Hơn 100 triệu dân Trung Quốc lại phải sống trong cảnh phong tỏa vì Covid-19, sự thất vọng bao trùm
Khoảng 108 triệu người ở đông bắc Trung Quốc đang dần bị đưa trở lại trạng thái phong tỏa sau khi nhà chức trách phát hiện một ổ dịch Covid-19 ở khu vực này.
Trong một cú đảo ngược bất ngờ, khi các thành phố khắp Trung Quốc đang mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, các đô thị ở tỉnh Cát Lâm đã buộc phải cắt đứt các tuyến xe lửa, dừng hoạt động xe buýt, đóng cửa trường học và cách ly hàng chục nghìn người. Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đang làm nhiều người dân mất tinh thần, nhất là khi họ nghĩ rằng thời khắc tồi tệ nhất của dịch bệnh đã trôi qua.
"Người dân cảm thấy cần thận trọng thêm một lần nữa. Trẻ em chơi ngoài đường lại phải đeo khẩu trang và các nhân viên y tế lại phải đi làm trong bộ đồ bảo hộ. Cảm giác bực bội nhất là bạn không biết khi nào những thứ này mới kết thúc", Fan Pai, một nhân viên của công ty thương mại ở Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc cho biết.
Khi Covid-19 trở lại ở Trung Quốc, nước này đã nhanh chóng hành động vì lo sợ làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng lên. Những gì đang diễn ra ở Trung Quốc cho thấy quá trình bình thường hóa mong manh đến thế nào, nhát là khi những ổ dịch nhỏ cũng có thể dẫn đến việc phong tỏa trên diện rộng để ngăn dịch bệnh lây lan.
Thông qua WeChat hôm 18/5, Chính quyền Shulan, thành phố ở Cát Lân, cho biết sẽ áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn virus lây lan. Các khu nhà có người nghi nhiễm sẽ bị phong tỏa. Mỗi gia đình chỉ có một người được phép ra ngoài 2 ngày 1 lần để mua nhu yếu phẩm trong 2 giờ.
Lực lượng chức năng tiến hành phun thuốc khử trùng ở Cát Lâm.
Shen Jia, một nhân viên bán hàng cho một công ty ở Thẩm Dương, đã buộc phải hủy chuyến công tác 3 ngày tới Cát Lâm vì anh ta sẽ phải trải qua 21 ngày cách ly sau khi trở về. Một nhà hàng quốc doanh anh ta ghé hồi tuần trước đã buộc nhóm 3 người của anh phải ngồi riêng vì mỗi bàn chỉ được phép có 2 người ngồi.
"Bạn có thể thấy sự kiểm soát đang chặt chẽ hơn. Người dân cũng đã thận trọng hơn và giảm bớt các hoạt động ngoài trời". Shen chia sẻ.
Những gì đang diễn ra ở Cát Lâm gợi nhớ giai đoạn tháng 2 và tháng 3 vừa qua, khi cả nước Trung Quốc tiến hành phong tỏa. Tuy nhiên, ở Cát Lâm hiện nay mới chỉ có 127 ca mắc Covid-19 mới, thấp hơn nhiều so với con số 68.000 trường hợp mắc Covid-19 ở tâm dịch Hồ Bắc vài tháng trước.
Dẫu vậy, dịch vụ giao hàng đã bị tạm dừng. Các cửa hàng bị cấm bán thuốc hạ sốt để ngăn mọi người che giấu tình trạng bệt tật. Sự căng thẳng đã lan sang các khu vực lân cận ngay cả khi chưa có trường hợp mắc Covid-19 nào chính thức được xác nhận ở những nơi đó.
Wang Yuemei, một công nhân nhà máy dượt ở khu vực láng giềng Tonghua, cho biết: "Mọi người đều cảm thấy bồn chồn. Tôi không bao giờ nghĩ rằng tỉnh Cát Lâm sẽ là nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 khi cả nước đang trên đà trở lại bình thường".
Giao thông bị phong tỏa vì dịch bệnh bùng phát.
Sau khi đối mặt với sự chỉ trích toàn cầu vì phản ứng chậm trễ trước sự bùng nổ của dịch bệnh ở Vũ Hán, Trung Quốc đang thực hiện các bước đi cứng rắn nhằm ngăn chặn virus lây lan ở phía đông bắc đất nước. Phó Thủ tướng Sun Chunlan, người phụ trách bộ máy chống virus ở Vũ Hán, đã đến Cát Lâm vào ngày 13/5. Cuối tuần trước, người đứng đầu về mặt đảng ở Shulan, nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên của đợt dịch mới, đã bị cách chức cùng 5 người khác.
Áp lực chống dịch thậm chí đang rất lớn với lãnh đạo các địa phương ở Trung Quốc. Hiện tại, người ta chưa thể xác định được nguyên nhân của các ổ dịch này dù nghi ngờ ban đầu cho rằng những người trở về từ Nga là nguyên nhân. Ngoài ra, việc tái phong tỏa cũng là một lời nhắc rằng trận chiến với Covid-19 ở Trung Quốc còn lâu mới kết thúc.
Dù là ổ dịch đầu tiên trên thế giới nhưng nhà dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc là Zhong Nanshan nhấn mạnh rằng thời điểm hiện tại vẫn là nguy hiểm bởi người Trung Quốc chưa có miễn dịch cộng đồng trước Covid-19. Thậm chí, ông Zhong còn nói rằng tình hình ở Trung Quốc không tốt hơn so với các quốc gia khác trong vấn đề dịch bệnh.
Cái giá của việc phong tỏa chống Covid-19 vẫn luôn rất đắt đỏ. Trên mạng xã hội, xuất hiện hình ảnh một số học sinh trung học rơi lệ khi được yêu cầu rời trường. Quyết định này sẽ lấy đi của học sinh thời gian quý báu để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, sắp sửa diễn ra ở Trung Quốc trong 2 tháng tới.
Zhou Han, một học sinh 18 tuổi ở Cát Lâm, cho biết: "Chúng tôi thật không may mắn khi dịch bệnh xảy ra vào thời điểm này. Tôi rất lo lắng vì phải chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng mà không có sự giám sát và hướng dẫn phút cuối của các thầy cô giáo".
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín