Hiệu ứng "nhòe mờ có chủ đích" trong nhiếp ảnh là gì và làm thế nào để thực hiện?

    Tuấn Lê,  

    Ảnh đẹp không chỉ dừng lại ở độ nét và bố cục, nó còn đòi hỏi ở cả yếu tố sáng tạo.

    Nhiều bạn khi đến với nhiếp ảnh thường nghĩ rằng những tấm ảnh đẹp thì phải có độ nét tốt, chủ thể phải rõ ràng. Tất nhiên điều này không sai, chẳng hạn nếu chụp 1 bức ảnh chân dung mà khuôn mặt không đủ nét hoặc nhòe mờ thì tấm ảnh đó nhiều khả năng sẽ bị loại bỏ.

    Tuy nhiên, đã bao giờ các bạn thấy những bức ảnh bị nhòe nhưng trông rất "trừu tượng" hoặc có gì đó thu hút khiến bạn không rời mắt khỏi chúng không? Nếu có thì đấy là do người chụp có chủ ý làm nhòe tấm ảnh trong lúc thao tác đấy, và đến đây thì bạn có thắc mắc làm sao họ có thể tạo được những tác phẩm này không?

    Tấm ảnh này được chụp thế nào?
    Tấm ảnh này được chụp thế nào?

    Thật ra kỹ thuật này không khó và nhiều người có thể làm theo, nhưng để đẹp hơn hoặc tạo tính tò mò lẫn thu hút người nhìn, bạn cần phải đưa vào một chút sáng tạo trong đó. Nào hãy cùng xem qua những bức ảnh dưới đây và cách thực hiện chúng nhé!

    Để thực hiện kỹ thuật này, chúng ta cần gì? Chẳng gì nhiều cả, chỉ là một chiếc máy ảnh cho phép người dùng tự điều chỉnh thông số tốc độ màn trập, thế là đủ.

     

    Chụp Panning để tạo kiểu ảnh "trừu tượng"

    Panning là gì? Panning là kỹ thuật giảm tốc độ màn trập và ấn nút chụp trong khi tay vẫn đang lia máy theo một phương nào đó. Khi sử dụng kỹ thuật này, chủ thể sẽ bị nhòe hoặc thậm chí không còn rõ ràng, lúc đó những gì "đọng" lại trong bức ảnh chủ yếu là màu sắc và họa tiết...mọi thứ trông rất "ảo", không giống như đời thực.

    Chẳng hạn như tấm ảnh dưới đây, bạn có nhìn thấy chủ thể là gì không? Mọi thứ chỉ là một tấm ảnh nhòe, nhưng nó lại đẩy mạnh màu sắc khiến người xem phải chú ý đến, đúng vậy, những mảng màu mờ ảo trên tấm ảnh trông như một bức tranh trừu tượng.

    Vậy để thực hiện tấm ảnh này, ngoài chiếc máy ảnh, ta phải làm gì? Đơn giản chỉ cần giảm tốc độ màn trập thấp xuống (từ 1/15 giây hoặc chậm hơn), nhưng hãy chú ý đến ISO và khẩu độ để cân chỉnh tránh bị dư sáng nhé! Sau khi chỉnh xong thông số, đây là lúc bạn phải thực hiện "lia máy". Lúc này chuẩn bị trước hướng sẽ lia máy (chẳng hạn theo phương từ trên xuống hoặc theo phương khác tùy theo chủ đích) rồi bấm máy và bắt đầu lia.

    Lưu ý, bạn cần lia một cách dứt khoát, không quá nhanh hoặc quá chậm, cũng không được quá sớm trước khi bấm máy hoặc dùng lại quá sớm khi màn trập chưa đóng lại. Có thể trong vài tấm đầu sẽ bị sai, nhưng chỉ trong vài tấm sau đó bạn sẽ quen với việc này và có được những bức ảnh như mong muốn.

    Một số tấm ảnh khác để tham khảo khi sử dụng kỹ thuật này:

     

    Kết hợp tính năng zoom để tạo hiệu ứng mờ ảo

    Khi nghe đến từ "zoom", chắc hẳn bạn cũng đoán được yêu cầu cơ bản là gì. Đúng vậy, chúng ta cần phải có ống kính zoom để thực hiện kỹ thuật này. Đừng quan trọng quá đến việc phải có ống zoom hàng khủng hoặc đắt tiền, chỉ cần một ống kit đa dụng cũng có thể làm được điều này (nhưng nhớ thay đổi thông số khẩu độ sao cho phù hợp vì các ống kit đều có khẩu độ riêng ở mỗi tiêu cự, ví dụ như ống Canon EF-S 18-55mm f/3.5-5.6, hãy đưa về khẩu độ f/5.6 hoặc nhỏ hơn để đảm bảo khẩu độ không bị thay đổi khi ta dịch chuyển tiêu cự).

    Quay lại vấn đề kỹ thuật: khác với cách đầu tiên, cách thứ hai này bạn cần kiếm một chủ thể rõ ràng một chút vì khi zoom in hoặc out nó sẽ tạo điểm nhấn vào trung tâm khiến người xem bị "ép buộc" nhìn thẳng vào trọng điểm này. Ngoài ra, bạn cũng cần giảm tốc độ màn trập xuống giống với cách đầu tiên, tốt nhất nên ở khoản 1/15 giây hoặc thấp hơn và sau đó bắt đầu xoay nhẹ vòng zoom trong quá trình chụp để có được bức ảnh hoàn hảo nhất.

    Ngoài ra, cũng có một số kiểu ảnh nhòe khác do "cố tình" sử dụng tốc độ màn trập chậm. Một trong những kiểu chụp chậm kinh điển là phong cảnh suối/biển, với lựa chọn này, bạn có thể tạo hiệu ứng đặc biệt khiến dòng chảy trở nên mờ ảo như sương mù. Để thực hiện được ý đồ này bạn cần tripod, một kính lọc ND để giảm bớt lượng sáng đi vào và kèm theo đó là điều chỉnh tốc độ màn trập càng chậm càng tốt (phơi sáng trong khoảng 10 đến 20 hoặc thậm chí 30 giây).

    Tất nhiên chủ đề chụp chậm làm nhòe ảnh có chủ đích không chỉ nằm vỏn vẹn ở đó, bạn cũng có thể sáng tạo thêm để có được những tấm ảnh độc đáo hơn, chẳng hạn như chụp cỏ lau đang đung đưa trong gió chẳng hạn:

    Hay áp dụng kỹ thuật Panning để "ghi" lại những chuyển động nhanh, bạn đọc có thể xem thêm kỹ thuật này ở mục 2 bài "5 bí kíp chụp ảnh những ngày mưa gió bạn nên biết":

     

    Kết

    Nếu đã quá nhàm chán với những kiểu chụp thông thường, hãy thử "đổi gió" và sáng tạo theo các phương pháp trên, biết đâu bạn sẽ tìm lại được cảm hứng trong việc chụp ảnh và phát triển ra thêm những kỹ năng mới. Chúc các bạn thành công.

    Tham khảo: DigitalPhotographySchool.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ