Hãy dũng cảm nhìn vào sự thật: Smartphone ngày nay làm gì còn sáng tạo, đột phá nữa!

    Liam,  

    Tôi không thể ngưng cảm giác rằng các nhà sản xuất smartphone đang tìm mọi cách để thổi phồng các "cải tiến" của họ thành "đột phá". Và ở nơi tinh thần sáng tạo đang diễn ra quyết liệt nhất, smartphone chỉ là một phần nhỏ nằm ở ngoài "rìa".

    Cách đây ít lâu, chúng tôi đã gửi tới bạn đọc danh sách các đặc trưng nổi trội của các thương hiệu smartphone Android lớn do Android Authority biên soạn: Samsung, HTC, OPPO, LG, Sony và Huawei. Không biết bạn đọc nghĩ như thế nào, nhưng với tôi, đó thực sự là một danh sách không ấn tượng. Ví dụ điển hình là OPPO: công nghệ sạc nhanh của hãng này được Android Authority coi là thế mạnh lớn nhất.

    Không ai chê sạc nhanh cả. Nhưng khi sạc nhanh trở thành mũi nhọn cạnh tranh của smartphone, có lẽ chúng ta cần nghĩ lại về vai trò của tinh thần sáng tạo trên chiếc điện thoại cảm ứng.

    Thực tế là báo giới công nghệ toàn cầu đang tìm cách ca ngợi những tính năng theo quan điểm cá nhân của tôi là không thực sự đáng để ca ngợi. Nhắc đến "đột phá smartphone", người ta thường nêu ra những tính năng như màn 4K, sạc không dây, thanh toán di động, bảo mật sinh trắc học (mống mắt, khuôn mặt)… Cá biệt, theo như tôi vẫn nhớ, The Verge thậm chí còn gọi các dải camera trên chiếc OPPO R9S có thiết kế "học hỏi" iPhone khá rõ rệt là... đột phá.

    Hãy dừng lại một phút và thực sự suy nghĩ về các tính năng này. Tôi không phủ nhận rằng đó là các tính năng có thể giúp cho trải nghiệm smartphone trở nên hoàn thiện hơn, nhưng nói đến đột phá, theo quan điểm rất riêng của tôi, là nhắc đến một trải nghiệm nào đó rất mới mẻ, gần như thay đổi hoàn toàn về bản chất. Ví dụ, trải nghiệm cinema từ màn hình 2D lên IMAX 3D choáng ngợp có thể coi là đột phá. Trải nghiệm máy tính từ MS-DOS lên Windows là đột phá. Trải nghiệm điện thoại di động, từ những chiếc Nokia nút bấm vật lý lên chiếc iPhone/Android đầu tiên, mới thực sự là đột phá.

    Lý do ư? Điện thoại Nokia ngày trước chủ yếu dùng để nghe gọi. Với sự ra mắt của iPhone và sự bành trướng của Android, chiếc điện thoại di động bỗng dưng được trang bị thêm cả tính năng nghe nhạc, ứng dụng trực quan và web. Nghe gọi và nhắn tin trở thành một phần rất nhỏ trong vai trò của chiếc điện thoại: Steve Jobs đơn giản là đã giúp trải nghiệm di động bùng nổ cả về chiều rộng và chiều sâu.

    Còn những thứ mà chúng ta đang gọi là "đột phá smartphone 2017" chỉ đóng vai trò bổ sung vào trải nghiệm smartphone đã có từ năm 2007. Một lần nữa, tôi không phủ nhận rằng sạc không dây hoặc đăng nhập bằng mống mắt sẽ giúp cho trải nghiệm smartphone trở nên hoàn thiện hơn. Những thứ bạn dùng nhiều nhất trên smartphone, ứng dụng, camera, nhắn tin OTT... phần nhiều là vẫn vậy.

    Ngay đến cả thay đổi được ca ngợi nhiều nhất trên smartphone cao cấp của năm 2017 - màn hình 2:1 của Galaxy S8 và LG G6, cũng không "thần thánh" như tôi tưởng tượng. Về bản chất, kéo dài màn hình thêm một chút sẽ chỉ thay đổi trải nghiệm cũ một chút ít. Màn hình 2:1 không thể biến điện thoại của bạn từ một công cụ liên lạc/chạy ứng dụng/chụp ảnh/Internet trở thành một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ, trước nay chưa từng có.

    Tương lai của những tính năng có thể thực sự tạo ra một trải nghiệm smartphone mới cũng chưa được xác định rõ ràng. Trợ lý ảo hứa hẹn tạo ra một chiếc smartphone thực sự thông minh và giúp ích nhiều hơn cho người dùng, nhưng vẫn chưa thực sự có nhiều người thích nói chuyện với chính chiếc điện thoại của mình. VR và AR (thực tại hỗ trợ) vẫn chưa đạt đến độ chín về đồ họa và mô hình hoạt động, và một lần nữa, người dùng vẫn chưa chấp nhận ý tưởng giao tiếp qua không gian 3D ảo.

    Đáng lo ngại nhất, tất cả những đột phá này đều không phải là dành riêng cho smartphone. Với Amazon Echo, khái niệm trợ lý ảo giọng nói đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trên các thiết bị loa tĩnh - nơi kết nối mạng luôn luôn được đảm bảo, các lo ngại quyền riêng tư cũng được giảm bớt. Với VR và AR, lá cờ đầu đang thuộc về PC. Nhưng nếu như ngay cả một chiếc PC cấu hình "khủng" với GTX 1080 vẫn chưa thể tạo ra trải nghiệm VR giống đời thực, smartphone có bao nhiêu hy vọng?

    Những công bố mới nhất của Microsoft trong sự kiện BUILD 2017 vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho vai trò càng ngày càng mờ nhạt của smartphone. Một công ty đã từng chuyển mình mạnh mẽ từ "di động trên hết, đám mây trên hết" thành "đám mây thông minh, rìa thông minh" rõ ràng là có lý do chính đáng: đám mây thì vẫn còn, nhưng tất cả những đột phá có thể biến công nghệ trở nên thực sự "thông minh" như deep learning, ngôn ngữ tự nhiên và giao diện giọng nói đều không phải là dành riêng cho smartphone hay đám mây. Chiếc smartphone của ngày hôm nay chỉ là một phần nhỏ trong những gì Microsoft gọi là "thiết bị rìa". Trên smartphone hay trên PC, trên xe hơi hay trên lò nướng, trên HoloLens hay trên máy giặt, bạn đều có thể tận hưởng sức mạnh của AI.

    Những gì Microsoft vừa nói chỉ là một sự tổng kết dành cho xu thế tất yếu của AI trong 5 năm qua, của đám mây trong suốt 10 năm qua. Cổ phiếu của NVIDIA, vốn là kẻ thua cuộc đau đớn trên chiến trường di động, liên tục tăng vì Phố Wall bắt đầu nhận ra vai trò khủng khiếp của AI và Big Compute. Tim Cook từ lâu đã nhận ra rằng "AI về bản chất là đi theo chiều ngang, có mặt trên nhiều chủng loại sản phẩm". Google, từng nhiều năm hạn chế trợ lý ảo Now của mình ở mức độ giao diện, bỗng chốc phải ra mắt Assistant cho xứng tầm với Alexa, Siri và Cortana. Đến cả Samsung hàng chục năm phần cứng nay cũng muốn nhảy vào cuộc đua trợ lý ảo.

    Tất cả các động thái này cho thấy các ông lớn công nghệ đều đang chuẩn bị tích cực cho một cuộc cách mạng sẽ biến smartphone trở thành một phần nhỏ trên rìa của hàng triệu, hàng tỷ "Things" trong "Internet of Things" - nơi trái tim thuộc về các bộ AI siêu việt có thể nhân cách hóa trải nghiệm công nghệ.

    Đứng trước cuộc cách mạng ấy, dải ăng-ten mờ mờ của OPPO đáng được gọi là "đột phá"?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày