L, với tổng số 73 cá thể.
Lối sống không phổ biến ở những bà mẹ nhiều con
Không nhiều loài động vật sẽ tiếp tục chăm sóc con cái trong phần lớn cuộc đời của chúng. Và nếu chúng làm vậy, thì các bậc bố mẹ này thường cũng không phải trả giá đắt như cá voi sát thủ.
"Trên thực tế, chúng nhận được một số lợi ích từ con cái của mình. Ví dụ, tinh tinh mẹ tiếp tục giúp đỡ con trai và con gái của chúng, nhưng những con lớn hơn sẽ giúp chăm sóc những đứa em", ông nói.
Do đó theo nhà nghiên cứu này, chiến lược của cá voi sát thủ là "cực kỳ kỳ lạ".
Không rõ liệu các quần thể cá voi sát thủ khác có hành vi tương tự hay không, nhưng Weiss nghi ngờ rằng chúng có thể, ít nhất là ở một mức độ nào đó. Bởi đó là hành vi dựa trên quá trình tiến hóa.
Weiss cho biết: “Chúng tôi khá tự tin rằng những hành vi tương tự sẽ xuất hiện ở các quần thể cá voi sát thủ khác, nơi những con cá voi mẹ giữ con trai và con gái của chúng bên cạnh suốt cuộc đời”.
Tham khảo Current Biology, Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tỷ phú Jensen Huang thắng giải thưởng 3 triệu USD ở Việt Nam: “Tôi đại diện cho các đồng nghiệp tại NVIDIA”
CEO Nvidia Jensen Huang vừa được vinh danh là đồng chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024.
Trẻ em sẽ làm bài tập về nhà ra sao trong kỷ nguyên của ChatGPT? "Bố già AI" và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra giải pháp