Hãy bước vào bên trong siêu nhà máy Gigafactory, bạn sẽ hiểu vì sao nó nắm giữ tương lai của Tesla

    Ngocmiz,  

    Hãy cùng tìm hiểu tại sao Gigafactory được coi là con át nắm giữ tất cả tương lai của Tesla cũng như của toàn ngành xe điện trong bài viết dưới đây.

    Theo bài viết của Jordan Golson, The Verge

    Giữa sa mạc Nevada rộng lớn của Los Angeles, dưới cái nóng oi ả gần 40 độ C, một khu phức hợp khổng lồ vẫn đang tích cực hoạt động trong guồng quay hối hả. Hẳn bạn sẽ tự hỏi ai mà lại muốn xây dựng một khu phức hợp ở cái nơi hoang vu cằn cỗi này?

    Chỉ có thể là Elon Musk.

    Tôi đang có mặt tại Sparks, ngoại ô Reno, nơi Musk đang nung nấu thực hiện “Master Plan” cho Tesla. Musk đã đánh cược tất cả công ty cũng như tài sản của bản thân vào siêu nhà máy Gigafactory này.

    Gigafactory có lẽ là một trong những hiện thân tiêu biểu nhất cho khát vọng lớn lao của Elon Musk. Sau khi chính thức hoàn thành, đây sẽ là tòa nhà có diện tích lớn nhất thế giới, và nếu mọi thứ đi đúng như kế hoạch ban đầu, mỗi năm Gigafactory sẽ cho ra lượng pin tương đương với 150 GWh, đủ phục vụ 1,5 triệu chiếc Model 3. Hiện tại, Tesla hy vọng cho đến 2018 có thể sản xuất lượng 35 GWh pin mỗi năm, đủ sử dụng cho 500.000 chiếc Model 3.

    _______

    Bạn có thể dùng những từ như to lớn, khổng lồ, vĩ đại, khủng khiếp,… để mô tả nhà máy cũng như tham vọng này, thế nhưng có vẻ nhiêu đó thôi vẫn chưa đủ.

    Đối với Musk, khu phức hợp này cũng khá “lãng mạn”. Về diện tích, Gigafactory lớn gấp 107 lần sân bóng bầu dục NFL tiêu chuẩn với 4 tầng nhà máy và 2 tầng làm việc trên cùng. Có tới 10.000 con ngựa hoang ở khu vực này vẫn ngày ngày “uống nhờ” nước ở các hồ chứa Tesla dự trữ cho hoạt động xây dựng nhà máy.

    Gigafactory thực sự khổng lồ. Thế nhưng đối với Tesla, đây không chỉ là một nơi sản xuất pin xe điện. Quên những chiếc Model 3 đi, sự thành bại của Gigafactory chính là chìa khóa quyết định tương lai của Tesla cũng như nỗ lực giúp thế giới giảm thiểu lượng khí thải carbon của Elon Musk.

    Musk chia sẻ “Chúng tôi coi Gigafactory như một sản phẩm đích thực. Nó là một cỗ máy sản xuất ra những cỗ máy khác. Chính vì vậy mà Tesla đầu tư nhiều công sức cho nó hơn cả cho các sản phẩm nó sẽ tạo ra.”

    Musk cho rằng áp dụng công nghệ vào nâng cấp quy trình sản xuất sẽ là cách tối ưu tận dụng được các nguồn lực của Tesla. Một kỹ sư dành thời gian cải tiến dây chuyền sản xuất của nhà máy sẽ mang lại hiệu quả gấp 10 lần nỗ lực tương đương dồn vào việc cải tiến các sản phẩm nhà máy sẽ sản xuất.

    Ông giải thích rằng nâng cấp hiệu suất của một bộ đổi nguồn (inverter) lên chưa đến 1% cũng đã tốn rất rất nhiều công sức. Thế nhưng nếu dành công sức này vào cải thiện quy trình sản xuất bộ đổi nguồn đó thì hiệu quả tổng quan mang lại có thể gấp 10 lần như vậy. Ông cũng lấy dẫn chứng từ việc các kỹ sư Tesla đã nghiên cứu giảm thiểu được một phân đoạn sản xuất từ 200 giây xuống chỉ còn 1 giây.

    Bản thân tôi cũng phải thừa nhận rằng khi khi dự án Gigafactory lần đầu được đề xuất, tôi đã thấy nó khá mơ hồ và viển vông. Rất nhiều người cũng thấy như vậy. Thế nhưng Panasonic hiện đang đầu tư một lượng tiền khổng lồ vào xây dựng dây chuyền sản xuất pin ngay bên trong nhà máy Gigafactory này. Đây chính xác là tình thế “khách thuê và chủ đất” - Panasonic đặt dây chuyền sản xuất ra pin (chiếm một nửa nhà máy), sử dụng cơ sở vật chất, nguyên liệu và nhân lực của Tesla.

    Yoshi Yamada, giám đốc phụ trách của Panasonic luôn có mặt ở đây. Yamada chia sẻ: “3 năm trước, khi kế hoạch Gigafactory được đưa ra, tôi cũng nghĩ là nó quá điên rồ. Vào thời điểm đó, quy mô sản xuất (theo đệ trình) của Gigafactory có thể vượt cả quy mô sản xuất toàn ngành. Không phải chỉ là các công ty Nhật Bản, mà là tất cả các công ty sản xuất pin của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hợp lại. Tôi nghĩ ý tưởng này không khả thi chút nào.”

    Ông tiếp tục: “Thế nhưng tôi đã sai. Sau khi chứng kiến thành công lớn của Model 3 ngay từ lúc mới ra mắt, tôi nhận thấy nhu cầu pin xe điện sẽ tăng mạnh. Chính vì vậy mà giờ đây tôi nghĩ chính tôi của 3 năm về trước mới là điên rồ.”

    Đối với Panasonic, dự án này cũng tối quan trọng. Hầu hết các loại pin lithium-ion này được sản xuất tại Châu Á, và nhà máy này là một ngoại lệ đối với gã khổng lồ Nhật Bản. Khi mà Donald Trump liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của giảm thiểu thâm hụt thương mại cũng như sự suy giảm của nền sản xuất Hoa Kỳ trong chiến dịch tranh cử của mình thì việc ra mắt Gigafactory có lẽ là cực kỳ đúng thời điểm.

    Yamada cho biết “Chúng tôi thực sự muốn đóng góp vào việc xây dựng một thế giới bền vững hơn, đây là ưu tiên số một. Điều thứ hai chúng tôi mong muốn là thay đổi quan hệ đối tác kinh doanh giữa hai công ty: từ người mua – nhà cung cấp sang thành một đội hợp nhất.”

    Dạo quanh nhà máy, tôi có thể thấy hai tầng dây chuyền sản xuất pin được Panasonic sở hữu. Có một vài dây chuyền chạy trên sàn đánh dấu nút giao giữa khu sản xuất của Tesla và Panasonic. Các nguyên liệu thô được đưa vào từ một đầu, chạy qua băng chuyền rồi cho ra các bộ ắc quy đã sẵn sàng được lắp vào bộ pin nguồn của Tesla ở dây băng chuyền tiếp theo.

    Musk chia sẻ: “Gigafactory là nhà máy thú vị nhất thế giới. Nếu bạn thích làm việc tại nhà máy thì chắc chắn bạn sẽ thích chỗ này.”

    Đối với ngành xe điện, Gagafactory có ý nghĩa lớn lao tương tự như dây chuyền của Henry Ford đối với toàn ngành ô tô đúng 1 thế kỷ trước. Đây chính là phiên bản xe điện của nhà máy PC huyền thoại mà Dell lập ra vài chục năm trước đây: đưa nhà sản xuất và dây chuyền cuối cùng vào cùng 1 chỗ giúp tiết giảm chi phí vận chuyển và vận hành kho bãi.

    Các nguyên liệu thô được đưa vào từ đầu phía nam nhà máy và được lắp ráp vào bộ pin nguồn sau khi ra lò từ đầu phía bắc. Toàn bộ quy trình này được 10.000 nhân viên Tesla cùng một đội robot Fanuc điều phối. Tất cả các nguyên liệu thép đều được sản xuất ở Mỹ. Công ty cũng cho biết không có nguyên liệu thép thô nào được nhập từ Trung Quốc.

    Tesla đang đóng vai trò như một nhà thầu chính, muốn tự tập trung vào nâng cấp quy trình sản xuất tổng thể chứ không thuê bên nào làm thay. Các nguyên liệu nhập từ nước ngoài đều được mang ra mổ xẻ kỹ lưỡng để làm tiền đề cho những nhà máy tiếp theo. Khi nhu cầu xe điện tăng mạnh hơn nữa, nhiều nhà máy Gigafactory tương tự khác cũng sẽ được thiết lập, và Musk muốn nâng cấp hết mức hiệu suất cho phiên bản đầu tiên này.

    Mục tiêu cuối cùng của Gigafactory là giảm thiểu tối đa giá thành pin trên mỗi kWh, khiến cho các xe hơi và sản phẩm pin nguồn (bao gồm cả các bộ pin khổng lồ chứa điện dự phòng cho các hộ gia đình và các tòa nhà) của Tesla trở nên phổ cập hơn.

    Ở thời điểm này, Tesla mới chỉ thu hút sự chú ý về các sản phẩm ô tô điện, thế nhưng theo Musk, “các sản phẩm pin nguồn cũng sẽ trở thành mảng kinh doanh bom tấn không kém. Tính về dài hạn, các trạm sạc và sản phẩm pin nguồn sẽ mang về doanh thu ngang ngửa xe điện, thậm chí còn có thể đạt mức tăng trưởng gấp vài lần ngành ô tô hiện nay.”

    Tương tự như SpaceX, Tesla đã dành cả thập kỷ qua cho nỗ lực vươn lên bứt phá. Thật khó để nói trước được điều gì, và bạn cũng có thể dễ dàng cười ngay vào một dự đoán viển vông được đưa ra, thế nhưng đứa con tinh thần từng bị chính tôi cười nhạo của Tesla cũng đã sừng sững ngay trước mắt tôi đây rồi. Gigafactory chính là một phần cuối của chiếc tên lửa mang tên Tesla, và thứ chúng ta vừa chứng kiến chính là những cú thổi chuẩn bị trước ngày khởi phóng.

    Tham khảo The Verge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ