Hỏng mắt khi lên 6, coder này vẫn quyết tâm đem Internet đến gần hơn với người khiếm thị

    Long.J,  

    Một start-up công nghệ ở Đông Quản đã hợp tác với Taobao để đảm bảo những người dùng khiếm thị không bị bỏ lại trong bóng tối.

    Thị trấn Chương Mộc Đầu, Đông Quản - Trung Quốc

    Trên tầng 4 của một khu nhà tập thể phía đông Đông Quản, 4 coder khiếm thị đang làm việc. Họ đeo tai nghe và nhập liệu bằng bàn phím nổi còn màn hình trước mặt vốn tắt ngúm ngay từ đầu.

    "Không ít người cho rằng, đã khiếm thị sẽ không thể sử dụng máy tính vì có thấy gì đâu - nhưng sự thật không phải vậy," coder kiêm kỹ sư máy tính Thái Dũng Bân, cũng là người khiếm thị cho hay.

    "Họ không cần màn hình, họ chỉ cần âm thanh. Chúng tôi giúp tiết kiệm điện đấy chứ," anh chàng 31 tuổi hóm hỉnh nói tiếp.

    Vào tháng 6/2018, Thái sáng lập công ty Công nghệ Thông tin Yitong, một start-up đem ước mơ sử dụng Internet đến gần hơn với những người cùng hoàn cảnh. Cả công ty này chỉ có 8 người nhưng 6 coder đều là người khiếm thị.

    Gặp gỡ CEO của start-up quyết tâm đem Internet đến gần hơn với người khiếm thị

    Hỏng mắt khi lên 6, coder này vẫn quyết tâm đem Internet đến gần hơn với người khiếm thị - Ảnh 2.

    Thái, người sáng lập công ty Công nghệ Thông tin Yitong

    Thái sinh ra và lớn lên ở Chương Đầu Mộc. Năm 6 tuổi, anh vô tình bị vôi đổ lên đầu trong một lần sửa nhà khiến thị lực suy yếu. Sau 24 năm nỗ lực điều trị, những gì Thái nhìn thấy chỉ là tia sáng le lói mà anh phải dùng thuốc nhỏ mắt nội tiết tố để duy trì.

    Thế giới này quả rộng lớn và có nhiều cách để sống nhưng ở Trung Quốc, đã nghèo lại khiếm thị thường chỉ có 2 con đường: Thợ tẩm quất hoặc làm nhạc.

    "Trên Internet, tôi cũng giống như mọi người, không ai nhìn thấy khiếm khuyết của tôi cả"

    Không chạy trốn số phận hoặc theo học trường dành cho người khiếm thị, Thái vẫn theo học trường bình thường ở Thanh Đảo.

    Khi còn đi học, Thái nhận ra nhiều người như mình vẫn có thể sử dụng máy tính. "Hồi đó, khi nghĩ về máy tính, tôi tưởng tượng nó là thứ tăm tối đáng sợ, kiểu như cái đầu lâu vậy - vì tất cả những gì tôi nghe được về máy tính trên TV chỉ toàn nhắc đến virus thôi," Thái kể tiếp.

    Hỏng mắt khi lên 6, coder này vẫn quyết tâm đem Internet đến gần hơn với người khiếm thị - Ảnh 3.

    Công ty của Thái không thiếu máy tính, nhưng 6 coder đều làm việc trước màn hình tối đen vì họ chỉ cần nghe là code được rồi

    Sau khi được tiếp xúc với máy tính, Thái bắt đầu hứng thú với lập trình. Trên thực tế, anh là người khiếm thị đầu tiên ở trường yêu cầu được học code. Đáng tiếc, trong trường không có ai được đào tạo để dạy code cho người như Thái.

    Thái tự học, bắt đầu với C .

    Anh đeo headphone và chăm chú nghe các bài giảng, hết phần này qua phần khác. Nhiều chỗ khó quá chẳng hiểu gì, cứ ôm nỗi băn khoăn đó mà trằn trọc cả đêm.

    "Học lập trình quả thực khiến tôi phấn khích, lúc đó tôi tin mình sẽ vượt qua được những điều không tưởng."

    Trong một lần dò dẫm ra cửa hàng tạp hóa để mua Coca-cola, Thái không biết mình đã mua nhầm phải lon bia. Anh giật nắp và làm một ngụm và phải nhổ ra luôn vì lạ miệng. Quả là tai hại vì Thái bị dị ứng với bia.

    Việc đó khiến Thái trăn trở rằng, nếu người khổng lồ mua sắm Taobao có thể dễ dùng hơn, cộng đồng người khiếm thị ở Trung Quốc sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Rõ ràng mắt không thấy gì lại không tiện đi lại, người ta sẽ tập trung hơn vào mua sắm online.

    "Tôi thích lên mạng lắm," Thái nói. "Trên Internet, tôi cũng như mọi người. Không ai thấy khiếm khuyết của tôi cả."

    Trên thực tế, Taobao có vài tính năng dành riêng cho người khiếm thị. Tuy nhiên vẫn tồn tại vấn đề lớn: Chữ nghĩa có thể chuyển thành giọng nói nhưng thông tin trong ảnh thì đúng chịu, vẫn phải nhìn mới biết được. Vả lại, bất cứ món đồ nào trên Taobao có hàng tá ảnh, trong mỗi bức ảnh lại chứa đựng lượng thông tin rất lớn.

    Hỏng mắt khi lên 6, coder này vẫn quyết tâm đem Internet đến gần hơn với người khiếm thị - Ảnh 4.

    Hai coder của Yitong bóp vai cho nhau sau cả ngày dài làm việc

    Trong năm 2018, Taobao bắt tay với công ty của Thái để phát triển công nghệ mới, có thể chuyển thông tin trong ảnh sang giọng nói. Dự án này ngay lập tức được cộng đồng người khiếm thị ở Trung Quốc ủng hộ.

    Theo Alibaba, công ty mẹ của Taobao thì họ có khoảng 300.000 khách hàng thường xuyên là người khiếm thị. Trong ngày hội mua sắm hoành tráng 12/12 vừa qua, công nghệ đọc thông tin trên ảnh cho người khiếm thị của Thái đã được sử dụng gần 100 triệu lần mỗi ngày.

    Hỏng mắt khi lên 6, coder này vẫn quyết tâm đem Internet đến gần hơn với người khiếm thị - Ảnh 5.

    Internet là một trong những điều đặc biệt thần kỳ với người khiếm thị

    Đó không phải quả ngọt duy nhất mà Internet mang đến cho cuộc sống tối tăm của Thái.

    Năm 2009, Thái vô tình quen biết một cô gái trên mạng, đang học tập ở Canada. Tuy nhiên, anh giấu biệt việc mình là người khiếm thị.

    Sau khi nói chuyện mỗi ngày và trở nên thân thiết, tin tưởng nhau hơn, Thái kể với bạn về khiếm khuyết của mình.

    "Cuối cùng anh cũng chịu nói ra, em biết tất cả rồi," người con gái cách xa Thái nhiều nghìn cây số trả lời. Vượt qua nhiều mặc cảm, sự chân thành đã đưa họ đến với nhau sau 10 năm hẹn hò. Cái kết chính là đám cưới ngọt ngào diễn ra vào tháng 12 vừa qua.

    "Internet chính là cuộc cách mạng cho người khiếm thị," Thái nói. "Nó đã biến nhiều điều không tưởng thành hiện thực, cho chúng tôi cơ hội bình đẳng như tất cả mọi người."

    Theo S.T

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ