Hơn 200 cá nhân, tổ chức VN có tên trong 'tài liệu Panama'

    PV,  

    Dữ liệu về hơn 200.000 tài khoản nước ngoài liên quan tới vụ Tài liệu Panama vừa xuất hiện trên mạng hôm 9/5.

    Từ 18h hôm 9/5 theo giờ GMT, người dân trên khắp thế giới có thể truy cập trang offshoreleaks.icij.org để xem dữ liệu về hơn 200.000 tài khoản ngân hàng do các cá nhân, tổ chức lập ở nước ngoài, BBC đưa tin.

    Truy cứ kho dữ liệu này thì Việt Nam có khoảng 189 cá nhân, 19 công ty offshore và 23 công ty trung gian trong danh sách "Tài liệu Panama."

    Việc xuất hiện tên trong "Tài liệu Panama" hay việc có công ty offshore không đồng nghĩa với việc phạm pháp. Nhiều công ty và cá nhân có hoạt động thương mại ở nước ngoài có lập các công ty, tài khoản offshore này để thuận lợi cho việc giao dịch.

    Tuy vậy, những người chỉ trích thì cho rằng việc có công ty offshore có thể tạo điều kiện dễ dàng cho việc trốn thuế hay rửa tiền có từ hối lộ, tham nhũng hay các hành vi sai trái khác.

    Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson đã phải từ chức sau khi "Tài liệu Panama" công bố tên ông trong danh sách này. Trong danh sách, thông tin về số tài khoản ngân hàng, số điện thoại và email đã được gỡ bỏ.

    Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) tuyên bố việc công bố các dữ liệu này là vì "lợi ích của công chúng".

    Người dân Iceland biểu tình hôm 4/4 sau khi dữ liệu trong vụ Tài liệu Panama cho thấy thủ tướng của họ, ông Sigmundur Gunnlaugsson giấu tài sản ở nước ngoài. Sau đó, ông Gunnlaugsson đã từ chức. Ảnh: BBC

    Cũng trong ngày 9/5, 300 nhà kinh tế ký một lá thư thỉnh cầu các nhà lãnh đạo thế giới đập tan những "thiên đường trốn thuế". Họ cho rằng chúng chỉ mang lại lợi ích cho người giàu và giới doanh nghiệp đa quốc gia, trong khi làm tăng bất bình đẳng.

    "Sự tồn tại của những thiên đường trốn thuế không hề đóng góp vào sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu. Chúng không phục vụ bất kỳ mục đích kinh tế hữu ích nào", lá thư khẳng định.

    Tuần trước, "John Doe", người cung cấp dữ liệu trong vụ Tài liệu Panama, khẳng định bất bình đẳng về thu nhập là động cơ khiến anh hành động. Theo anh, ngân hàng, các cơ quan giám sát tài chính và giới chức thuế đang bất lực trước hành vi giấu tài sản của giới siêu giàu. "John Doe" khẳng định anh chưa bao giờ làm việc cho cơ quan tình báo hay chính phủ nào, đồng thời nhấn mạnh anh sẵn sàng giúp đỡ chính quyền các nước phá án.

    Tài liệu Panama là vụ rò rỉ khối dữ liệu của công ty luật Mossack Fonseca. Dữ liệu cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.

    Công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.

    Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...

    Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo Virgin thuộc Anh.

    Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ