Học những thứ không dùng đến có thực sự tốt cho bạn?

    Ngocmiz,  

    Học sinh thường được yêu cầu học rất nhiều thứ một lúc, từ ngôn ngữ cho đến toán và khoa học, hay thậm chí là văn học cổ điển mà có thể cả đời họ chẳng bao giờ có cơ hội đụng đến lần nữa. Nhiều ý kiến cho rằng việc học những thứ này về bản chất đều không vô ích bởi chúng giúp “huấn luyện” bộ não của bạn, khiến bạn thông minh hơn, thế nhưng liệu đây có phải sự thật?

    Theo bài viết của Chuck Reynolds

    Tôi đã dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về điều này. Thời còn đại học, tôi thậm chí đã học tới 2 chuyên ngành cùng lúc, đăng ký nhiều môn và tín chỉ mỗi kỳ hơn hầu hết các sinh viên khác. Lý do tôi làm vậy là bởi tôi tin rằng học thêm nhiều thứ sẽ khiến tôi thông minh hơn. Tôi tin vào thứ mà các nhà giáo dục gọi là “chuyển tiếp” kỹ năng (transfer) – học những thứ không dùng đến cũng giúp chúng ta trở nên thông minh hơn và áp dụng được nhiều kỹ năng cho những lĩnh vực khác trong tương lai.

    Thế nhưng quan điểm này có lẽ cần được suy xét lại. Trên thực tế, đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện về điều này từ đầu thế kỷ XX, thế nhưng mới chỉ có rất ít bằng chứng cho thấy chuyển tiếp kỹ năng thực sự diễn ra. Nói đúng hơn là chúng rất hiếm khi xảy ra, nếu có thì cũng ngoài tầm kiểm soát của hầu hết chúng ta.

    Caplan cũng từng có nhận định tương tự trong cuốn sách của mình: “Các giáo viên thường hay nghĩ rằng cho dù những bài giảng của họ có vô ích đến đâu thì họ cũng vẫn đang dạy cho học sinh thứ gì đó vào đầu. Tuy nhiên, sau hơn 1 thế kỷ đỏ mắt tìm kiếm bằng chứng chứng minh cho điều này, các nhà tâm lý giáo dục học cuối cùng cũng phải đi đến kết luận khá tiêu cực là nó không thực sự tồn tại.”

    Như vậy có nghĩa là học thêm tiếng Pháp cũng không giúp bạn học tốt được tiếng Tây Ban Nha hay cày nhiều C cũng không giúp bạn nâng trình Java. Chuyển tiếp kỹ năng đôi khi vẫn diễn ra, nhưng chỉ với những lĩnh vực, vấn đề giống nhau mà thôi.

    Phát hiện này có lẽ cũng sẽ khiến khá nhiều người phải thất vọng, đặc biệt là những người từng học các ngành họ hầu như không dùng gì vào công việc hiện tại.

    Sau nhiều thí nghiệm và tổng hợp điểm đánh giá về tư duy phản biện của sinh viên, hai nhà nghiên cứu Roksaa và Arumb đi đến kết luận:

    “Một tỷ lệ lớn sinh viên đại học đến khi tốt nghiệp vẫn chẳng học được chút kỹ năng tư duy phản biện nào.”

    Đúng là những sinh viên đã học được nhiều kỹ năng ở đại học, chắc chắn rồi, nhưng chẳng có gì đảm bảo những kỹ năng này có thể chuyển thể thành những thứ cơ bản như tư duy phản biện.

    Làm sao để học hiệu quả hơn?

    Đối với tôi, thứ làm nên một học sinh giỏi và một học sinh kém chính là thói quen học. Nói chính xác thì hầu hết học sinh, sinh viên hiện nay chưa biết cách học hiệu quả. Tệ hơn nữa là hầu hết giáo viên cũng không biết cách dạy cho họ thói quen học tập hiệu quả.

    Trình độ tỷ lệ thuận với nỗ lực

    Ngồi trong lớp nghe giáo viên giảng bài có thể khiến bạn cảm thấy giống như đang học, đọc sách về một chủ đề gì đó mới cũng có thể khiến bạn cảm thấy giống như đang học, tuy nhiên chúng chỉ là những hoạt động thụ động, không hiệu quả. Thậm chí những hoạt động này còn khiến nhiều người lầm tưởng là họ đã nắm được tất cả.

    Thay vì học thụ động như bạn vẫn thường làm, hãy tìm cách thách thức giới hạn bản thân. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cày đi cày lại một vấn đề bạn cảm thấy đã quá dễ sẽ không giúp bạn gia tăng khả năng của mình. Bạn nên học cách ý thức được những thứ mình chưa biết.

    Trên thực tế, một bài giảng tạo cho chúng ta cảm giác thấy mọi thứ thật dễ dàng cũng không chắc là một bài giảng hay. Nhiều sinh viên chê trách giảng viên khi họ cảm thấy khó hiểu về những gì được giảng dạy, nhưng đôi khi vấn đề lại không phải như vậy: Một khóa học tốt rất có thể là một khóa học khiến bạn cảm thấy khó và phải hết sức nỗ lực để theo được. Chính việc vật lộn đó mới khiến chúng ta học hỏi được nhiều điều.

    Vì vậy, hãy luôn thách thức bản thân với những thứ khó hơn bằng nhiều cách gợi ý dưới đây:

    - Tìm và cố gắng giải quyết những vấn đề khó hơn. Đọc đi đọc lại sách giáo khoa sẽ chẳng có tác dụng nếu bạn không thực sự giải quyết được vấn đề gì đặt ra. Kể cả trong công việc, nếu muốn tăng trình nhanh, hãy luôn chọn vấn đề khó nhất để bắt tay vào làm.

    - Hồi tưởng lại những gì đã học: Một trong những hoạt động hữu ích nhất chính là viết tóm tắt ngắn gọn lại những thứ bạn vừa học được, chẳng hạn tóm tắt một chương sách về còn một đoạn chỉ nửa trang giấy. Một cách hữu ích khác là dạy lại những gì bạn đã học cho người khác, cách hiệu quả giúp bạn hồi tưởng lại mọi thứ.

    - Tránh học từ một nguồn duy nhất: Học từ một cuốn sách duy nhất có thể hạn chế và áp đặt tầm nhìn của bạn vào những gì tác giả đưa vào. Thay vào đó, hãy đa dạng hóa các nguồn học liệu, kể cả từ sách báo tài liệu hay gặp chuyên gia. Những nguồn học liệu khác có thể khiến bạn cảm thấy xáo trộn ban đầu nhưng như đã đề cập, việc học chỉ thực sự hiệu quả khi bạn phải nỗ lực hết sức để nắm được thứ gì đó.

    - Đa dạng hóa việc học của bản thân: Kể cả trong một môn học thì hãy đảo qua đảo lại nhiều vấn đề, khái niệm, chương sách chứ đừng chỉ dành nhiều thời gian cày riêng một thứ (phương pháp này gọi là interleaved practice). Nếu lần học toán, bạn đừng nên dành nguyên 1 tháng chỉ ôn hình phẳng hay nguyên 1 tháng ôn hình không gian. Thay vào đó, hãy trộn chúng lại học cùng nhau để có đạt hiệu quả cao nhất.

    Tham khảo Markethive Ecosystem

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ