Hiệu ứng Diderot: Vì sao chúng ta luôn tốn tiền vào những thứ không thực sự cần?
Nhà triết học nổi tiếng người Pháp Denis Diderot sống gần trọn cuộc đời trong nghèo khó, nhưng tất cả mọi thứ thay đổi vào năm 1765.
Khi đó, Diderot 52 tuổi và con gái ông chuẩn bị kết hôn. Lúc này, ông không có đủ tiền làm của hồi môn cho con gái. Nghèo khổ là vậy nhưng Diderot lại vô cùng nổi tiếng vì ông là đồng sáng lập và tác giả bộ Encyclopédie, một trong những bộ từ điển bách khoa toàn diện nhất thời đại.
Khi nữ hoàng Catherine Đại Đế của Nga nghe nói về khó khăn tài chính của Diderot, bà đã đề nghị mua lại thư viện của ông với giá 1.000 bảng Anh, bằng xấp xỉ 50.000 USD vào năm 2015. Bỗng chốc, Diderot trở nên giàu có.
Không lâu sau vụ mua bán may mắn này, Diderot đã mua một chiếc áo choàng mới màu đỏ tươi. Và rồi mọi chuyện không ổn bắt đầu từ đây.
Hiệu ứng Diderot
Chiếc áo choàng mới của Diderot quá đẹp. Đẹp đến nỗi ông ngay lập tức nhận ra rằng chiếc áo đang lạc lõng giữa những vật dụng tầm thường trong nhà. Theo lời ông thì chiếc áo choàng và những đồ vật còn lại không hề hòa hợp và tương xứng với nhau. Rồi ông cảm thấy mình nên mua những đồ dùng mới để cho phù hợp với chiếc áo đẹp đẽ của mình.
Ông thay thế tấm thảm cũ bằng một chiếc mua từ Damascus. Ông trang trí nhà của mình với những bức tượng và chiếc bàn ăn tốt hơn. Ông còn mua một chiếc gương mới và chiếc ghế rơm bị bỏ đi, thay bằng một chiếc ghế da mới.
Hành vi mua sắm theo cảm hứng này được biết đến với tên gọi hiệu ứng Diderot.
Theo hiệu ứng Diderot, việc sở hữu một món đồ mới sẽ dẫn đến việc tạo ra vòng xoáy mua sắm khiến bạn muốn mua nhiều thứ hơn nữa. Kết quả là chúng ta sẽ mua rất nhiều thứ mà bản thân trước đây không hề cần để cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn.
Giống như nhiều người khác, tôi cũng là nạn nhân của hiệu ứng Diderot. Gần đây tôi có mua một chiếc xe mới, kéo theo đó tôi mua thêm tất cả những thứ đồ linh tinh để để vào trong xe. Tôi mua một chiếc máy đo áp suất lốp, bộ sạc di động trên xe hơi, một chiếc ô phụ, con dao bỏ túi, hộp cứu thương, đèn pin, chăn khẩn cấp và thậm chí cả dụng cụ cắt dây an toàn.
Tôi đã từng sử dụng chiếc xe cũ gần 10 năm và tôi thấy rằng chẳng có thứ gì trong danh mục kể trên tôi cần mua cả. Tuy nhiên, sau khi nhận chiếc xe mới, tôi lại rơi vào vòng xoáy mua sắm giống như Diderot.
Bạn có thể phát hiện những hành vi tương tự trong nhiều khía cạnh cuộc sống:
- Bạn mua một chiếc váy mới và chợt nhận ra cần có đôi giày và hoa tai phù hợp hơn.
- Bạn mua cho con mình một con búp bê và tiếp tục mua thêm cho con búp bê đó nhiều phụ kiện mà bạn chưa từng biết đến sự tồn tại trước đây.
- Bạn mua bộ sô pha mới và chợt nhận ra bạn không hề thích bài trí của căn phòng lúc này. Vấn đề ở những chiếc ghế tựa, bàn trà, thảm hay là ở tất cả mọi thứ. Liệu bạn có cần thay đổi?
Xu hướng tự nhiên của cuộc sống là sự tích lũy. Hiếm khi chúng ta nghĩ đến việc đơn giản hóa, loại bỏ hay giảm bớt. Thay vào đó, khuynh hướng tự nhiên của chúng ta luôn luôn là tích lũy, nâng cấp và tạo ra thêm.
Nắm vững hiệu ứng Diderot
Hiệu ứng Diderot cho chúng ta thấy mình cần hiểu để biết cách chọn lựa, loại bỏ và tập trung vào những thứ thật sự quan trọng.
Giảm tiếp xúc. Hầu như tất cả mọi thói quen đều được khởi xướng bởi những nhân tố gợi nhắc hay kích thích. Một trong những cách nhanh nhất làm giảm sức mạnh của hiệu ứng Diderot là tránh những nhân tố gợi nhắc bạn đến việc mua sắm. Hãy hủy đăng ký theo dõi những email quảng cáo. Hãy từ chối nhận catalogue từ các tạp chí và không nhận thư giới thiệu của họ. Hãy gặp gỡ bạn bè ở công viên thay vì trung tâm thương mại. Chặn các trang web mua sắm yêu thích.
Mua những đồ phù hợp với bản thân bạn hiện tại. Bạn không cần phải bắt đầu từ đầu mỗi khi bạn mua một cái gì đó mới. Khi mua quần áo mới, hãy tìm những bộ đồ phù hợp với tủ quần áo hiện tại của bạn. Khi nâng cấp những thiết bị điện tử mới, hãy chắc chắn rằng nó phù hợp với những đồ dùng hiện có để tránh phải mua thêm sạc, bộ chỉnh lưu hay dây cáp.
Tự đặt giới hạn cho bản thân. Sống một cuộc sống hạn chế bằng cách tạo ra những giới hạn cho bản thân, như ví dụ tuyệt vời của Juliet Schor trong cuốn The Overspent American:
“Hãy tưởng tượng một nhóm dân cư trong thành phố tổ chức cho các bậc phụ huynh ký cam kết không mua giày thể thao quá 50 USD cho con. Nhân viên của trường mẫu giáo yêu cầu bạn chi không quá 75 USD cho mỗi bữa tiệc sinh nhật. Hội phụ huynh của trường thuyết phục 80% phụ huynh giới hạn thời gian xem phim của học sinh không quá 1 giờ mỗi ngày... Tất cả đều là những thứ các bậc cha mẹ nghĩ rằng họ cần phải cho con họ nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thoải mái của con”.
Mua một, cho đi một. Mỗi lần mua một món đồ mới hãy cho đi một món đồ cũ. Mua TV mới ư? Hãy cho người khác chiếc TV khác thay vì chuyển nó đến căn phòng khác. Ý tưởng này nhằm hạn chế số lượng đồ đạc tăng thêm. Hãy luôn lựa chọn kỹ càng để cuộc sống của bạn chỉ có niềm vui và hạnh phúc.
Sống một tháng mà không mua đồ mới. Đừng cho phép bản thân bạn mua đồ mới trong vòng một tháng. Thay vì mua một chiếc máy cắt cỏ mới, hãy mượn của nhà hàng xóm đi. Mua áo ở cửa hàng đồ cũ chứ không phải trung tâm mua sắm. Khi chúng ta càng biết nghiêm khắc với bản thân thì chúng ta xoay xở mọi thứ càng dễ dàng hơn.
Từ bỏ mong muốn sở hữu nhiều thứ. Mong muốn sở hữu của con người dường như vô tận. Luôn có thứ gì đó mới mẻ mà bạn muốn mua. Khi có chiếc Honda thì bạn muốn mua Mercedes. Khi đã có Mercedes, bạn lại mơ ước một chiếc Bentley. Khi đã có Bentley, bạn lại mơ tưởng đến Ferrari... Hãy nhớ rằng mong muốn sở hữu vật chất chỉ là một suy nghĩ tâm trí bạn đưa ra không phải là mệnh lệnh bạn phải tuân theo.
Làm cách nào để vượt qua?
Xu hướng tự nhiên của chúng ra là tiêu thụ nhiều hơn chứ không phải ít đi. Với xu hướng này, tôi tin rằng cần có những bước tích cực để hạn chế thói quen mua sắm theo cảm hứng nhằm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Như Diderot từng nói: “Hãy để trường hợp của tôi thành bài học cho mọi người. Nghèo khó có cái tự do của nghèo khó mà giàu sang có cái trở ngại của giàu sang".
Theo Cafebiz / Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming