Hiện tượng kỳ lạ khiến các bác sĩ bối rối: Thiếu niên 17 tuổi đột nhiên quên tiếng mẹ đẻ sau khi phẫu thuật đầu gối

    Đức Khương,  

    Một trường hợp y khoa hiếm gặp vừa được ghi nhận tại Hà Lan khi một thiếu niên 17 tuổi sau ca phẫu thuật đầu gối đã hoàn toàn quên mất tiếng mẹ đẻ và chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh dù trước đó cậu chỉ được học ngôn ngữ này trong các lớp học tại trường.

    Hiện tượng này được xác định là hội chứng ngoại ngữ (Foreign Language Syndrome – FLS), một tình trạng cực kỳ hiếm hoi trong lịch sử y học. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận ở một thanh thiếu niên, khiến giới chuyên môn vô cùng ngạc nhiên và chưa thể lý giải đầy đủ nguyên nhân.

    Hiện tượng kỳ lạ khiến các bác sĩ bối rối: Thiếu niên 17 tuổi đột nhiên quên tiếng mẹ đẻ sau khi phẫu thuật đầu gối- Ảnh 1.

    Cậu bé này đã gặp chấn thương khi chơi bóng đá và được đưa vào bệnh viện để tiến hành phẫu thuật đầu gối. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, nhưng ngay khi tỉnh dậy sau gây mê, cậu đã khiến tất cả mọi người có mặt trong phòng bệnh phải kinh ngạc.

    Cậu không nhận ra cha mẹ mình đồng thời tin rằng mình đang ở Mỹ và chỉ có thể nói tiếng Anh, thứ ngôn ngữ mà cậu chỉ học trong trường học và chưa từng sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

    Báo cáo y khoa cho biết, trước đó bệnh nhân chỉ sử dụng tiếng Hà Lan trong giao tiếp hàng ngày, kể cả vào buổi sáng trước khi bước vào phòng phẫu thuật. Việc bỗng nhiên mất khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ ngay sau khi tỉnh dậy đã khiến các bác sĩ nghi ngờ đây có thể là một trường hợp mê sảng hậu phẫu – trạng thái rối loạn ý thức tạm thời xảy ra khi bệnh nhân mới tỉnh dậy sau khi gây mê.

    Tuy nhiên, tình trạng này thường chỉ kéo dài trong vòng 30 phút đến vài giờ, trong khi trường hợp của cậu bé này vẫn tiếp tục ngay cả khi đã tỉnh táo hoàn toàn.

    Hiện tượng kỳ lạ khiến các bác sĩ bối rối: Thiếu niên 17 tuổi đột nhiên quên tiếng mẹ đẻ sau khi phẫu thuật đầu gối- Ảnh 2.

    Khi hiện tượng này kéo dài, đội ngũ y tế quyết định mời các chuyên gia tâm thần vào cuộc để đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Khi được đặt câu hỏi bằng tiếng Hà Lan, cậu bé tỏ ra bối rối, không thể hiểu hoặc không thể phản hồi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng khi được hỏi bằng tiếng Anh, cậu trả lời trôi chảy nhưng với giọng điệu mang âm sắc của tiếng Hà Lan.

    Sau nhiều giờ, cậu dần hiểu được một số câu hỏi bằng tiếng Hà Lan nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi cố gắng nói bằng tiếng mẹ đẻ.

    Vì hội chứng này thường liên quan đến tổn thương não, đột quỵ, chấn thương đầu hoặc đau nửa đầu nghiêm trọng, nên các bác sĩ quyết định tiến hành một loạt các xét nghiệm thần kinh để xác định nguyên nhân của hiện tượng kỳ lạ này.

    Tuy nhiên, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) và các xét nghiệm khác đều cho thấy bộ não của cậu bé hoàn toàn bình thường, không có bất kỳ dấu hiệu tổn thương nào.

    Đây là điều khiến các chuyên gia vô cùng bối rối, vì hầu hết các trường hợp FLS trước đây đều liên quan đến các tổn thương não rõ rệt, nhưng ở bệnh nhân này, mọi chỉ số thần kinh đều không có dấu hiệu bất thường.

    Hiện tượng kỳ lạ khiến các bác sĩ bối rối: Thiếu niên 17 tuổi đột nhiên quên tiếng mẹ đẻ sau khi phẫu thuật đầu gối- Ảnh 3.

    Sau khoảng 18 giờ, bệnh nhân bắt đầu hiểu tiếng Hà Lan trở lại, mặc dù vẫn còn khá khó khăn trong việc phản hồi bằng ngôn ngữ mẹ đẻ.

    Khoảng 24 giờ sau ca phẫu thuật, khi bạn bè đến thăm, cậu đã có thể giao tiếp lại bằng tiếng Hà Lan một cách tự nhiên.

    Đến ngày hôm sau, cậu hoàn toàn hồi phục khả năng ngôn ngữ và được xuất viện trong trạng thái sức khỏe bình thường. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào của tổn thương thần kinh hoặc rối loạn nhận thức, vì vậy họ quyết định không tiến hành thêm các xét nghiệm thần kinh chuyên sâu như điện não đồ (EEG) hay kiểm tra tâm lý thần kinh.

    Điều khiến các bác sĩ càng kinh ngạc hơn là bệnh nhân nhớ rõ từng chi tiết trong khoảng thời gian bị mất khả năng sử dụng tiếng Hà Lan. Trong buổi kiểm tra tâm lý sau đó, cậu kể lại rằng mình nhận thức được việc chỉ có thể hiểu và nói tiếng Anh sau phẫu thuật, đồng thời cũng nhớ rằng đã không thể nhận ra cha mẹ mình và tin rằng mình đang ở Mỹ.

    Đây là một điều rất khác thường, bởi những bệnh nhân gặp rối loạn ngôn ngữ thường không có khả năng nhận thức rõ ràng về tình trạng của mình trong lúc xảy ra sự cố.

    Hiện tượng kỳ lạ khiến các bác sĩ bối rối: Thiếu niên 17 tuổi đột nhiên quên tiếng mẹ đẻ sau khi phẫu thuật đầu gối- Ảnh 4.

    Trường hợp của cậu bé 17 tuổi này là một minh chứng cho sự phức tạp đáng kinh ngạc của não bộ con người, cho thấy rằng vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu hết về cách thức hoạt động của ngôn ngữ và trí nhớ.

    Ba tuần sau khi phẫu thuật, cậu bé tiếp tục được theo dõi và cho thấy hoàn toàn không có vấn đề gì về khả năng ngôn ngữ. Cậu đã trở lại với cuộc sống bình thường mà không gặp bất kỳ di chứng nào. Dù vậy, trường hợp của cậu vẫn là một ẩn số đối với giới y học.

    Theo đó, một số giả thuyết được đưa ra để lý giải hiện tượng này, bao gồm khả năng tác động của thuốc mê, căng thẳng sau phẫu thuật hoặc rối loạn thần kinh chức năng có thể đã kích hoạt những ký ức ngôn ngữ tiềm thức trong não bộ.

    Tuy nhiên, cho đến nay, không có giả thuyết nào thực sự giải thích được đầy đủ lý do tại sao cậu bé lại tạm thời quên tiếng mẹ đẻ và chỉ có thể sử dụng tiếng Anh một cách trôi chảy.

    Mặc dù trường hợp này không để lại hậu quả lâu dài đối với bệnh nhân, nhưng nó vẫn là một bí ẩn y học lớn, đặt ra những câu hỏi thú vị về cách bộ não xử lý ngôn ngữ và khả năng lưu trữ thông tin trong tiềm thức.

    Hội chứng ngoại ngữ (FLS) là một hiện tượng cực kỳ hiếm gặp, trong đó một người đột nhiên mất khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và chỉ có thể nói một ngoại ngữ mà họ từng tiếp xúc trước đó.

    Hầu hết các trường hợp trước đây đều có liên quan đến tổn thương não do đột quỵ, chấn thương hoặc các bệnh lý thần kinh nghiêm trọng.

    Trước đây, từng có những trường hợp bệnh nhân đột nhiên nói một ngôn ngữ khác sau khi trải qua tai nạn hoặc bệnh lý thần kinh, như một người phụ nữ Anh sau đột quỵ bỗng nói tiếng Trung Quốc dù chưa từng học qua, hay một người Mỹ tỉnh dậy sau một tai nạn và chỉ nói tiếng Pháp.

    Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều có dấu hiệu tổn thương não rõ ràng. Trong khi đó, trường hợp của thiếu niên Hà Lan này lại không có bất kỳ tổn thương nào, khiến nó trở thành một bí ẩn đặc biệt đối với y học hiện đại.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày