Hỏi Vinh Xô mua đồ công nghệ thế nào gọi là "giá hợp lý", cậu nhắc tên một chiếc điện thoại Việt Nam sản xuất
Tôi hỏi Vinh liệu có định bỏ mấy trăm triệu ra để mua Huawei Mate XT, và cậu trả lời ...
Cuối năm 2024 này, người tiêu dùng đam mê sản phẩm công nghệ sẽ có dịp chứng kiến những sản phẩm được yêu thích rộng rãi, hiện đại hàng đầu cạnh tranh khốc liệt trong khuôn khổ giải thưởng Better Choice Awards.
Quá trình bình chọn đã tiến dần tới hồi kết, những cá nhân quan tâm tới giải thưởng sắp không còn quyền tự quyết định. Cổng bình chọn sẽ chính thức khép lại vào đêm nay, 0h ngày 26/9, và các sản phẩm cũng như những nhãn hàng tham gia tranh tài sẽ bước vào phần thi khó nhất: lọt vào mắt xanh của nhóm các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.
Khoảnh khắc của sự thật đã gần hiện nguyên hình. Từ ngày mai, hội đồng thẩm định gồm 20 chuyên gia đầu ngành sẽ bắt đầu quá trình chấm điểm, nhằm tìm ra sản phẩm sáng giá nhất trong từng hạng mục trong khuôn khổ giải thưởng Better Choice Awards. Trong thời điểm gay cấn này, chúng tôi đã tranh thủ chút thời gian rảnh của một trong 20 gương mặt ưu tú, đặt cho anh một số câu hỏi về cách anh … tiêu tiền.
Trần Xuân Vinh, nghệ danh Vinh Vật Vờ, hay ngày nay được biết tới rộng rãi với biệt danh Vinh Xô, đã hoạt động trong ngành truyền thông công nghệ được 1 thập kỷ. Sự nghiệp của Vinh thăng trầm theo từng bước phát triển của công nghệ, Vinh hiểu rõ từng thời kỳ mình trải qua, và có được những nhận định sắc sảo về một thị trường công nghệ biến động cực mạnh.
Hãy cùng chúng tôi ngồi lại với Vinh Xô trong một buổi chiều hanh khô của tiết trời thu, xem anh Vinh “bô bô” những gì về cách anh tiêu tiền mua đồ công nghệ.
Bây giờ có tiền rồi, nhưng khi mua đồ công nghệ, bạn sẽ vung tiền vô tội vạ hay vẫn cân nhắc kỹ lưỡng?
Đương nhiên là cả 2 trường hợp.
Có những cái mình cần cân nhắc rất kỹ, ví dụ những thiết bị mình dùng để làm việc hàng ngày. Nhưng có những thiết bị chỉ mua vì sướng thôi. Ví dụ như hôm trước mình vừa xuống tiền mua cái máy in ảnh của Xiaomi này, rồi cả Leica Sofort 2, nói chung trong nhà mình có rất nhiều đồ được mua theo cơn hứng. Chung quy thì sẽ tùy theo mục đích sử dụng, vì những đồ được mua theo hứng thì chỉ để giải trí, không phải đồ phục vụ công việc.
Chứ còn laptop hay điện thoại, ngay cả khi cân nhắc xách tay mua về review đi nữa thì cũng phải nghiên cứu kỹ lắm, đề phòng giá rơi tự do và rơi thẳng vào đầu.
Bạn định nghĩa như thế nào là cho một món đồ đáng mua với giá hợp lý? Có bao giờ bạn mua một món đồ chỉ vì nó đẹp không?
Có chứ. Như mình mua Leica Sofort 2 chỉ vì nó đẹp, nhưng giờ nghĩ lại thì thấy xót quá. Dùng không được như kỳ vọng, mà giá lại còn đắt. Mình mà mua được nó với giá tầm 7 “củ” thôi là sẽ thấy hài lòng, chứ giá tới hơn chục triệu thì đắt quá.
Câu chuyện vừa kể cho thấy ngay mình sẽ đánh giá “một món đồ với giá hợp lý” như thế nào.
À đấy, một ví dụ nữa về việc bất hợp lý. Ngày xưa bỏ tới tận 10 triệu để mua Bphone (cười).
Các cụ dạy “của bền tại người”. Nhưng dường như tôi thấy đồ công nghệ ngày nay dễ hỏng hơn nhiều nhỉ?
Cá nhân mình vẫn đồng ý với quan niệm “của bền tại người”. Bằng chứng thực tế và niềm tin tâm linh của mình đều cho thấy, rằng đồ của mình đang dùng bình thường nhưng cứ vào tay ông anh là y như rằng, hỏng!
Chứ còn bây giờ, điện thoại hai mặt kính lung linh thật đấy, nhưng rơi một phát, dù sấp hay ngửa thì kiểu gì cũng hỏng. Hay lại nói tới những công nghệ tiên tiến như Face ID cần rất nhiều linh kiện, có thể hỏng sau một thời gian dài sử dụng.
Câu chuyện này cũng đúng với các thiết bị gia dụng khác như TV, tủ lạnh. Giờ thiết bị nhiều tính năng hơn, khó bảo trì được hết, nên dễ hỏng lắm. Trong ngành ô tô cũng có câu chuyện tương tự: quan niệm cũ cho rằng dòng Toyota ít hỏng, nhưng thực ra có mấy thứ để mà hỏng đâu chứ.
Nhân viên của bạn chủ yếu thuộc thế hệ nào? Bạn nhận ra những “khác biệt thế hệ” gì không, nhất là trong tư duy về mảng công nghệ?
Nhân viên nhà mình toàn Gen Z, với 2k4 là thành viên “cao tuổi” nhất ở đây.
Khác biệt về tư duy thì nhiều. Ngày xưa, cái thời mình bắt đầu tiếp xúc với đồ công nghệ là thời thiết bị vẫn còn “đơn sơ” lắm. Bố mình có cái điện thoại đen trắng chơi được trò đua ô tô là đã tuyệt vời lắm rồi. Đưa máy này cho trẻ em ngày nay giải trí, các cháu lại chả vứt đi ấy chứ.
Thế hệ các bạn Gen Z bây giờ có vô vàn hình thức giải trí, từ smartphone chơi được game “bom tấn”, cho tới máy chơi game như Nintendo Switch, ASUS ROG Ally, … thời chúng mình muốn chơi SNES thì cũng phải ra hàng. (Vâng, ngày xưa điện tử 4 nút cũng mở được “hàng nét” nhé).
Có một khác biệt thế hệ nữa như thế này: có những thứ thực sự làm mình cảm thấy choáng ngợp khi biết ngày xưa công nghệ tương tự “cùi bắp” như thế nào, nhưng với các bạn Gen Z, thì các thiết bị này chỉ đơn thuần là công cụ phục vụ cuộc sống đời thường.
Gen Z sinh ra trong thời kỳ các sản phẩm công nghệ đã ổn định rồi, không còn quá nhiều đột phá lớn.
Bạn thuộc nhóm người tiêu dùng nào: đu trend hay kiên nhẫn đợi sản phẩm tốt?
Lại một lần nữa, cả hai trường hợp đều đúng với mình.
Một mặt, trên thị trường sẽ xuất hiện những sản phẩm khiến mình phải “đu trend”, đơn cử như những thiết bị mới ra và có tính năng mới chẳng hạn. Chẳng đâu xa, mình đánh đu trend điện thoại gập vì hy vọng nó sẽ mang lại một trải nghiệm quen thuộc mà mới lạ.
Mặt khác, có những sản phẩm không kiên nhẫn chờ không được, với mình đó chính là Apple Vision Pro. Chỉ cần dùng thử thôi là mình thấy không bao giờ mua thế hệ Apple Vision Pro đầu tiên, mà sẽ đợi “mấy mùa khoai” nữa để thử lại.
Ví dụ như những thiết bị tai nghe open-ear - cái mà kẹp vào tai như cái khuyên tai ấy, dù bản thân nó không quá phổ biến, nhưng mình đi đầu trong xu hướng review loại tai nghe này. Năm vừa rồi mình đã review vài ba sản phẩm open-ear, hứng thú với sự mới lạ mà nó mang lại.
Còn khi cân nhắc mua những thiết bị sẽ dùng hàng ngày như tablet, laptop hay máy ảnh, rõ ràng mình sẽ đợi những sản phẩm thực sự tốt và hợp nhu cầu. Với những thiết bị mà mình xác định sẽ dùng lâu dài hay sẽ phải bỏ một số tiền lớn để sắm, mình sẽ kiên nhẫn đợi sản phẩm tốt.
Quan trọng hơn cả vẫn là giá thành hợp lý. Cứ như chiếc điện thoại Huawei Mate XT có khả năng gập 3 vừa ra mắt này, giá xách tay về Việt Nam lên tới cả trăm triệu, ai mua đi rồi mình mượn chứ tự mua làm gì (cười).
Sau này, giá những chiếc điện thoại gập 3 này cũng sẽ giảm xuống tới mức chấp nhận được thôi. Cứ như xu hướng điện thoại gập đấy, hiện giờ chỉ hơn 13 triệu là đã có thể sở hữu máy gập vỏ sò rồi. Hay thay vì mua những mẫu mới nhất, người dùng có thể mua máy đời trước với giá rẻ hơn đáng kể.
Bạn đang ngóng chờ giải thưởng nào tại sự kiện Better Choice Awards 2024?
Cũng khá bất ngờ khi một lần nữa góp mặt trong “ban bánh khảo” của giải thưởng Better Choice Awards năm nay, nhưng một khi nhận lời mời tham gia vào hội đồng thẩm định, mình biết kiểu gì cũng có một bài phỏng vấn hỏi câu này (cười).
Thật tình, mình ngóng chờ nhất là Thiết bị cá nhân đáng mua với giá hợp lý và Thiết bị gia đình đáng mua với giá hợp lý, một phần vì mình cũng giống bao người dùng khác, thích đồ ngon giá tốt. Phần còn lại, là vì mình đã có gia đình, và vợ mình cũng thích đồ tốt giá phù hợp.
Mặt khác, mình ngóng chờ giải Thương hiệu Đổi mới sáng tạo phục vụ người dùng và doanh nghiệp, một hạng mục rất đặc biệt sẽ chỉ được công bố vào đêm gala. Mình may mắn là một người trong hội đồng thẩm định và biết một số “tin mật”, nhưng mình không bật mí đâu (cười).
Better Choice Awards tri ân và tôn vinh những "Giá trị Đổi mới sáng tạo" về sản phẩm, dịch vụ, thành tựu mang đến lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, tạo ra điểm khác biệt khi không đi tìm "lựa chọn tốt nhất phân khúc", mà hướng tới nhu cầu thực tế của người dùng để giúp họ tìm ra thương hiệu, sản phẩm phù hợp nhất.
Giải thưởng đã bắt đầu mở cổng bầu chọn công khai vào ngày 9/9/2024, sau buổi họp báo tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6B Hoàng Diệu. Thời gian đóng cổng bình chọn đến hết ngày 25/9/2024. Nhanh tay bầu chọn cho thương hiệu bạn yêu thích chiến thắng đề cử tại Better Choice Awards 2024 thông qua website: https://betterchoice.vn/
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI