Hiểu tất tần tật 'vụ Phó Chủ tịch Samsung bị bắt' chỉ trong 5 phút

    Băng Tâm, Theo Thời Đại 

    Vậy vụ việc của Samsung là như thế nào khi một tập đoàn hùng mạnh như vậy lại vướng phải các bê bối này?

    Mới đây, tuyên bố chính thức của Tòa án quận trung tâm Seoul về việc bắt tạm giam Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung , ông Lee Jea Yong đã tạo ra cơn địa chấn trong làng chính trị cũng như kinh tế của Hàn Quốc. Không những vậy, thông tin trên còn gây chú ý trên toàn thế giới, nhất là các quốc gia có tham gia chuỗi sản xuất của tập đoàn này như Việt Nam.

    Sở dĩ thông tin này gây chấn động bởi đây có thể là một tín hiệu của tòa án hàn Quốc trong việc bật đèn xanh truy tố các cáo buộc tham nhũng, hối lộ đối với các tập đoàn mạnh nhất Hàn Quốc, vốn đã từng được chính quyền Seoul bao bọc khá kỹ thời gian trước đây.

    1. Tại sao Samsung lại bị vướng vào cuộc điều tra Tổng thống Hàn Quốc?

    Tập đoàn Samsung bị cáo buộc là đóng vai trò trung tâm trong vụ bê bối luận tội Tổng thống Park Geun Hye. Nhiều người đứng đầu ngành tư pháp đặt nghi vấn về vai trò của 9 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong việc liệu họ có đóng góp tiền cho quỹ từ thiện quản lý bởi bạn thân tổng thống, bà Choi Soon Sil để đổi lấy sự ưu đãi chính trị hay không.

    Một nhóm các công tố viên đã được thành lập để điều tra vụ việc này và họ đã tập trung vào Smasung hay chính xác hơn là các khoản đóng góp, bao gồm 850.000 USD cho đội tuyển đua ngựa cho con gái bà Choi.

    2. Tại sao Samsung lại đóng góp tiền cho quỹ của bà Choi?

    Phó Chủ tịch Lee đã từng thừa nhận rằng công ty của ông đóng góp hàng triệu USD cho quỹ từ thiện của bà Choi nhưng cho rằng Smasung không hề làm gì sai. Tập đoàn này cho biết họ thường nhận được đề nghị đóng góp cho các quỹ từ thiện cũng như hoạt động thể thao của Hàn Quốc.

    Dẫu vậy, các công tố viên đã xin được lệnh tạm giam từ tòa án đối với ông Lee cho cáo buộc hối lộ, tham ô vào đầu giờ sáng ngày 17/2. Bất chấp điều đó, Samsung vẫn liên tục phủ nhận các cáo buộc trên.

    “Chúng tôi sẽ làm hết sức có thể để đảm bảo sự thật sẽ được công bố trước tòa trong thời gian tới”, Samsung thông báo.

    3. Các công tố viên nói gì?

    Các công tố viên cho rằng Phó Chủ tịch Lee đã thực hiện những khoản đóng góp cho quỹ của bà Choi nhằm nhận được sự ủng hộ từ chính phủ cho việc kế thừa quyền kiểm soát công ty từ cha mình, nhà sáng lập Lee Kun Hee.

    Đặc biệt, Samsung hiện đang muốn sáp nhập 2 công ty chi nhánh của mình để Phó Chủ tịch Lee có thể kiểm soát tốt hơn Samsung Electronics. Nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới và là hòn ngọc của tập đoàn Samsung.

    Quỹ hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) với khoản tiền 450 tỷ USD của 22 triệu công dân Hàn Quốc là một trong những yếu tố chủ chốt cho việc bỏ phiếu sát nhập này của Samsung năm 2015. Cựu chủ tịch của NPS hiện đã bị bắt giữ vì tội lạm dụng quyền lực.

    4. Vụ bê bối này ảnh hưởng đến ông Lee như thế nào?

    Mặc dù các công tố viên đã xin được lệnh bắt giữ những họ vẫn phải chứng minh rằng Phó Chủ tịch Lee có tội trên tòa án. Hiện công tố viên vẫn chưa công khai bất kỳ bằng chứng cụ thể nào chống lại ông Lee.

    Dẫu vậy, các công tố viên đã cáo buộc ông Lee tội che giấu lợi nhuận và tài sản bất hợp pháp ở nước ngoài nhằm mục đích hối lộ, tham ô.

    Thậm chí kể cả ông Lee có bị kết án thì sự nghiệp của nhà lãnh đạo này vẫn chưa chấm dứt. Trong lịch sử, ít nhất 5 nhà lãnh đạo cấp cao ở Hàn Quốc đã từng bị bắt, kết án nhưng vẫn quay trở về được chức vụ của mình sau đó.

    Ngay cả cha ông Lee, nhà quản lý Lee Kun Hee cũng đã từng bị truy tố và kết tội trốn thuế, hối lộ nhưng vẫn có thể quay trở về lãnh đạo đế chế của mình như bình thường.

    Nếu thủ tục truy tố được thực hành theo trình tự thì lâu nhất là 18 tháng, vụ án của ông Lee sẽ ra trước tòa và có phán quyết.

    5. Ảnh hưởng đến Samsung như thế nào?

    Hầu như tất cả những nhà đầu tư của Samsung cũng như các nước liên quan đến chuỗi sản xuất của công ty này đều ngạc nhiên với động thái trên.

    Tập đoàn này đã có một báo cáo lợi nhuận tốt trong tháng 1/2017, qua đó đẩy giá cổ phiếu lên mức cao kỷ lục. Mặc dù vụ bê bối điện thoại Note 7 vẫn còn đang được xử lý nhưng mảng chất bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng lại đem đến nhiều lợi nhuận cho Samsung.

    Trong khi đó, những thành viên của gia đình Lee thường không can thiệp quá sâu vào các hoạt động hàng ngày của công ty mà trao cho những phụ tá đáng tin cậy. Ví dụ như trường hợp của Samsung Electronics, ba phụ tá kiêm CEO đã được trao quyền quản lý hoạt động hàng ngày của mảng sản xuất điện thoại này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ