Học sinh trung học ở Silicon Valley không có kỳ nghỉ hè, ngủ ít, hoạt động vất cả hơn cả giám đốc doanh nghiệp

    Neo,  

    Ngoài việc là nơi quy tụ của các kỹ sư tài năng, nơi ra mắt những công nghệ tuyệt vời và nơi người lao động được trả lương cao nhất thế giới, Silicon Valley còn là nơi có những trường trung học có tính cạnh tranh khốc liệt nhất.

    Không ngạc nhiên khi 6 trong 20 trường có số điểm SAT cao nhất nước Mỹ nằm ở Silicon Valley.

    Lượng học sinh trong học giành suất vào các đại học danh tiếng nước Mỹ luôn ở mức cao. Nó phản ánh một nền văn hóa làm việc tích cực và cạnh tranh không ngừng. Ngoài học giỏi, các học sinh trung học ở đây còn phải có kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác. Và để có kỹ năng học sinh phải tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa. Học sinh ở Silicon Valley không có kỳ nghỉ hè.

    Tất cả đều phải cạnh tranh với nhau nhằm giành suất thực tập sinh tốt nhất? Ai là người lên kế hoạch và thực hiện tốt nhất? Ai được nhận vào các khóa thực tập hè tốt nhất? Ngay cả trong trường, tất cả mọi học sinh đều phải cạnh tranh với nhau. Ai là người chăm chỉ nhất? Ai có thể ngủ ít nhất nhưng vẫn đạt điểm A? Ai có thể làm tất cả mọi việc? Ai có thể góp mặt trong hầu hết các câu lạc bộ?

    Dưới đây là những góc tối đặc trưng của các trường trung học tại Silicon Valley qua lời kể của Kalvin Lam.

    1. Sợ thất bại

    Nghe có vẻ hơi lạ lùng bởi tại Silicon Valley tinh thần kinh doanh luôn được đề cao, nơi mà mọi người được thử thách, dấn thân vào nguy hiểm để tìm ra cách giải quyết các vấn đề của thế giới.

    Nhưng trong trường trung học mọi chuyện hoàn toàn khác. Các học sinh trung học ở Silicon Valley có xu hướng gắn bó với những gì họ biết rõ nhất. Bạn chơi piano tốt, bạn nhảy giỏi thì bạn chỉ nên gắn bó với những điều đó.

    Tại sao phải thử những điều mới mẻ để rồi thất bại khi bạn có thể gắn bó với những gì bạn quen thuộc, những gì bạn làm tốt nhất và có thể thực hiện những điều tuyệt vời? Sau tất cả, bạn chỉ cần học giỏi và làm tốt một hoạt động là đã có thể vào đại học thì cần gì phải thử những hoạt động mới.

    2. Cạnh tranh một cách khốc liệt

    Mọi người ở Silicon Valley đều tham vọng, tài năng và chăm chỉ, chẳng ai nghi ngờ điều ấy. Tuy nhiên, để dẫn đầu quốc gia, họ cũng phải trả những cái giá đắt.

    Trong xã hội Silicon Valley, học sinh bị đánh giá dựa trên điểm số của họ. Các bậc phụ huynh đánh giá con cái họ dựa trên điểm số và trường đại học mà chúng đang theo học. Họ không cần quan tâm tới sự thật rằng điểm số không thể dùng để xác định khả năng của con cái và con cái họ có thể làm tốt hơn những gì điểm số và kết quả kiểm tra phản ánh.

    3. Thời khóa biểu rất không hợp lý

    Những học sinh ở Silicon Valley có thời khóa biểu kín đặc và vất vả hơn cả một giám đốc doanh nghiệp. Sau giờ học đi tập thể thao từ 2 tới 3 giờ. Sau giờ tập thể thao, luyện tập với nhạc cụ bạn yêu thích trong vòng 1 đến 2 giờ. Tiếp theo là đi ăn tối.

    Ăn tối trong vòng 1 giờ rồi đi làm bài tập về nhà trong vòng một giờ sau đó đi ngủ vào lúc 9 giờ tối ư? Không. Một đống bài tập về nhà khiến bạn không thể hoàn thành trong vòng một giờ. Tiếp theo là các công việc ở những câu lạc bộ mà bạn tham gia... Chẳng biết đến bao giờ bạn mới được đi ngủ.

    Đâu là thời gian đê thư giãn? Đâu là thời gian để thưởng thức? Làm gì có, tất cả những sự sung sướng đó đều bị hoãn lại.

    Ai cũng tự an ủi rằng: "Hãy làm việc chăm chỉ để sau này có thể tận hưởng. Bây giờ vất vả thì sau này sẽ sung sướng hơn". Nhưng chẳng ai trả lời được rằng khi nào chúng ta có thể dừng cố gắng, ngừng cạnh tranh? Cái vòng luẩn quẩn này khiến mọi người ở Silicon Valley không thể tìm ra giá trị của cuộc sống.

    Cuối cùng Lam nhắn với các bạn trẻ ở Silicon Valley rằng hãy tận hưởng cuộc sống. Hãy cứ nuôi tham vọng, hãy cứ học tập và hoạt động chăm chỉ, hãy cứ là những gì mình muốn nhưng đừng quên dừng lại bên đường để ngắm một bông hoa đẹp. Sau tất cả, cuộc sống chẳng còn ý nghĩa gì nếu không có những giây phút hưởng thụ.

    Tham khảo Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày