Hãy cân nhắc những điều này trước khi quyết định ghi danh một khóa học code

    Ngocmiz,  

    Học code dường như đang trở thành một xu hướng mới mà rất nhiều người trẻ muốn tham gia, thế nhưng giữa vô vàn các lựa chọn về ngôn ngữ lập trình, bạn nên bắt đầu từ đâu?

    Đây là câu hỏi quen thuộc của những người đang muốn bước chân vào học code, và thường thì có hai hướng tiếp cận đơn giản như sau:

    Hướng thứ nhất là hãy tự hỏi bản thân: Chính xác bạn đang muốn học code để thiết kế ra cái gì? Nếu bạn biết chính xác ứng dụng hay website mình muốn thiết kế rồi thì câu trả lời cho việc bắt đầu từ đâu sẽ rất đơn giản. Chẳng hạn nếu bạn muốn xây dựng ứng dụng cho Mac hoặc iOS thì hãy bắt đầu từ Objective-C hay Swift. Nếu bạn muốn thiết kế ứng dụng Android thì sẽ rất tuyệt nếu bắt đầu từ Java hay Android SDK. Còn nếu bạn muốn tạo một trang web ổn cho công việc kinh doanh của mình thì hãy học HTML5, CSS3, PHP, Wordpress.

    Nếu bạn muốn xây dựng một ứng dụng/phần mềm dịch vụ (Software as a Service – SaaS) thì có lẽ nên khởi động với HTML5 và CSS3, sau đó chuyển sang Ruby và Rails để nhanh chóng cho ra bản prototype (nguyên mẫu ban đầu) sản phẩm. Phần tuyệt vời nhất của hướng tiếp cận này là nó sẽ giúp bạn có động lực hoàn thành tất cả các dự án mà bạn đặt mục tiêu cũng như học một cách có hệ thống hơn. Ví dụ như khi bạn muốn xây dựng một ứng dụng kiểu cơ sở dữ liệu có thể lưu trữ thông tin người dùng thì bạn cần học các nguyên lý về cơ sở dữ liệu, làm thế nào kích hoạt các tính năng xác thực người dùng, cho họ đăng nhập và đăng xuất,… Những phần này đều có thể được tách ra học dần một cách dễ dàng.

    Hướng tiếp cận thứ hai có phần chung chung hơn: Bạn muốn học lập trình có thể chỉ vì tò mò sau khi đọc nhiều về công nghệ hay nghe một người bạn kể về độ ngầu của nó, cũng có thể vì công việc kinh doanh (tại một công ty công nghệ nào đó) yêu cầu bạn phải am hiểu hơn về code và xây dựng sản phẩm. Cho dù bạn có rơi vào trường hợp nào đi nữa thì lời khuyên ở đây là hãy bắt đầu HTML và CSS rồi chuyển sang những ngôn ngữ như Ruby và Python để hiểu những nguyên lý cơ bản của lập trình. Những ngôn ngữ này đều vừa tầm với người mới bắt đầu nhưng cũng có tính ứng dụng cao nếu bạn muốn học sâu hơn về code. Những khái niệm bạn học được trong đó sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp thu được những ngôn ngữ hay công nghệ mới sẽ học trong tương lai.

    Điều quan trọng nhất trong cả hai cách tiếp cận này là hãy đi từng bước để tránh bị bội thực trong một tá ngôn ngữ lập trình và công nghệ mới hiện nay.

    Sẽ có những lúc bạn cảm thấy vô cùng nản chí trước việc học lập trình, và lời khuyên tôi đưa ra là hãy tạm dừng nó, làm việc khác rồi quay lại đối mặt với nó bằng tâm thế thoải mái nhất. Và cũng đừng quên rằng chẳng có lập trình viên nào là người biết tuốt mọi thứ. Càng học sâu bạn sẽ càng thấy các mảng sở trường được phân ra rõ rệt. Chìa khóa ở đây vẫn là khẩu hiệu “Google là người bạn thân thiết nhất”. Bạn hầu như có thể tìm câu trả lời cho hầu hết các thắc mắc của mình trên mạng, đặc biệt là trên các trang cho cộng đồng lập trình viên như StackOverflow.

    Điều cuối cùng, trước khi quyết định ghi danh khóa học code ở một trung tâm nào đó, bạn hãy check các trang học trực tuyến trong danh sách này xem họ có dạy khóa đó không, bởi thường những ngôn ngữ phổ biến như HTML, CSS, Java hay lập trình Android đều có sẵn vô vàn khóa dạy online miễn phí từ các chuyên gia, cho phép bạn chủ động cả về thời gian lẫn tiến độ học.

    Một số khóa học lập trình cơ bản miễn phí trên mạng bạn chỉ cần đăng nhập là có thể bắt đầu học luôn:

    1. Sơ lược về lập trình (Microsoft Virtual Academy)

    2. HTML & CSS cơ bản (Codecademy)

    3. Lập trình PHP (Codecademy)

    4. Lập trình Android cho người mới bắt đầu - tự thay thiết kế ứng dụng Android đầu tiên (Udacity)

    5. Học nền tảng lập trình với Python (Udacity)

    6. Học Ruby cơ bản (Ruby Lang)

    7. Lập trình Java cơ bản (Udacity)

    8. Hướng dẫn sử dụng Git và Github (Udacity)

    9. Series học Wordpress cơ bản (Thachpham blog)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ