Honda hứa hẹn pin thể rắn có thể tăng phạm vi hoạt động của xe điện lên 1.000 km vào năm 2030

    Đức Khương,  

    Với kế hoạch phát triển loại pin mới có phạm vi hoạt động lên đến 620 dặm (1.000 km) chỉ trong một lần sạc, hãng ô tô Nhật Bản này đang tiến gần hơn đến việc giải quyết "nỗi lo về phạm vi" – yếu tố khiến nhiều người còn e ngại khi chuyển sang sử dụng xe điện.

    Tháng 11 vừa qua, Honda đã công bố một dây chuyền sản xuất thử nghiệm dành riêng cho pin thể rắn – công nghệ hứa hẹn sẽ cách mạng hóa xe điện. Đây là loại pin sử dụng chất điện phân rắn thay vì chất điện phân lỏng như trong các loại pin lithium-ion truyền thống. Kế hoạch của Honda là bắt đầu ứng dụng công nghệ này vào các mẫu xe điện của hãng trong nửa sau thập kỷ này, tiến tới thương mại hóa quy mô lớn vào năm 2030.

    Theo ông Keiji Otsu, Chủ tịch kiêm Giám đốc R&D của Honda, pin thể rắn chính là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong ngành xe điện. So với pin lithium-ion hiện tại, loại pin mới sẽ nhỏ hơn 50%, nhẹ hơn 35%, và rẻ hơn 25%, đồng thời mang lại mật độ năng lượng cao hơn và độ an toàn vượt trội.

    Honda hứa hẹn pin thể rắn có thể tăng phạm vi hoạt động của xe điện lên 1.000 km vào năm 2030- Ảnh 1.

    Honda không chỉ đặt mục tiêu đưa pin thể rắn vào sử dụng vào năm 2030 với phạm vi 620 dặm (1.000 km), mà còn kỳ vọng tăng con số này lên 776 dặm (1.249 km) vào năm 2040. Đây sẽ là bước tiến lớn không chỉ đối với riêng Honda mà còn đối với ngành xe điện toàn cầu.

    Việc mở rộng phạm vi hoạt động của EV sẽ giải quyết được mối lo lớn nhất của người dùng – nỗi sợ hết pin giữa đường. Đồng thời, nếu chi phí sản xuất pin thể rắn giảm như dự kiến, giá thành xe điện cũng sẽ giảm, khiến chúng trở nên dễ tiếp cận hơn.

    Ngoài ra, công nghệ này còn góp phần giảm lượng khí thải carbon, giúp thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.

    Honda hứa hẹn pin thể rắn có thể tăng phạm vi hoạt động của xe điện lên 1.000 km vào năm 2030- Ảnh 2.

    Tuy nhiên, trên thực tế, dù có nhiều tiềm năng nhưng pin thể rắn vẫn đối mặt với các thách thức kỹ thuật lớn, đặc biệt khi sản xuất ở quy mô lớn cho ngành ô tô. Một trong những vấn đề lớn nhất là độ giòn của bộ tách gốm, vốn có nhiệm vụ ngăn cách cực dương và cực âm trong pin. Sự giãn nở và co lại trong quá trình sạc, xả có thể làm bộ tách này nứt, dẫn đến đoản mạch và hư hỏng pin.

    Thêm vào đó, chất điện phân rắn trong pin thể rắn hiện nay vẫn chưa đạt hiệu suất như chất điện phân lỏng. Điều này khiến tốc độ dẫn ion giữa các cực bị hạn chế, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của pin. Một vấn đề khác là hiện tượng đuôi gai lithium hình thành trong quá trình sử dụng, có thể xuyên thủng chất điện phân và gây sự cố.

    Pin thể rắn mang đến nhiều lợi ích mà các công nghệ pin hiện tại khó sánh bằng, có thể kể đến như:

    • Mật độ năng lượng vượt trội: Nhờ sử dụng cực dương lithium nguyên chất thay vì than chì, loại pin này có thể lưu trữ nhiều năng lượng hơn trong không gian nhỏ hơn. Điều này giúp tăng đáng kể phạm vi hoạt động của xe điện.
    • Tính an toàn cao hơn: Pin thể rắn không chứa các dung môi dễ cháy như ethylene carbonate, thường được sử dụng trong pin lithium-ion. Điều này làm giảm nguy cơ cháy nổ ngay cả khi pin bị hỏng.
    • Khả năng chịu nhiệt tốt: Chất điện phân rắn không yêu cầu kiểm soát nhiệt độ khắt khe như các loại pin hiện tại, giúp tăng độ bền và hiệu suất.

    Những ưu điểm này không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn giúp xe điện trở nên thân thiện hơn với người dùng, đặc biệt là trong các hành trình dài.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày