Hi hữu: Một quốc gia ngắt Internet di động trên toàn quốc, hàng loạt công ty công nghệ thiệt hại
TikTok cũng bị cấm tạm thời tại quốc gia này, bắt đầu từ ngày 2/8.
Nhiều năm qua, các chính phủ trên khắp thế giới đã chỉ trích vai trò của mạng xã hội trong việc truyền bá thông tin sai lệch và kích động bạo lực. Đầu tuần trước, chính phủ Senegal đã áp đặt lệnh cấm tạm thời, bắt đầu từ ngày 2/8 đối với TikTok trên tất cả nhà mạng. Và tiếp đó là lệnh chặn quyền truy cập vào toàn bộ Internet trên thiết bị di động.
Bộ trưởng Truyền thông Senegal - ông Moussa Bocar Thiam cho biết động thái trên nhằm ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin sai lệch của những cá nhân đe dọa gây bất ổn cho quốc gia này.
Mặt khác, việc này đã gây tác động đến đời sống của người dân Senegal. Họ mất quyền truy cập vào những hệ thống di động dùng để thanh toán cho các dịch vụ thiết yếu và cập nhật tin tức.
Ibrahim Diop, một người dẫn chương trình radio 27 tuổi, cho biết việc không có Internet khiến anh không thể nạp tiền vào tài khoản thông qua một tiện ích địa phương.
Trong khi đó, một người phụ nữ tên là Maimouna Sow cho biết cô đi chợ mua hàng cho khách nhưng bị mất kết nối Internet. Việc không thể dùng ứng dụng WhatsApp trên điện thoại khiến cô không liên lạc được với khách hàng. “Tôi đứng giữa chợ và không có cách nào nhắn tin hay gọi điện cho họ”, Sow chia sẻ.
Ngoài ra, cô cũng không thể mua đồ tạp hóa và đổ xăng bằng ví điện tử như trước. Theo Sow, người dân trong khu vực cô sinh sống đang đổ xô đến các cây ATM để rút tiền mặt.
Ở nhiều quốc gia châu Phi, điện thoại thông minh là phương tiện truy cập Internet duy nhất của nhiều người. Các ứng dụng truyền thông xã hội - đặc biệt là TikTok (ứng dụng đang vượt qua Twitter và Facebook về mức độ phổ biến) đã trở thành nguồn cung cấp tin tức chính.
Giám đốc của một công ty viễn thông hoạt động ở Senegal cho biết chính phủ đã ra lệnh cho các công ty ngừng dịch vụ Internet và TikTok từ 8 giờ sáng hôm trước đến 2 giờ sáng hôm sau theo giờ địa phương, chưa rõ thời hạn gỡ bỏ. Thời điểm hiện tại, một số công ty đang yêu cầu được biết khi nào lệnh cấm hết hiệu lực.
Trong khi đó, chủ sở hữu của một công ty công nghệ tài chính ở Dakar - thủ đô của Senegal, cho biết việc ngắt kết nối Internet đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của ông.
Một số công ty phần mềm thanh toán trực tuyến cũng bị ảnh hưởng nhưng họ đã tìm cách để khách hàng có thể sử dụng ứng dụng của mình thông qua các phương tiện khác.
Về phần mình, TikTok và các mạng xã hội khác không đưa ra bình luận liên quan đến vấn đề trên.
Trên thực tế, động thái chặn truy cập Internet của Senegal không phải là không có tiền lệ. Trước đó, chính phủ Ethiopia đã hạn chế quyền truy cập vào một số trang web và Internet trong nhiều năm do sự bất ổn ở một số khu vực.
Theo trang web đánh giá theo dõi dữ liệu ngành Top10VPN, năm ngoái, việc cắt Internet do một số chính phủ thực thi đã dẫn đến thiệt hại kinh tế 261 triệu USD trên khắp khu vực châu Phi cận Sahara, bao gồm cả Senegal và ảnh hưởng đến 132,2 triệu người dùng Internet trong khu vực.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"