Trong 22 năm Steve Jobs chấp chính, Apple đã trở thành một đế chế hùng mạnh về mọi mặt. Từ iPod, iTunes cho đến iPad, iPhone, App Store ngày nay... dường như những thiết bị số thương hiệu “quả táo cắn dở” đã trở thành niềm mơ ước của mọi dân chơi công nghệ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong mắt nhiều người, nhận định trên vẫn chưa hẳn là đúng. Bởi từ trước đến nay, chỉ tính riêng tại Việt Nam, Apple còn cực kỳ nổi tiếng bởi những cuộc chiến bất tận giữa nhóm fan cuồng khổng lồ và số lượng antifan cũng đông đảo và “hung hãn” bậc nhất trên thế giới.
Lý do Apple được các fan Việt yêu mến thì chắc không cần phải nhắc đến, nhưng ngược lại, vì sao mà Apple lại đắc tội với nhiều người đến vậy?
Đối tượng trước tiên mà Apple thường đắc tội nhiều nhất chắc chắn là người tiêu dùng. Mỗi khi mua một sản phẩm thương hiệu Apple, tức là bạn đã tự cột mình vào hàng tá những rắc rối không tên từ sự “độc quyền”.
Rõ ràng nhất là khâu bảo hành sản phẩm của Apple – chiếc iPhone của bạn ở Việt Nam bị hỏng? Hãy gửi sản phẩm về trung tâm bảo hành của Apple tại Mỹ, dĩ nhiên… tiền phí gửi hàng bạn phải chịu nhé! Và vậy là một chiếc iPhone 3GS xách tay giá chỉ 18 triệu, nhưng khi gửi về Apple để bảo hành thì tiền phí vận chuyển lên đến 3 triệu!
Ngoài ra, việc Apple hạn chế phân phối sản phẩm đến những quốc gia như Việt Nam còn làm nảy sinh vấn đề khác: hàng xách tay và hành chính hãng. Một chiếc iPhone ở nước ngoài giá chỉ 13-15 triệu, nhưng về đến Việt Nam, qua tay “cò”, giá bán máy xách tay bị đội lên đến 20 triệu.
Dĩ nhiên, hàng xách tay thì phải kể đến nhiều nguy cơ xấu như linh kiện bị tráo đổi hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc. Bỏ 20 triệu ra, nhưng chưa chắc mua được hàng xịn? Người tiêu dùng chắc chắn phải cám ơn chính sách thông minh của Apple!
Đấy còn chưa kể đến câu chuyện App Store. Vấn đề thứ nhất là không phải ai cũng sở hữu tín dụng quốc tế để mua game từ App Store. Và vấn đề tiếp theo, quan trọng hơn, là Apple thường xuyên “dở dở ương ương” khi kiểm duyệt ứng dụng trên App Store.
Nhiều ứng dụng cần thiết như Firefox luôn bị Apple “đì” không thương tiếc, hay để đánh bóng cho tên tuổi mình, hãng đã từng tống khứ toàn bộ nội dung khiêu dâm ra khỏi App Store. Rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, chính Playboy – trùm khiêu dâm, lại được Apple chấp thuận góp mặt trên App Store công khai. Dường như, quan liêu và độc đoán thật sự là ngón đòn ưa thích nhất của Apple khi đối xử với thượng đế của mình!
Sự “chuyên quyền” của Apple còn thể hiện ở những hành động hài hước khác: Bạn có tin rằng iPhone của mình sẽ bị Apple khóa vĩnh viễn vì lỡ jailbreak (bẻ khóa) máy để cài ứng dụng? Hay vụ lỗi ăng ten làm iPhone 4 mất sóng, Apple đã không hề thu hồi sản phẩm lỗi mà hành động bồi thường duy nhất là gửi tặng khách hàng lớp vỏ bọc cao su!
Gây hấn với người dùng không thôi chưa đủ, Apple còn nổi tiếng với những cuộc đại chiến bản quyền trên tòa án. Đấy còn chưa kể đến hành vi khiêu khích và nói xấu, như vụ hãng tuyên bố từ bỏ Flash của Adobe để chuyển hẳn sang HTML5, hay vụ Apple đánh phủ đầu HTC và Android OS… đều cho thấy một “chân dung ngông cuồng” của Apple trong cuộc chơi di động.
Phong cách làm việc quen thuộc của Apple là bỏ bom đối thủ và những kẻ ngáng đường để bước lên đỉnh cao. Một hình thức đậm chất “cá lớn nuốt cá bé”.
Dĩ nhiên, hành động tự khiêu chiến với tất cả của Apple đã được đáp lại bằng sự ghẻ lạnh của các ông lớn khác trên thị trường. Chắc hẳn thiếu khôn ngoan nhất là Apple đã kiếm chuyện với Google.
Quả thật, gã khổng lồ với tham vọng bá chủ thế giới Internet không dễ dàng để cho Apple thoải mái tác oai tác quái. Cuộc chiến Android và iOS như một ví dụ điển hình cho điều này: những gì Apple làm được, Google còn có thể làm tốt hơn!
Cuối cùng phải kể đến đội ngũ lập trình viên ứng dụng. Tất nhiên, App Store đang trở thành “mỏ vàng” cho bất kỳ ai có trình độ. Nhưng trước khi bạn đưa ứng dụng của mình lên gian hàng trực tuyến, phải thật cẩn thận, bởi chỉ cần chút gì liên quan đến Microsoft, Google... đội ngũ kiểm duyệt “nhạy cảm” của App Store sẽ loại trừ thành quả mà bạn vừa thực hiện ngay lập tức! Và cũng đừng quên, Apple rất ghét kiểu “mã nguồn mở”. Đến với App Store, lập trình viên nên học theo phong cách độc tài của Apple là vừa!
Vậy là lý do Apple có một đội ngũ anti fan đông đảo như vậy là đã rõ. Thực trạng “quan liêu” sẽ tồn tại trong bao lâu? Vì không phải mãi mãi phong cách thời trang iPhone, iPad của Apple sẽ dẫn đầu thị trường. Đến lúc Apple thất thế, liệu sẽ có bất cứ ông lớn nào bị Apple “ăn miếng trả miếng” như HTC, Google, Microsoft sẽ thèm quay lại cứu vớt Apple?