Hiện tượng lạ: Bỏ hàng triệu USD mua những clip hoàn toàn có thể xem miễn phí trên mạng, mong đổi đời nhờ sở hữu "hàng hiếm"
Cơn sốt sưu tập các vật phẩm kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến. Mới đây, 1 clip được tạo ra bởi nghệ sĩ có tên Beeple, người mà tên thật là Mike Winkelmann, đã được mua với giá lên tới 6,6 triệu USD dù nó chỉ dài 10 giây.
Từ các tác phẩm nghệ thuật cho đến những tấm thẻ sports trading cards, trên thế giới đang xuất hiện 1 làn sóng sưu tập các đồ vật ảo nhưng lại khiến người ta chịu rút hầu bao để chi hàng triệu USD.
Cơn sốt sưu tập các vật phẩm kỹ thuật số đang ngày càng phổ biến. Mới đây, 1 clip được tạo ra bởi nghệ sĩ có tên Beeple, người mà tên thật là Mike Winkelmann, đã được mua với giá lên tới 6,6 triệu USD dù nó chỉ dài 10 giây. Một trong số hàng nghìn avatar trong bộ ảnh meme CryptoPunks cũng được bán với giá tận 2 triệu USD.
Đây là những ví dụ điển hình nhất cho NFT (non-fungible tokens, tạm dịch là các token không thể thay thế), 1 dạng thức mới của tài sản kỹ thuật số và đang trở thành cơn sốt trong thế giới tiền số. Những người ủng hộ NFT cho rằng chúng giúp giải quyết 1 vấn đề lớn trên Internet: các nghệ sĩ đang không được trả tiền khi các nội dung mà họ sáng tạo ra được sử dụng tràn lan trên Internet. Nhưng cùng lúc đó những người phản đối cơn sốt NFT cảnh báo đây là 1 bong bóng đầu cơ mới sẽ sớm lụi tàn.
Vậy thì chính xác NFT là gì? Tại sao đột nhiên chúng lại được bán với giá hàng triệu USD?
NFT là gì?
NFT là 1 loại tài sản kỹ thuật số mới. Quyền sở hữu các tài sản này sẽ được ghi lại bằng công nghệ blockchain, trên 1 sổ cái có cơ chế hoạt động tương tự như mạng lưới hỗ trợ bitcoin và những đồng tiền số khác.
Tuy nhiên không giống với hầu hết các đồng tiền số, bạn không thể mua bán trao đổi các NFT theo cách giống hệt như trao đổi đồng USD hoặc các thỏi vàng. Mỗi NFT là độc nhất và ngay từ thiết kế ban đầu đã khiến chúng không thể sao chép và trở nên khan hiếm.
Bạn có thể tưởng tượng NFT là phiên bản kỹ thuật số của các vật phẩm hiếm trong các bộ sưu tập.
Internet giúp cho bất kỳ ai cũng có thể xem các bức ảnh, video và nghe các bài hát miễn phí trên mạng. Những người mua các NFT tin rằng họ sẽ tuyệt đối chứng minh được quyền sở hữu của mình đối với 1 vật phẩm ảo nhờ công nghệ blockchain.
NBA Top Shot, 1 nền tảng gắn liền với giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, cho phép người dùng mua và bán những clip ngắn tóm tắt những trận đấu của các cầu thủ nổi tiếng. NBA bán bản quyền cho Dapper Labs, 1 startup sản xuất ra những đoạn clip với số lượng hạn chế để tạo tính khan hiếm. Theo CryptoSlam, NBA Top Shot đã có doanh thu hơn 280 triệu USD tính đến thời điểm hiện tại. Dapper Labs được chia hoa hồng trên mỗi giao dịch trong khi NBA thu về tiền bản quyền.
Bóng rổ không phải là môn thể thao duy nhất tham gia "phong trào" này. Sorare là 1 startup của Pháp cho phép người dùng sưu tập và sử dụng những tấm thẻ bóng đá được cấp bản quyền chính thức trong các trò chơi. Công ty đã tạo ra doanh thu hơn 22 triệu USD và tuần trước vừa huy động được 50 triệu USD từ các nhà đầu tư trong đó có Alexis Ohanian, nhà sáng lập mạng xã hội Reddit.
Theo Lars Rensing, CEO của công ty hoạt động trong lĩnh vực blockchain Protokol, các thẻ bài và những vật phẩm sưu tầm vẫn luôn là nguồn doanh thu quan trọng của các câu lạc bộ thể thao.
Vì sao NFT lại trở nên phổ biến?
Đại dịch Covid-19 đóng vai trò quan trọng trong cơn sốt NFT. Trong năm ngoái, tổng giá trị các giao dịch NFT đã tăng gấp 4, lên 250 triệu USD. Các đợt phong tỏa khiến người ta dành nhiều thời gian lên mạng hơn và cũng tiết kiệm được nhiều chi phí. Động lực của làn sóng này cũng tương tự như sự trỗi dậy của các nhà đầu tư cá nhân trên phố Wall.
Cùng lúc đó bitcoin, ether và những đồng tiền số khác đã tăng giá quá mạnh và giảm bớt cơ hội tiếp cận thị trường tiền số của những người mới. Tháng trước giá trị thị trường của bitcoin đã vượt mốc 1.000 tỷ USD.
Những hoài nghi
Nhiều nhà đầu tư mua NFT và coi chúng như 1 tài sản đầu cơ với hi vọng rằng có thể bán lại chúng với giá cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người muốn giữ chúng dài hạn, coi là các bộ sưu tập thật sự.
"Giống như bất kỳ cơn sốt nào trong giới công nghệ, chúng ta sẽ bắt đầu bằng hoạt động đầu cơ và thường thì chính những cơn sốt đó sẽ là tiền đề cho các giá trị cơ bản", Nadya Ivanova, COO của L’Atelier nói với CNBC. "NFT bắt đầu từ năm 2017, và đến 2020 thị trường đã trưởng thành hơn".
NFT cũng thu hút cả những người nổi tiếng như Mark Cuban, Lindsay Lohan và Gary Vaynerchuk. Mọi người cũng khám phá ra những công dụng mới của NFT, ví dụ như bất động sản ảo và trong các trò chơi điện tử.
Nhiều người so sánh cơn sốt NFT hiện nay với cơn sốt ICO năm 2017 mà cuối cùng thì bong bóng sẽ vỡ. Tất nhiên những công ty đứng sau các tài sản kỹ thuật số này không đồng tình. "Tôi nghĩ rằng 99% các dự án sẽ không còn tồn tại trong 2-3 năm nữa, tương tự như đợt bùng nổ ICO trước đây", WhaleShark nói.
Nhiều NFT được định giá bằng đồng ether. Tháng trước đồng tiền này đã lập kỷ lục hơn 2.000 USD trước khi lao dốc xuống còn khoảng 600 USD chỉ vài ngày sau đó.
Tham khảo CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"