Hé lộ nội tình bên trong Lazada: CEO, COO... tại cả 6 thị trường hầu như đều đã ra đi, Alibaba đang cố 'cắt lỗ', sẽ có thay đổi quan trọng liên quan tới LazMall
Lazada được cho là sắp có thay đổi quan trọng với LazMall giữa cơn bão tái cấu trúc.
Tờ Techinasia mở đầu bài viết cho biết, nền tảng thương mại điện tử Lazada chào năm 2024 bằng việc cắt giảm nhân sự ở tất cả các quốc gia mà họ có mặt. Theo nguồn tin của Techinasia thì có khoảng 30% tổng số nhân viên đã bị sa thải, trong tổng số 8.000 đến 10.000 nhân sự.
Vậy tiếp theo là gì?
Các nguồn tin của Tech in Asia biết ba điều sẽ xảy ra trước mắt. Đầu tiên là sự hợp nhất giữa LazMall và Marketplace của Lazada. LazMall là một nền tảng được tuyển chọn dành cho các thương hiệu đã được xác minh, trong khi Marketplace là nền tảng miễn phí cho tất cả mọi người. Các nguồn tin giấu tên cho biết họ không thể nói chi tiết, chính xác kết quả cuối cùng sẽ như thế nào, nhưng việc bổ nhiệm Jason Chen làm giám đốc kinh doanh của tập đoàn vào tháng 8 năm ngoái là để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch này.
Thứ hai, một cuộc cải tổ lãnh đạo đang được thực hiện. Theo nguồn tin của Techinasia, Kaya Qin sẽ được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Lazada Malaysia để thay thế Alan Chin, người đã bị sa thải. Qin vốn là COO của tập đoàn và Giám đốc điều hành của chi nhánh tại Việt Nam.
Động thái thứ ba là tập trung hóa. Các nguồn tin nói thêm rằng Lazada sẽ giảm số lượng nhân viên tại mỗi thị trường và số nhân viên còn lại sẽ báo cáo trực tiếp cho văn phòng Singapore và "có trách nhiệm nhiều hơn với Trung Quốc". Cấu trúc cuối cùng của Lazada vẫn chưa rõ vì các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra.
Tại sao Lazada lại thực hiện những động thái này?
Trên sân nhà, Alibaba nhanh chóng mất chỗ đứng trước đối thủ PDD Holdings, công ty đã vượt qua Alibaba về giá trị thị trường.
Ở nước ngoài, Lazada vẫn chưa chiếm được vị trí dẫn đầu thị trường ở Đông Nam Á mặc dù đã nhận được khoản đầu tư 7,4 tỷ USD từ Tập đoàn mẹ Alibaba. Với việc thị trường thương mại điện tử khu vực đạt mức bão hòa, động lực đó khó có thể thay đổi.
Những xu hướng này có thể đã buộc Alibaba phải cắt lỗ và từ bỏ nỗ lực kiếm lợi nhuận ở Đông Nam Á, bảo toàn nguồn lực để bảo vệ sân nhà của mình.
Các nhà phân tích cho rằng việc cắt giảm có thể nhằm mục đích đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn, trước thềm đợt IPO.
"Từ tháng 8 năm ngoái"
Được thành lập vào năm 2012 bởi Rocket Internet, Lazada có mặt tại 6 quốc gia gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam.
Dù khởi đầu sớm nhưng Lazada đã bị Shopee vượt mặt với hàng loạt ưu đãi, giảm giá. Các nhà phân tích cũng dự đoán TikTok Shop sẽ gia tăng sự cạnh tranh sau khi gã khổng lồ truyền thông xã hội Trung Quốc mua lại cổ phần kiểm soát tại Tokopedia của Indonesia.
Các cựu giám đốc điều hành của Lazada đã nói với Techinasia rằng "kể từ tháng 8 năm ngoái", công ty đã tiến hành tái cơ cấu, luân chuyển nhân viên đến các phòng ban khác nhau.
Trong mỗi đợt, một số ít người đã bị sa thải. Loh Wee Lee cũng thôi giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Lazada Singapore vào tháng 8/2023.
Sau đó xuất hiện một làn sóng cắt giảm lớn vào tháng 10/2023. The Edge Singapore đưa tin rằng Lazada Singapore đã hoạt động mà không có bộ phận truyền thông nội bộ kể từ năm ngoái.
Một số người cho biết, dấu hiệu rõ ràng nhất là việc Lazada chấm dứt các chứng từ đồng tài trợ hoặc trợ cấp cho khách hàng. Nguồn tin cho biết thêm, điều này khiến nhiều nhóm thị trường địa phương gặp khó khăn vì họ không thể đưa ra các ưu đãi để lôi kéo khách hàng mua sắm tại Lazada.
Đổi lãnh đạo liên tục
Đây không phải là lần đầu tiên Lazada trải qua những thay đổi về lãnh đạo sau khi được gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba mua lại vào năm 2016. Đồng sáng lập Lazada Maximilian Bittner đã từ chức vào năm 2018 để nhường chỗ cho tỷ phú Trung Quốc Lucy Peng, còn được gọi là Peng Lei. Bà cũng chính là một trong những người sáng lập Alibaba.
Peng giữ chức vụ Giám đốc điều hành của Lazada trong 8 tháng và được kế nhiệm bởi người đồng sáng lập Lazada và cựu COO Pierre Poignant từ tháng 12/2018, trước khi Li Chun, cựu sếp tại PayPal và Alibaba tiếp quản vào tháng 6/2020. James Dong sau đó đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành tập đoàn vào tháng 6/2022.
Việc cắt giảm diễn ra trong bối cảnh có suy đoán rằng chi nhánh thương mại điện tử quốc tế của Alibaba, bao gồm cả Lazada, đang tìm cách niêm yết tại Mỹ trong năm nay. Kế hoạch này được đưa tin lần đầu tiên vào tháng 5/2023.
Hiện không rõ, kế hoạch kể trên có còn tồn tại hay không. Bản thân công ty mẹ Alibaba cũng đã trải qua thời kỳ khó khăn khi giá cổ phiếu của công ty này đã giảm 75% trong 3 năm qua.
Vào tháng 12/2023, PDD Holdings, công ty điều hành trang thương mại điện tử Temu, đã chính thức vượt Alibaba về vốn hóa thị trường.
Một nguồn tin thân cận với ban lãnh đạo của Alibaba gần đây đã nói với The Financial Times rằng việc PDD vượt qua Alibaba "là một lời cảnh tỉnh thực sự cho công ty". Những người trong nội bộ công ty và các nhà phân tích nói thêm rằng Alibaba cho đến nay đã thất bại trong việc tích cực đối đầu các đối thủ mới.
Theo những người trong nội bộ Lazada mà Techinasia trò chuyện, những trở ngại kinh tế ở Đông Nam Á đã góp phần khiến mức chi tiêu của người tiêu dùng trên nền tảng này giảm đi.
Bản thân đối thủ Shopee cũng cắt giảm nhân sự từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2023, ảnh hưởng đến 7.000 việc làm trên toàn thế giới.
Điều đó đã giúp Tập đoàn mẹ Sea Group tạm thời rơi vào tình trạng lãi trước khi báo lỗ vào quý 3 năm 2023 sau khi tích cực quay trở lại lĩnh vực thương mại điện tử. Shopee đã phải ngừng chương trình liên kết với người bán vào tháng 3 năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhà phân tích công nghệ phụ trách các công ty thương mại điện tử trong khu vực cho Techinasia biết rằng việc củng cố tại Lazada có thể chỉ là tạm thời. Họ tin rằng Alibaba chỉ đang hạn chế thua lỗ để đưa ra bảng cân đối kế toán "đẹp" trước thềm IPO.
Sớm hay muộn, Lazada cũng sẽ quay trở lại cuộc đua. Trong khi đó nhân viên của Lazada vẫn đang trong tình trạng lấp lửng. Các nguồn tin cho biết một số người bị sa thải vẫn tiếp tục làm việc trong khi những người còn lại không chắc chắn về những gì diễn ra tiếp theo.
Chưa kể, theo Techinasia, hầu hết các C-Suite (lãnh đạo cấp cao nhất gồm những vị trí như giám đốc điều hành (CEO), giám đốc điều hành (COO), giám đốc tài chính (CFO) và giám đốc thông tin (CIO)) ở mỗi quốc gia đều đã ra đi. Ở một số nước, chẳng hạn như Malaysia, người lãnh đạo cao nhất đang là... giám đốc kinh doanh.
Theo: Techinasia
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI