'Họ quay phim mà không có sự đồng ý của tôi' - Mặt trái của những video 'tử tế' trên TikTok
Một số nhà sáng tạo nội dung đang tìm cách thu hút người theo dõi thông qua các video cố tình thể hiện lòng tốt với người lạ, nhưng không phải người trong cuộc nào cũng thoải mái với điều đó.
Maree chỉ muốn mua giày. Có một đôi với kiểu dáng mà bà thích đang giảm giá. Vì vậy, người phụ nữ ngoài 60 này đã thực hiện một chuyến đi vào thành phố để có thể thử chúng. Đó là một ngày cuối tháng Sáu năm ngoái, giữa mùa đông ở Melbourne và trung tâm mua sắm khá vắng lặng. Sau khi mua hàng, Maree dừng lại để uống cà phê. “Và đó là lúc mọi chuyện xảy ra”, bà nói.
Một chàng trai trẻ lạ mặt tiến lại gần Maree, tay cầm một bó hoa. Anh ta nhờ Maree giữ hộ để mặc áo khoác vào. “Tôi ước mình có thể tin vào bản năng và nói không”, bà nói. "Mọi thứ diễn ra quá nhanh”.
Maree nhận hoa, sau đó chàng thanh niên bất ngờ bỏ đi với lời chúc "một ngày tốt lành". Bà cầm bó hoa sửng sốt mà không biết làm gì.
Sau đó, Maree để ý thấy hai người đàn ông đang điều khiển máy ảnh trên giá ba chân, đứng cách đó vài mét. Bà đã hỏi họ có phải đang quay phim không, nhưng họ phủ nhận. Maree thậm chí còn hỏi các thanh niên đó có muốn những bông hoa này không vì bà không cần chúng. Nhưng những người đó chỉ tỏ ra bất ngờ.
Maree về nhà với đôi giày mới và những bông hoa. Tối hôm đó, chồng của bà nhận được tin nhắn từ một người bạn có con ở tuổi vị thành niên, nói rằng Maree đang xuất hiện trên một video lan truyền trên TikTok. Không thích sử dụng mạng xã hội, Maree không nghĩ gì nhiều về điều đó. Bà thậm chí còn không hiểu thuật ngữ lan truyền (viral) là gì.
Người phụ nữ này không bận tâm đến video đó cho đến khi nhìn thấy một bài báo trên tờ Daily Mail. Hóa ra, người thanh niên đã trao hoa cho Maree là Harrison Pawluk, một TikToker 22 tuổi với hàng triệu người theo dõi vì thường thực hiện “những hành động tử tế ngẫu nhiên”. Giữa các video quay cảnh anh chàng ôm người lạ và trả tiền mua hàng tạp hóa cho mọi người, Pawluk đã đăng clip của Maree với chú thích “Tôi hy vọng điều này sẽ khiến một ngày của bà ấy tốt hơn”, cùng với biểu tượng cảm xúc trái tim màu đỏ và hashtag #ấm lòng. Trong hơn một tuần, nó đã thu hút được 52 triệu lượt xem và 10 triệu lượt thích.
Nội dung kiểu như vậy từ lâu đã là một “đặc sản” của các mạng xã hội, nhưng kể từ khi chuyển sang hình thức video, những câu chuyện về lòng tốt của người xa lạ đã dần biến thành các thử nghiệm mang tính xã hội.
Trên TikTok, hashtag #hành động tử tế ngẫu nhiên (#randomactsofkindness) có 416 triệu lượt xem, trong khi hashtag #giúp đỡ người khác (#helpingothers) có gần 850 triệu. Bên cạnh đó, các nội dung liên quan tới #lòng tốt, # tích cực và #ấm lòng cũng lên tới con số hàng tỷ.
Sau khi video lan truyền từ trang cá nhân của Pawluk, tờ Daily Mail đã đăng lại câu chuyện về cử chỉ “ấm lòng” của chàng thanh niên này, tuyên bố rằng người phụ nữ lớn tuổi - Maree - đã xúc động rơi nước mắt.
Nhưng Maree không thích nhận mình là “người phụ nữ lớn tuổi” được miêu tả trong bài báo . Và bà rất tức giận khi cho rằng việc Pawluk “nhảy vào cuộc sống của mình” xứng đáng được hoan nghênh.
“Tôi nghĩ, thật tàn nhẫn khi làm điều đó với một người. Toàn bộ viễn cảnh trông đầy 'thảm hại'… Tôi đã ngoài 60 tuổi, tóc đã hoa râm, nhưng hành động đó vẫn khiến tôi khó chịu theo cách nhìn nhận của riêng mình”, Maree nói. “Tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ rằng mình trông già cả”.
Người phụ nữ này thấy rằng bà phải làm gì đó.
Thế nên vào giữa tháng 7, Maree đã chia sẻ trải nghiệm của mình trên sóng radio của ABC Radio Melbourne, nói rằng bà cảm thấy hành động của Pawluk là “vô nhân đạo”.
“Anh ta làm gián đoạn thời gian yên tĩnh của tôi, quay và tải lên một video mà không có sự đồng ý của tôi, biến nó thành một thứ không phải vậy. Và tôi cảm thấy dường như anh ta đang kiếm được khá nhiều tiền nhờ nó… Tôi cảm thấy mình giống như một miếng mồi nhử”, Maree nói và cho biết bà muốn cảnh báo điều đó với những người khác. “Nếu nó có thể xảy ra với tôi, thì nó cũng có thể xảy ra với bất kỳ ai.”
Trong khoảng một thập kỷ qua, các câu chuyện về những hành động vô tình bỗng dưng lan truyền đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội. Nếu hay dạo chơi trên mạng Internet, bạn có thể quen thuộc với hình ảnh người đàn ông lớn tuổi cầm cốc cà phê với nụ cười ngờ nghệch trong vô cùng đau khổ trên mặt. Andras Arato, nhân vật chính trong bức hình đó, không bao giờ nghĩ rằng hình ảnh của mình sẽ trở thành một bức ảnh chế nổi tiếng sau khi nó được sử dụng trong một bài báo châm biếm. “Thật không dễ dàng”, người đàn ông Tây Ban Nha này chia sẻ. “Họ gọi tôi là người đang che giấu nỗi đau”.
Càng ngày, mọi người càng dễ trở nên nổi tiếng theo cách mà chính họ không hề hay biết. Chẳng hạn như cặp đôi có cuộc chia tay đầy kịch tính trên máy bay đã gây chú ý vào năm 2015 sau khi được một vị hành khách ghi hình và chia sẻ câu chuyện trên Twitter. Vào tháng 12 năm ngoái, một người đàn ông 64 tuổi đã bị quay lén tại hộp đêm Fabric ở London và các bài đăng chế giễu điệu nhảy của ông đã lan truyền chóng mặt.
Nhưng giờ đây, những câu chuyện lan truyền bất thường này đã trở nên bình thường và xuất hiện thường xuyên hơn khi “nền kinh tế nội dung” phát triển. Trên toàn thế giới, hàng triệu người đang kiếm sống từ những người theo dõi trực tuyến của họ. Đặc biệt là kể từ khi nền tảng TikTok thành công, việc sản xuất nội dung kỹ thuật số trở nên ngày một điên cuồng. Giờ đây, cả thế giới đều là một sân khấu và tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị biến thành những diễn viên trong một vở kịch của người khác.
Điều này làm nổi bật câu chuyện tranh cãi căng thẳng giữa quyền tự do ngôn luận của người sáng tạo nội dung với quyền riêng tư của những người khác, mặc dù họ có thể đang ở nơi công cộng. Tình huống của TikToker Pawluk thậm chí có thể không bị coi là xâm phạm trong mắt những khán giả đã quen theo dõi cuộc sống của những người lạ trên màn hình smartphone của họ.
Nhưng Sonia Livingstone, giáo sư truyền thông tại Trường Kinh tế London lại không đồng ý với quan điểm đó. Bà cho biết: “Chúng ta đang sống trong một thời đại trực quan đến khó tin, nơi mà bất kỳ ai cũng có thể hướng máy ảnh vào bất kỳ ai.”
Có một thách thức khó giải quyết là danh tính của người sáng tạo nội dung hoặc người có ảnh hưởng không dễ xác định, chưa nói đến việc bắt họ phải tuân theo các quy tắc đạo đức hoặc quy tắc nghề nghiệp. Điều gì được coi là có hại cũng đang được tranh luận bởi hậu quả của từng tình huống rất khác nhau và ngưỡng chịu đựng của các cá nhân cũng khác nhau.
“Mọi người đang sống rất rõ ràng ở những thế giới khác nhau”, Livingstone nói. “Không có khả năng mẹ tôi biết bất kỳ điều gì đang xảy ra trên TikTok – nhưng TikTok có thể quyết định khi nào sẽ cuốn bà vào vòng tay của nó.”
Ở Việt Nam mới đây, một câu chuyện có phần tương tự cũng gây xôn xao cộng đồng liên quan đến TikToker có nickname Nờ Ô Nô. Trong các video của mình, người sáng tạo nội dung này luôn tạo ra những video đánh giá sản phẩm đồ ăn "không giống ai", bởi cách sử dụng các lời lẽ và hành vi thô tục.
Đặc biệt, trong một video có tên "Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó" được đăng tải hồi cuối năm ngoái, thanh niên này đã đi tìm và hỏi những người vô gia cư thích ăn món gì để mua tặng họ. Vấn đề là, trong suốt đoạn video, anh luôn sử dụng các câu từ phản cảm, khiếm nhã để gọi và đánh giá hành động của những người vô gia cư. Đơn cử một số câu như "nghèo mà còn chê đồ ăn" hay "bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu". Video sau đó thu được hàng triệu lượt xem và hàng nghìn lượt bình luận chỉ sau một ngày. Trước áp lực từ dư luận, tài khoản này sau đó đã bị nền tảng TikTok khóa vĩnh viễn.
Tuy nhiên, những động thái đó không đủ mang tính răn đe các nhà sáng tạo nội dung khác học theo và bắt chước. Bởi lợi ích mang về so với rủi ro phải chấp nhận vẫn là quá lớn. Chỉ cần tiếp cận được lượng khán giả lớn, bất chấp các video của họ có “nhạt nhẽo” đến mức nào, những người sáng tạo nội dung có thể nhận được số tiền lớn trong các giao dịch với đối tác thương hiệu và hợp đồng tài trợ.
Pawluk có hơn 3 triệu người theo dõi, mang lại cho anh thu nhập ước tính hàng tháng từ 150 đến 230 triệu đồng. Mặc dù đang học để lấy bằng kép về thiết kế và kinh doanh, nhưng thanh niên này đã nói với mẹ mình rằng trở thành một người sáng tạo nội dung mới là "mục đích cuối cùng" của mình.
Thông thường, Pawluk nói, anh sẽ hỏi mọi người xem liệu họ có sẵn sàng xuất hiện trong các video đang được quay cho mạng xã hội hay không. Nếu họ từ chối, anh sẽ chỉ để lại lời chúc “một ngày tốt lành” rồi bỏ đi. Tuy nhiên, các tình huống đăng tải trên nền tảng của Pawluk cho thấy anh thường quay phim mà không xin phép trước, để mong thu được phản ứng chân thực nhất từ người lạ. Anh cho biết trong các tình huống đó sẽ hỏi ý kiến của họ sau khi quay và hầu hết mọi người đều đồng ý, nếu không anh sẽ xóa cảnh quay theo yêu cầu.
Trong trường hợp của Maree, Pawluk nói rằng người quay phim của anh đã “thông tin sai”. Anh cho biết rất ngạc nhiên khi biết cảm nhận của Maree về video của mình.
“Điều đó chắc chắn khiến tôi muốn đảm bảo rằng, trong tương lai, sự đồng ý sẽ được đưa ra”, Pawluk chia sẻ, đồng thời phủ nhận việc đã cố tình nhắm đến Maree như một phụ nữ lớn tuổi làm mục tiêu.
Nhưng theo Anna Derrig, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề đạo đức, thì cho rằng hành động của Pawluk là “một hình thức trộm cắp”.
“Người kể chuyện, hay người có ảnh hưởng trong những trường hợp này, thường là người kiểm soát câu chuyện”, cô nói. “Khi điều đó đã xuất hiện trên internet, nó sẽ ở đó mãi mãi.”
“Xin phép không phải là một viên đạn thần kỳ. Điều quan trọng không chỉ là sự đồng ý mà còn là sự đồng ý có hiểu biết”, Derrig nói, giải thích thêm rằng nó có nghĩa là đối tượng cần hiểu tất cả các rủi ro và kết quả có thể xảy ra. Nhưng trong trường hợp lan truyền trực tuyến, những điều này rất khó dự đoán và hầu như không thể kiểm soát được.
Và loại nội dung này rất dễ dàng trở thành thứ bị khai thác để kiếm tiền. Càng ngày, một tỷ lệ nổi bật các video về “lòng tử tế” với mục tiêu là những người đang sống trong cảnh nghèo đói hoặc bị thiệt thòi xuất hiện nhan nhản. Những người như vậy được cho là đang hưởng lợi từ lòng biết ơn, nhưng thực ra họ có thể đang bị lợi dụng.
Nhân danh cái gọi là “lan tỏa lòng tốt”, một số người sáng tạo nội dung thậm chí còn giả làm người vô gia cư để khiến những người qua đường phải xấu hổ vì đã không cho họ thứ gì đó.
Vào tháng 11 năm ngoái, một cặp vợ chồng già đã bị một TikToker người Úc chỉ trích công khai vì phớt lờ yêu cầu giúp mở chai nước của anh ta trong khi anh ta đang đeo địu để đỡ cánh tay băng bó. Sau đó, Amal Awad, con gái của cặp đôi, đã phải lên tiếng minh oan cho cha mẹ mình.
“Họ thậm chí còn không để ý đến chiếc địu”, cô nói. “Họ chỉ nhìn thấy một người đàn ông rất cao lớn đang đi về phía họ cùng với một người bạn. Bản năng của mẹ tôi trỗi dậy và bà ấy tiếp tục bước đi, và thành thật mà nói, tôi không trách bà ấy vì điều đó”.
Awad nói rằng nhiều bình luận bên dưới video đó trên TikTok mang nội dung thù hận và phân biệt chủng tộc. Cô đã yêu cầu TikToker gỡ nó xuống, nhưng anh ta từ chối, nói rằng nó vẫn đang thu hút được nhiều lượt xem.
Thế giới có thể đang ở rất gần một điểm uốn. Ranh giới giữa trực tuyến và đời thực đã đặc biệt rõ ràng kể từ sau đại dịch. Nhưng trong khi đó, thế hệ Z, hay còn gọi là GenZ, hiện là lực lượng thống trị trên mạng xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nạn nhân của những video “câu like bằng lòng thương cảm” hiện nay đều đến qua TikTok. Bởi đó là nơi những người rất trẻ đăng bài mà không có sự giám sát. Nơi đây dường như cũng không tồn tại cái gọi là các nghi thức hay truyền thống đạo đức vốn có như các nền tảng mạng xã hội lâu đời hơn.
Và hiện nay vẫn có rất ít động lực đưa ra để các nền tảng này xóa đi những nội dung theo yêu cầu, hoặc bắt họ hành động theo tiêu chuẩn mà các nhà xuất bản nội dung truyền thống phải tuân theo.
Sáu tháng trôi qua, Maree vẫn mơ hồ về việc mình đã tiếp xúc với internet và mạng xã hội như thế nào. Bà nói rằng bản thân đã “vượt qua con bão” của chính mình. Bà thậm chí còn có vẻ thích thú khi biết quan điểm cá nhân và việc đứng lên chống lại các TikToker đã đạt được hàng triệu lượt đồng cảm.
Nhưng Maree vẫn không quên chỉ trích Pawluk: “Tôi làm thế thực sự chỉ vì nghĩ rằng điều đó là đáng khinh. Có thể tôi là người cổ hủ… nhưng nhiều người dường như không nhận ra rằng đó là việc làm kiếm tiền chứ không phải hành động tử tế”.
Bà vui mừng vì mình đã lên tiếng thách thức các “âm mưu khác”. Nhưng Maree cũng lo lắng về sự xói mòn của các kỳ vọng về quyền riêng tư, bởi thế hệ trẻ có thể không nắm bắt và ý thức được mức độ về những gì mà họ đang phơi bày.
Bà cũng biết rằng video của Pawluk vẫn tồn tại, thu hút nhiều lượt xem và lượt bình luận hơn. “Nhưng tôi không thực sự quan tâm nữa”, Maree nói. “Tôi biết rằng nó ở ngoài đó. Nhưng đó không thực sự là tôi.”
Tham khảo TheGuardian
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4