Theo tin từ VNNIC, có khoảng hơn 746.000 tên miền tiếng Việt đã hết hạn sử dụng từ ngày 31/12/2016 và không thực hiện nộp phí duy trì theo quy định đã được giải phóng về trạng thái tự do để cấp phát cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng.
Chỉ khoảng 20% tên miền tiếng Việt đã đăng ký thực sự “sống”
Chia sẻ về hành trình 13 năm triển khai tên miền tiếng Việt, đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, tên miền tiếng Việt là kết quả nghiên cứu và ứng dụng thành công của VNNIC. Công trình Hệ thống tên miền tiếng Việt đã đoạt “Giải thưởng sáng tạo KH^CN Việt Nam” - Vifotec năm 2003 của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Đây là một trong những biện pháp và công cụ để hỗ trợ người Việt Nam có thể dễ dàng sử dụng ứng dụng CNTT bằng tiếng Việt.
Tiếp đó, vào tháng 4/2004 tên miền tiếng Việt được VNNIC triển khai thử nghiệm và cung cấp chính thức từ tháng 3/2007. Bắt đầu từ 10/1/2011, Trung tâm đã triển khai cấp phát tên miền tiếng Việt miễn phí theo quy định tại Thông tư 189/2010/TT-BTC ngày 24/11/2010 của Bộ Tài chính với 2 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn ưu tiên, từ 10/1/2011 đến 27/4/2011 cho các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội; tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, bản quyền…; Giai đoạn tự do, miễn phí bắt đầu từ ngày 28/4/2011.
Theo VNNIC, kết quả tên miền tiếng Việt phát triển vượt bậc, năm 2011 có tổng số 495.090 tên miền được cấp, gấp gần 3 lần tổng số tên miền truyền thống (tên miền không dấu) đã phát triển được trong suốt 11 năm vừa qua. Đặc biệt, trong vòng 4 tháng, từ ngày 28/4/2011 đến ngà 29/08/2011, đã có 360.357 tên miền tiếng Việt được đăng ký, gấp hơn 2 lần tổng số tất cả các loại tên miền mà VNNIC phát triển được trong suốt 11 năm trước đó.
“Tính tới tháng 7/2014, số lượng tên miền tiếng Việt đăng ký đã chạm mốc 1 triệu. Đây là kết quả ấn tượng, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng và tiềm năng phát triển tên miền tiếng việt, đánh dấu sự phát triển Internet ở Việt Nam trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng tên miền tiếng Việt có sử dụng các dịnh vụ, thực sự “sống” trên mạng chỉ chiếm khoảng 20% tổng số tên miền đã đăng ký”, đại diện VNNIC chia sẻ.
Cấp phát mới 4.211 tên miền tiếng Việt trong 5 tháng đầu năm 2017
Năm 2017 được đánh giá là dấu mốc mở đầu giai đoạn phát triển mới của tên miền tiếng Việt - giai đoạn đi vào phát triển bền vững.
Cụ thể, sau hơn 6 năm áp dụng phí duy trì sử dụng tên miền tiếng Việt ở mức 0 đồng nhằm khuyến khích người sử dụng, theo quy định tại Thông tư 208 ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí tên miền quốc gia “.VN” và địa chỉ Internet (IP) của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 1/1/2017, toàn bộ các tên miền tiếng Việt được áp mức phí duy trì là 20.000 đồng/1 năm. Thời điểm tính gia hạn được xác định thống nhất cho tất cả các tên miền là từ ngày 1/1/2017.
Trước đó, trong thông tin công bố hồi trung tuần tháng 4/2017 , VNNIC đã cho biết, nhằm hỗ trợ các chủ thể đã đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt trước ngày 31/12/2016 có đủ thời gian tiếp cận thông tin và thực hiện nộp phí duy trì sử dụng cho các tên miền tiếng Việt có ngày hết hạn trước 31/12/2016, thời hạn chậm nhất có thể duy trì tên miền đã được gia hạn tới hết ngày 31/3/2017. Sau thời gian này, các tên miền không được đóng phí duy trì được giải phóng và trả về trạng thái tự do để các chủ thể khác có thể đăng ký sử dụng.
Đồng thời, VNNIC cũng lưu ý, chủ thể đăng ký sử dụng tên miền tiếng Việt phải có trách nhiệm theo dõi danh sách tên miền tiếng Việt mà mình đã đăng ký sử dụng và thời gian hết hạn của mỗi tên miền để thực hiện việc duy trì tên miền của mình trong thời gian quy định.
Việc thu hồi tự động tất cả những tên miền tiếng Việt đã hết hạn mà không được gia hạn sử dụng theo quy định đã được VNNIC thực hiện từ ngày 17/4/2017. Theo số liệu thống kê mới nhất của VNNIC, có khoảng hơn 746.000 tên miền tiếng Việt hết hạn sử dụng từ ngày 31/12/2016 và không thực hiện nộp phí duy trì theo quy định, đã được giải phóng về trạng thái tự do để cấp phát cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu.
Thống kê của VNNIC cho hay, số lượng tên miền tiếng Việt đăng ký mới từ thời điểm áp dụng thu phí (1/1/2017) đến nay là 4.211 tên miền. Và tính đến hết ngày 31/5/2017, có tổng số ten miền tiếng Việt được duy trì sử dụng là 247.926 tên miền.
Cùng với việc áp dụng quy định mới - thu phí duy trì sử dụng tên miền tiếng Việt, cũng từ thời điểm 1/1/2017, VNNIC đã chuyển giao toàn bộ tên miền tiếng Việt được đăng ký trực tiếp tại VNNIC trước đây sang quản lý tại nhà đăng ký.
Với việc chuyển đổi sang mô hình quản lý VNNIC - Nhà đăng ký như với tên miền không dấu “.VN”, thay vì đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt tại VNNIC như trước đây, người dùng sẽ được đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt tại hệ thống các nhà đăng ký.
Sự tham gia của các nhà đăng ký vào thị trường tên miền tiếng Việt được nhận định là sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chủ thể có thể dễ dàng lựa chọn đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt của mình; đồng thời cũng hứa hẹn sẽ tạo nên sự sôi động cho thị trường này.
Theo VNNIC, thời điểm hiện tại, đã có 6 nhà đăng ký triển khai cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền tiếng Việt ra cộng đồng, đó là Công ty cổ phần DOT VN INC; Công ty CP iNET; Công ty CP GMO-Z.com RUNSYSTEM; Công ty TNHH P.A Việt Nam; Công ty TNHH Giải pháp trực tuyến ESC và Công ty Mắt Bão.
“Các nhà đăng ký còn lại cũng đang hoàn tất các công tác chuẩn bị để sớm cung cấp dịch vụ tên miền tiếng Việt ra cộng đồng”, đại diện VNNIC chia sẻ.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?