Hiện đại hại điện? iPhone X bị nghi ngờ khiến người dùng nhức đầu, mỏi mắt vì ứng dụng công nghệ mới

    Tấn Minh,  

    Chiếc iPhone X mới của Apple bị nghi ngờ làm người dùng đau đầu và mỏi mắt bởi ứng dụng công nghệ Pulse Width Modulation (PWM) - làm màn hình nháy ở các tần số khác nhau dựa trên độ sáng.

    Thực ra, công nghệ PWM đã gây ra những vấn đề tương tự đối với một số người dùng nhạy cảm cách đây không lâu, nhưng đây lại là lần đầu tiên những người dùng iPhone X cho biết họ bị "mỏi mắt, đau đầu và đau nhói đằng sau mắt".

    Cụ thể, một bài đăng trên Reddit đã kêu gọi Apple cần thêm vào một tuỳ chọn trong phần Accessibility để người dùng có thể tắt PWM đi. Nếu chưa rõ PWM là thế nào, bạn có thể xem qua hai đoạn video dưới đây để thấy được sự khác biệt giữa iPhone X (có công nghệ PWM) và iPhone 8 (không có công nghệ này), được quay lại bằng một camera chuyển động chậm (slow-mo):

    PWM trên iPhone X

    PWM trên iPhone 8 Plus (không thấy được)

    "Chiếc iPhone X nháy rất nhiều, dù đáng lẽ điều này không thể nhận biết được đối với mắt của con người, nhưng đối với một số người dùng thì sự nhấp nháy này lại có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khoẻ. Dù có thể nhận biết được hay không thì nó cũng không tốt cho mắt, đặc biệt trong nhiều giờ sử dụng mỗi ngày" - bài viết trên Reddit cho biết.

    Dù công nghệ PWM được ứng dụng ở cấp độ phần cứng, và Apple chắc chắn sẽ không thể tắt nó đi hoàn toàn được, công ty này ít nhất cũng nên giảm bớt hiệu ứng nó gây ra cho những người dùng đang gặp vấn đề về sức khoẻ bằng cách điều chỉnh lại chế độ tối lại của màn hình LED.

    PWM cũng gây ra các vấn đề trên MacBook Pro

    Dù các khách hàng chỉ cho biết vấn đề trên iPhone X, PWM cũng là nguyên nhân của các vấn đề tương tự đối với khách hàng của Apple từ năm 2008 đến nay.

    Một cuộc thảo luận trên diễn đàn hỗ trợ của Apple, với hơn 164 trang, cho biết người dùng bị đau đầu và mỏi mắt sau khi sử dụng MacBook Pro trong khoảng thời gian từ 15-20 phút, tức là ít hơn thời gian sử dụng iPhone X rất nhiều.

    "Tôi mua một chiếc MacBook Pro 15-inch mới vào ngày 4/11, dùng máy cả buổi tối, và chỉ sau 10 phút thực sự nhìn vào màn hình máy vào ngày 5/11, tôi bắt đầu có triệu chứng say tàu xe nghiêm trọng. Trong vòng 30 phút sau đó, mắt tôi rất mỏi. Tôi cố giải quyết vấn đề nhưng hoàn toàn không được gì" - một người dùng đã nói như vậy.

    Vậy chính xác thì PWM là gì và tại sao nó gây ra các vấn đề sức khoẻ?

    Đầu tiên và trước hết, cần nhấn mạnh rằng chỉ một số ít khách hàng cho biết họ bị đau đầu, mỏi mắt, và các triệu chứng tương tự, bởi thông thường, mắt người không thể phát hiện ra sự nháy màn hình do PWM tạo ra.

    Nói một cách ngắn gọn, PWM mô phỏng một điện áp tương tự (analog) nhưng theo phương thức kỹ thuật số (digital), và nhiệm vụ chính của nó là làm tối bớt ánh sáng phát ra từ màn hình. Các mạch điều khiển tín hiệu kỹ thuật số chủ yếu được sử dụng trên smartphone bởi chúng nhỏ hơn và rẻ hơn, và để mang lại những kết quả như một mạch điều khiển tương tự (analog) thì phải cần đến PWM.

    Sự nháy màn hình được dùng như một phần trong cả một tiến trình phức tạp nhằm đo tần số, tính toán độ sáng, và làm tối màn hình. Tiến trình này được cho là không thể bị phát hiện bởi mắt thường. Những người nhạy cảm hơn (hay xui xẻo hơn) là có thể phát hiện ra sự nháy này, và tất nhiên nó khiến họ đau đầu, mỏi mắt.

    Apple không phải là công ty duy nhất dựa vào PWM để giúp các thiết bị tự động điều chỉnh độ sáng. Vấn đề tương tự đã xuất hiện trên nhiều thiết bị khác, như dòng Galaxy S của Samsung và Google Pixel. Đối với các điện thoại Android thì người dùng có thể tắt PWM thông qua phần mềm sau khi đã root máy.

    Apple vẫn chưa đưa ra bình luận gì về hậu quả của PWM đối với người dùng iPhone X, nhưng nếu bạn dùng iPhone X và gặp phải vấn đề này, bạn có thể mang máy đến Apple Store để được đổi lấy...iPhone 8 vốn không có PWM!

    Tham khảo: Softpedia

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ