Hiểu đúng về mua hàng trả góp 0%: có thật là người mua hàng được lợi không? Vậy người ta kiếm tiền kiểu gì?
Tóm tắt cho những bạn nào lười đọc: trả góp 0% lãi suất là có thật, nhưng cái gì cũng có giá của nó cả!
Hiện nay, với nhiều người thì "trả góp 0% lãi suất", "trả góp 0%, trả trước 0 đồng"…. là những cụm từ không còn xa lạ nữa. Đây là một trong những hình thức mua hàng phổ biến khi chúng ta muốn sở hữu những vật phẩm có giá trị cao như điện thoại, xe máy, bất động sản… mà trong tay chưa có đủ tiền. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi: trả góp 0% là gì? Tại sao người ta lại cho trả góp 0%? Họ sẽ được lợi gì khi cho chúng ta mua nợ? Liệu có cạm bẫy gì núp bóng phía sau hay không? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu qua loạt bài viết này nhé.
Trả góp 0% là gì?
Đúng như tên gọi, trả góp 0% được hiểu là khách hàng mua sắm theo hình thức trả góp và không bị tính lãi suất. Về bản chất, đây là một hình thức khuyến mãi nhằm kích cầu mua sắm và các bạn phải luôn nhớ rằng: Nhà bán lẻ không phải là người cho bạn mua trả góp mà họ sẽ hợp tác với phía ngân hàng hoặc công ty tài chính nào đó (sau đây gọi là tổ chức tài chính) để đưa ra chương trình trả góp 0% thay cho các chương trình khuyến mãi khác như quà tặng, giảm giá… Theo đó thì tổ chức tài chính này sẽ bỏ tiền ra trả cho cửa hàng thay cho bạn khi mua trả góp, và sau đó thu tiền từ bạn mỗi tháng để bù lại.
Các tổ chức tài chính mới là người bỏ tiền ra cho bạn mua hàng trả góp
Nói một cách ngắn gọn thì không phải nhà bán lẻ cho bạn mua trả góp hay mua nợ mà chính là tổ chức tài chính liên kết với nó.
Ai được lợi khi giúp bạn mua trả góp 0%?
Mọi thứ trên đời này đều có giá của nó, nhất là trong kinh doanh thì chẳng có ai sẵn sàng cho không người khác cái gì hết! Việc các tổ chức tài chính bỏ tiền ra cho bạn vay mua sắm cũng là nhằm mục đích thu về lợi nhuận mà thôi, và phần lợi nhuận lại này đến từ chính các nhà bán lẻ.
Một số chương trình khuyến mãi sẽ không sử dụng được với hình thức mua hàng trả góp
Nếu để ý một chút thì các bạn sẽ thấy những chương trình giảm giá, khuyến mãi hay quà tặng sẽ không được áp dụng khi mua hàng trả góp. Chúng ta hãy cùng làm một bài toán cấp 1 đơn giản qua ví dụ dưới đây:
Nhà bán lẻ nhập một chiếc điện thoại với giá 19 triệu, bán ra với giá 21 triệu (chênh 2 triệu) nhưng làm khuyến mãi và giảm giá cho khách hàng 1 triệu dưới dạng voucher hoặc trừ quà. Như vậy, nhà bán lẻ sẽ thu về 20 triệu và vẫn lãi 1 triệu. Vậy nhưng số người sẵn sàng bỏ ngay ra khoản tiền lớn như vậy một lúc để rinh về một chiếc điện thoại là không nhiều. Cứ cho là một ngày có 3 khách A, B, C như vậy thì sức mua cũng không cao.
Số tiền lãi mà nhà bán lẻ thu về sẽ là (21-1-19)*3=3 triệu.
Sau đó, nhà bán lẻ bắt tay với tổ chức tài chính và đưa ra thêm lựa chọn mua trả góp 0%. Nhà bán lẻ vẫn bán chiếc điện thoại đó với giá 21 triệu (chênh 2 triệu), nhưng bạn mua trả góp thì sẽ không được nhận khuyến mãi và quà tặng.
Nhờ có trả góp 0% mà nhiều người sẽ có cơ hội sở hữu sản phẩm mơ ước hơn
Từ số tiền chênh 2 triệu kia nhà bán lẻ sẽ trích ra 1 triệu cho tổ chức tài chính. Như vậy, nhà bán lẻ vẫn thu về 20 triệu, nhưng lượng khách mua hàng sẽ nhiều hơn nhờ có chương trình trả góp, tức là doanh số và doanh thu của nhà bán lẻ sẽ tăng. Ngoài 3 anh đại gia A, B, C như trường hợp đầu thì nay bạn sinh viên trẻ D với số tiền dành dụm được 7 triệu từ việc dạy thêm và cô môi giới bất động sản E cũng có thể mua chiếc điện thoại này, và dù hàng tháng họ sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn một chút để thanh toán tiền trả góp, nhưng niềm vui khi được sử dụng chiếc điện thoại đời mới vừa ra mắt là không thể diễn tả bằng lời.
Số tiền lãi mà nhà bán lẻ thu về trong chương trình trả góp 0% sẽ là (21-19-1)*5=5 triệu.
Vì sao trả góp 0% nghe hấp dẫn hơn trả góp thông thường?
Với hình thức mua hàng trả góp thông thường thì mỗi tháng bạn sẽ phải trả thêm cả tiền lãi. Tiền lãi này chính là tỷ suất sinh lợi của tổ chức tài chính đã bỏ tiền ra cho bạn vay để mua hàng.
Lãi suất hàng tháng rơi vào khoảng từ 2,5% đến 3,5%, mới nghe qua thì cũng không đáng kể nhưng khi tính theo năm thì sẽ là con số khủng: từ 30 đến hơn 40%, như vậy là cao hơn gấp nhiều lần so với vay ngân hàng (cỡ trên dưới 11%/năm). Ví dụ bạn mua một chiếc điện thoại giá 20 triệu, trả trước khoảng 7 triệu và còn nợ 13 triệu trả góp. Như vậy đến lúc trả xong (12 tháng) thì số tiền bạn phải trả thêm so với giá gốc có thể lên tới 2 - 3 triệu đồng nữa.
Vậy còn hình thức mua trả góp 0% thì sao?
Xuất phát từ tâm lý dè chừng của người mua hàng vì số tiền lãi tương đối lớn khi trả góp có lãi, các tổ chức tín dụng đã đưa ra hình thức ưu đãi mới là trả góp 0%.
Từ bảng trên rất dễ để nhận thấy người tiêu dùng sẽ được lợi hơn rất nhiều khi mua hàng, thậm chí có thể tiết kiệm được tới cả triệu đồng.
Tuy vậy, chẳng bao giờ có chuyện các tổ chức tài chính bỏ tiền ra giúp bạn mà họ không thu được lợi về, tức là trả góp 0% không đồng nghĩa với việc không bị đội thêm tiền so với giá gốc.
Mặc dù bạn sẽ không phải chịu lãi suất nhưng vẫn phải trả trước một phần giá trị sản phẩm, số tiền còn lại sẽ được chia theo mỗi tháng tùy theo kỳ hạn để trả. Ngoài ra, người mua hàng cũng phải trả thêm một số khoản phí khi trả góp 0%, đó có thể là tiền phí thu hộ, tiền phí bảo hiểm hoặc phí chuyển đổi trả góp.
Chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về các loại phí này qua bài kỳ sau nhé!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời