Hỏi khó: Bắn súng vào viên đạn có làm nó nổ không?

    PnM,  

    Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì sử dụng búa đập lại là một viên đạn khác bắn thẳng vào đuôi đạn?

    Chúng ta đều biết nguyên lý hoạt động của đạn súng: thuốc súng bị đốt cháy sẽ sinh ra áp lực để đẩy đạn đi. Thời cổ dùng đầu đạn chì nhồi từ miệng nòng súng, độ chính xác không cao mà thời gian nạp đạn cũng rất lâu và phức tạp. Tới đầu thế kỷ 19 người ta chế ra súng nạp đạn sau thay cho súng nhồi miệng nòng, nhưng vẫn nhồi thuốc nổ rời đong từ đấu đong, rồi lèn bằng đạn rời.

    Dần dần người ta chuyển súng trường sang nòng xoắn, bắn đầu đạn dài nhọn, liền vỏ. Mồi lửa thay bằng mồi đá lửa rồi mồi hạt nổ, ban đầu hạt nổ đặt cạnh khối thuốc. Sau cùng nữa là loại đạn "giữa", tức hạt nổ đặt giữa đáy vỏ đạn như ngày nay. Khi bắn, kim hỏa chọc vào miếng đồng mềm ở đuôi đạn làm cháy hạt nổ, phụt lửa qua lỗ nhỏ đốt cháy thuốc súng.

    Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì sử dụng búa đập lại là một viên đạn khác bắn thẳng vào đuôi đạn?

    Videoblog FullMag đã làm thí nghiệm bằng cách bắn một viên đạn cỡ .50 BMG vào viên đạn khác. Phát bắn đầu tiên không thực sự chuẩn xác, và viên đạn đích bị bật tung lên. Sau khi thực hiện một vài hiệu chỉnh cần thiết thì lần bắn thứ hai đã đạt được mục đích: viên đạn mồi găm trúng đuôi viên đạn đích.

    Thử nghiệm đạn bắn đạn có gây nổ không?

    Khi quan sát video quay chậm ta có thể thấy vỏ viên đạn đích bị vỡ do va chạm với đạn mồi, và điều này xảy ra nhanh đến mức thuốc súng chưa kịp bắt lửa. Vì thế viên đạn đích đã không phát nổ.

    Về lý thuyết, một viên đạn khi bắn ra nếu trúng vào vỏ viên đạn khác thì có thể kích nổ viên đạn này, nhưng với điều kiện là không được làm hỏng vỏ đạn trước.

    Điều này có thể xảy ra trong hai trường hợp: viên đạn đang bay đã suy yếu, và năng lượng của nó chỉ đủ để kích nổ viên đạn đích mà không gây ra tổn hại; và trường hợp thứ hai là viên đạn mồi có kích thước nhỏ, không đủ sức làm tổn hại đến vỏ viên đạn đích.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ