Hiệp hội truyền hình phẫn nộ khi K+ đòi "đánh lẻ" mua bản quyền Ngoại hạng Anh

    PV,  

    Sau khi K+ chính thức đề nghị Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) để cho K+ tự đàm phán để mua bản quyền Ngoại hạng Anh theo cách riêng của mình, VNPayTV đã gửi văn bản phản ứng lại và cho hay một số thành viên của Hiệp hội đã rất thất vọng, thậm chí phẫn nộ vì lời đề nghị của K+.

     K lại tiếp tục lên tiếng muốn tự đàm phán mua bản quyền Ngoại hạnh Anh.

    K lại tiếp tục lên tiếng muốn tự đàm phán mua bản quyền Ngoại hạnh Anh.

    Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), Hiệp hội đã gửi công văn cho MP&Silva lần thứ 3 để khẳng định lại ý chí và quyết tâm của các đơn vị hoạt động truyền hình trả tiền Việt Nam muốn được sử dụng và khai thác bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016 – 2019, giữ nguyên cam kết ban đầu là: Không mua với giá cao hơn 20% so với mức giá của các mùa giải 2013-2016. Đồng thời, Ban đàm phán của Việt Nam sẽ mua toàn bộ những trận đấu của Giải Ngoại hạng Anh (không có bất cứ hình thức độc quyền nào). Ban đàm phán sẽ là đại diện duy nhất của Việt Nam đàm phán với MP&Silva.

    VNPayTV cũng đề nghị MP&Silva thông báo kế hoạch và nội dung đàm phán trước ngày 10/4/2016 để các đơn vị chủ động kế hoạch khai thác các chương trình thể thao khác.

    Trước đó, VNPayTV cũng đã hai lần gửi văn bản đề nghị MP&Silva gặp gỡ, trao đổi về vấn đề mua bản quyền phát sóng Ngoại hạng Anh. MP&Silva đều có văn bản trả lời và hẹn sẽ sớm sang Việt Nam để làm việc với VNPayTV, tuy nhiên đến nay vẫn chưa sang.

    “Hiện cả hai bên vẫn trong giai đoạn câu giờ, bởi vì thời gian cũng chưa gấp lắm, mùa giải mới còn 4-5 tháng nữa mới bắt đầu. Với một món hàng mà chỉ có một người bán và một người mua thì cũng chả có gì phải sốt sắng. Trước sau họ cũng phải bán, vấn đề là bán với mức giá nào mà thôi”, một lãnh đạo của VNPayTV phát biểu.

    Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPayTV, Trưởng Ban đàm phán cũng khẳng định với ICTnews: “Năm nay lần đầu tiên VNPayTV đại diện cho các đơn vị truyền hình Việt Nam đứng ra đàm phán, do đó VNPayTV quyết tâm thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của cơ quan nhà nước, sẽ kiên quyết không mua độc quyền Ngoại hạng Anh. Nếu trong trường hợp đối tác không đồng ý bán theo đề nghị của Ban đàm phán, nhiều khả năng khán giả Việt Nam sẽ bỏ một mùa bóng đá Anh cũng không sao”.

    Ban đàm phán mua bản quyền giải bóng đá ngoại hạnh Anh mùa giải 2016 – 2019 được thành lập vào ngày 4/12/2015, bao gồm đại diện của 11 đơn vị: VTV, VTC, VTVcab, Truyền hình cáp Hà Nội, VTC Digital, SCTV, VSTV, AVG, VNPT Media, Viettel Telecom, FPT Telecom, do ông Lê Đình Cường làm Trưởng ban.

    Tuy nhiên, trong một diễn biến mới đây nhất, vào ngày 22/3/2016, ông Jacques-Aymar De Roquefeuil, Phó Tổng giám đốc K đã ký văn bản gửi VNPayTV. Trong văn bản này, K gần như đề nghị VNPayTV giải tán Ban đàm phán để K cũng như các đơn vị khác tự đàm phán với MP&Silva để mua bản quyền theo cách riêng của mình. Vào ngày 31/3/2016, một lần nữa K đã gửi văn bản cho VNPayTV khẳng định lại lời đề nghị này.

    Lời đề nghị này của K đã khiến VNPayTV hết sức bất ngờ và thất vọng. Trong văn bản trả lời K vào ngày 28/3/2016 do ông Lê Đình Cường ký, VNPayTV cho hay, sau khi biết thông tin K muốn rút khỏi Ban đàm phán, một số thành viên của Ban đàm phán đã tỏ ra hết sức phẫn nộ và cho rằng đây là điều đã dự đoán trước, rằng K sẽ muốn làm theo kịch bản đã diễn ra trong hai mùa giải trước đây.

    VNPayTV cũng thẳng thắn chỉ trích K đã 6 năm liền tìm mọi cách để độc quyền những trận đấu quan trọng của ngoại hạng Anh. Chính điều này đã đẩy giá bản quyền Ngoại hạnh Anh ở Việt Nam lên cao chót vót như hiện nay.

    “K muốn rút khỏi Ban đàm phán sẽ khiến đối tác nước ngoài có hy vọng sẽ bán bản quyền với giá cao và phá vỡ sự đoàn kết mà các doanh nghiệp truyền hình đã và đang quyết tâm thực hiện”, một lãnh đạo của VNPayTV cũng cho hay.

    Tuy nhiên, đại diện K cho rằng, với những giải đấu mang tính chất quảng bá như World Cup, Euro hay Olympic cần được phát quảng bá rộng rãi tới số đông khán giả. Nhưng Ngoại hạng Anh là một giải đấu mang tính thương mại và một thông lệ quốc tế chung trên thị trường là những đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền sẽ đầu tư mua bản quyền (độc quyền hay không độc quyền) phù hợp chiến lược kinh doanh của mình. Chính vì vậy việc hợp tác mua bán, phân phối bản quyền cần tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

    “Việc phân phối lại bản quyền cần tôn trọng nhu cầu của từng đơn vị vì mỗi đơn vị có chiến lược kinh doanh riêng như: nội dung độc đáo, khác biệt hay nội dung bình dân hướng tới thu quảng cáo hoặc tích hợp với dịch vụ viễn thông”, đại diện K cho hay.

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ