Hãy bỏ ngay suy nghĩ ảo tưởng khi khởi nghiệp thương mại điện tử

    PV,  

    Theo ông Trần Trọng Tuyến, CEO công ty DKT, hiện nay nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp vẫn còn ảo tưởng, cho rằng ý tưởng, sản phẩm của mình rất tốt và tự tin sẽ thành công khi tung ra thị trường mà không lường trước được các thách thức có thể xảy ra.

    Ngày 7/5, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp cùng thương mại điện tử Việt Nam” với sự tham dự của gần 600 sinh viên khối ngành kinh tế, marketing, thương mại điện tử đến từ nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

    Tại sự kiện, ông Trần Văn Trọng, Chánh văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, năm 2016 – 2020 là giai đoạn thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển nhanh do Việt Nam có nhiều lợi thế như số lượng người dùng Internet lớn và đa phần là giới trẻ, hạ tầng cho phát triển thương mại điện tử, môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện…

    Tuy còn có nhiều hạn chế như niềm tin của người tiêu dùng trong mua sắm online chưa cao, dịch vụ thanh toán, chuyển phát chưa theo kịp sự phát triển… nhưng thực tế đang mở ra nhiều cơ hội cho các cá nhân, đặc biệt là giới trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.

    “Sinh viên là nhóm có nhiều ý tưởng sáng tạo, có khả năng đóng góp rất nhiều trong quá trình phát triển thương mại điện tử”, ông Trọng nhận định, đồng thời nhấn mạnh khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam cần lưu ý hai vấn đề đó là ý tưởng (sự sáng tạo, đột phá so với doanh nghiệp đi trước) và cần xác định được cho mình thị trường mục tiêu.

     Ông Trần Trọng Tuyến, CEO công ty DKT. Ảnh: Nguyên Đức.

    Ông Trần Trọng Tuyến, CEO công ty DKT. Ảnh: Nguyên Đức.

    Trao đổi tại hội thảo, ông Trần Trọng Tuyến, CEO công ty DKT (doanh nghiệp sở hữu nền tảng bán hàng online Bizweb, hiện có trên 500 nhân viên) nhấn mạnh đến một thực tế hiện nay đó là nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp vẫn còn ảo tưởng, cho rằng ý tưởng khởi nghiệp của mình rất hay, tự tin sẽ thành công mà không lường trước được các thách thức có thể xảy ra.

    Ông Tuyến lưu ý, cần xác định kỹ mình bán gì trên Internet, sử dụng hai kênh bán hàng phổ biến là mạng xã hội và website, trong quá trình thực hiện cần sử dụng hiệu quả các tính năng quảng cáo, hiểu khách hàng của mình, xây dựng hệ thống quản lý chuyên nghiệp…

    Đại diện của Công ty Z.com lưu ý khi khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử cần phải có tên miền dễ nhớ, ấn tượng, càng ngắn càng tốt; website nhanh; có sản phẩm bán ra đáp ứng đúng nhu cầu, đúng tâm lý khách hàng và phải bắt kịp xu hướng thị trường, có chế độ hậu mãi chu đáo để giữ chân khách hàng.

    Ông Lã Quốc Tuấn, Phụ trách kinh doanh InterSpace Việt Nam cho rằng giới trẻ khi khởi nghiệp nên lựa chọn dự án nhỏ để bắt đầu, đừng vội làm lớn với tính rủi ro cao.

    Trao đổi thêm tại hội thảo, ông Trần Trọng Tuyến khuyến cáo: Khởi nghiệp không phải là một cuộc chơi mà là hành trình gian khổ, không có chỗ cho những người không chịu được gian khổ. Khi khởi nghiệp, thông thường sẽ phải trải qua những mốc thời gian 6 tháng, 1 năm, 3 năm rồi 6 năm, sẽ phải vấp phải hàng loạt rào cản, bị khách hàng, thị trường từ chối… và những người khởi nghiệp phải sẵn sàng tâm lý đối mặt với việc hoạt động kinh doanh trở về con số 0.

    “Để đạt được thành công thì bí quyết nằm ở suy nghĩ và thái độ khi bắt đầu khởi nghiệp. Đừng quá vọng tưởng, mong ước thành công sớm và hưởng thụ”, ông Tuyến nói.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày