Sau khi mất mảng điện thoại di động, Nokia và Huawei có cấu trúc kinh doanh rất giống nhau, đều lấy dịch vụ doanh nghiệp viễn thông làm hướng phát triển trọng tâm.
Bản báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 của Huawei là một thảm họa.
Nó cho thấy doanh thu năm 2021 của Huawei là 636,8 tỷ nhân dân tệ, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù lợi nhuận ròng là 113,7 tỷ nhân dân tệ, tăng 75,9% so với năm 2020, nhưng con số này đến từ khoản bán đứt thương hiệu điện thoại Honor. Phần thu nhập ròng này là 57,431 tỷ nhân dân tệ, nên sau khi trừ đi, lợi nhuận ròng của Huawei thực sự đã giảm khoảng 13% so với lợi nhuận ròng của năm ngoái.
Trong số đó, mảng kinh doanh tiêu dùng, vốn bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ, đã giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước, trở lại mức của 5 năm trước đây.
Điểm khởi sắc duy nhất là mảng kinh doanh thiết bị viễn thông một lần nữa trở thành đơn vị có doanh thu cao nhất của Huawei.
Là một công ty khởi nghiệp từ viễn thông, Huawei, vốn đã mất đi thị trường thiết bị đầu cuối, nay lại trở về với điểm xuất phát.Điều này có thể khiến nhiều người gợi nhớ đến việc Nokia đã tổ chức lại mảng kinh doanh viễn thông sau khi bán đi mảng kinh doanh điện thoại di động, và một lần nữa trải nghiệm cảm giác thành công.
Vậy, liệu Huawei có đang nuôi hi vọng trở thành một Nokia thứ 2, vẽ lại thành công mang tính lịch sử của gã khổng lồ công nghệ Phần Lan. Hay thực tế chỉ đang cố gắng xoay sở để sinh tồn giữa muôn vàn áp lực?
Năm 2010, thiết bị đầu cuối chỉ chiếm 16,6% tổng doanh thu của Huawei, chưa bằng một phần nhỏ của mảng dịch vụ viễn thông. Nhưng kể từ thời điểm đó, khi điện thoại di động của Huawei ngày càng bán chạy trên phạm vi toàn thế giới, mảng kinh doanh tiêu dùng đã dần thay thế mảng kinh doanh viễn thông để trở thành đơn vị có doanh thu cao nhất. Đáng tiếc rằng sau nhiều đợt trừng phạt bằng chính sách, Huawei nay đã trở lại điểm xuất phát của mình, một đơn vị kinh doanh B2B (Business to Business).
Báo cáo thường niên cho thấy vào năm 2021, hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei gần như giảm một nửa, từ 482,916 tỷ nhân dân tệ năm ngoái xuống còn 243,431 tỷ nhân dân tệ, thấp hơn một chút so với số liệu của năm 2017.Tỷ trọng kinh doanh tiêu dùng cũng đã giảm từ 50% trong vài năm qua, xuống còn 38,28%.
Nó cũng đánh dấu lần đầu tiên hoạt động kinh doanh tiêu dùng của Huawei sa sút trong những năm gần đây. Nên biết rằng ngay cả trong thời gian cấm vận của năm 2020, Huawei vẫn duy trì mức tăng trưởng khiêm tốn là 3,3%.
Hiện tại, các lô hàng điện thoại di động Huawei trên toàn cầu đã rơi khỏi top 5 và được các cơ quan dữ liệu lớn xếp vào loại "khác", chứ không còn được tính riêng như trước nữa. Tại thị trường quê nhà Trung Quốc, dữ liệu đối chiếu cho thấy vào năm 2021, thị phần của Huawei chỉ còn 10%, giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu của Omdia, vào năm 2021, tổng lượng xuất xưởng điện thoại của Huawei giảm khoảng 81% so với năm trước.
Về máy tính bảng, thị phần của Huawei trên thị trường toàn cầu vào năm 2021 là 9,7%, giảm 32,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về máy tính xách tay, thị phần của Huawei đã giảm 64% so với cùng kỳ năm trước trong quý 2 năm 2021, chỉ còn 0,5% và hiện đã rơi khỏi top 5 thị trường.
Kể từ ngày 15/ 9/2020, TSMC không thể cung cấp chip cho Huawei nữa. Và dù công ty đã trang bị vi xử lý Snapdragon 888 trên mẫu điện thoại P50, nhưng nó chỉ có thể sử dụng mạng 4G. Với việc cạn kiệt nguồn chip dự trữ và smartphone 5G ngày càng phổ biến, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thiết bị đầu cuối của Huawei sẽ càng thêm suy yếu.
Với việc doanh số bán thiết bị đầu cuối bị thu hẹp, cấu trúc kinh doanh của Huawei cũng đang thay đổi.Guo Ping, chủ tịch luân phiên của công ty, cho biết sau khi mảng kinh doanh điện thoại di động bị chặn lại, Huawei phải mở rộng sang các lĩnh vực mới như thiết bị đeo, thiết bị sức khỏe và các sản phẩm smarthome.
Tại cửa hàng chính thức trên nền tảng Tmall ở Trung Quốc của Huawei, phụ kiện kỹ thuật số đóng góp vào doanh số bán hàng chính. Trong số 20 sản phẩm bán ra hàng đầu, chỉ có một chiếc máy tính bảng là thiết bị đầu cuối kỹ thuật số, còn lại là gậy selfie, tai nghe, bộ định tuyến, đồng hồ trẻ em, vòng đeo tay và các bộ sạc.
Trên nền tảng Shopee ở Việt Nam, bạn cũng dễ dàng nhận ra các sản phẩm bán chạy nhất là smartwatch, vòng đeo tay sức khỏe, tai nghe...
Trong báo cáo thường niên năm 2021, lĩnh vực kinh doanh tiêu dùng từ vị trí thứ nhất rơi xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng, sau cả đơn vị kinh doanh doanh nghiệp. Nếu để ý, cụm từ "doanh nghiệp tiêu dùng" được đề cập đến 22 lần trong báo cáo thường niên, so với 29 và 42 lần trong các báo cáo của năm 2020 và 2019. Và số lần xuất hiện của từ "ô tô" lên tới 77 lần. Chính dấu hiệu này đã cho thấy trọng tâm phát triển trong tương lai của Huawei rõ ràng không còn nằm ở mảng kinh doanh tiêu dùng nữa.
Sau khi "cánh tay phải" bị cắt đứt, mảng kinh doanh B2B một lần nữa trở thành trọng tâm của Huawei.Vào năm 2021, doanh thu lĩnh vực này là 281,469 tỷ nhân dân tệ, với tỷ trọng tăng lên 44,2%, trở thành lĩnh vực kinh doanh có doanh thu cao nhất.
Điều này gợi nhớ lại thời kỳ cuối những năm 1980, khi Huawei chính thức chuyển đổi từ một đại lý thiết bị viễn thông thành một nhà sản xuất thiết bị viễn thông.Bắt đầu từ thị trường nông thôn, và sau đó dần dần tấn công sang các thị trường như Nga, Châu Âu... Vào cuối những năm 1990, doanh thu hàng năm của Huawei đã vượt quá 10 tỷ nhân dân tệ.
Kể từ đó, Huawei đã từng bước trở thành công ty viễn thông hàng đầu thế giới.Dữ liệu của bên thứ ba cho thấy vào năm 2021, trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu, Huawei chiếm 28,70% thị phần, tăng 7% so với năm 2020, vượt qua Ericsson và Nokia, đứng đầu thế giới.
Và Huawei của ngày hôm nay đã chính thức "quay xe" để trở lại với "nghiệp cũ" của mình một lần nữa.
Tuy nhiên, doanh thu của hoạt động kinh doanh viễn thông vẫn giảm trong năm 2021, khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải thích của giám đốc tài chính Mạnh Vạn Châu trong cuộc họp báo cáo tài chính, lý do bởi: "Việc xây dựng trạm gốc 5G của Trung Quốc về cơ bản đã hoàn thành vào năm 2020, vì vậy nhu cầu của khách hàng về việc triển khai 5G ở Trung Quốc không quá nhiều".
Lúc này, dịch vụ doanh nghiệp là mảng kinh doanh chính duy nhất của Huawei có mức tăng trưởng tích cực vào năm 2021, với doanh thu đạt 102,444 tỷ nhân dân tệ, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.Điều đáng nói là mặc dù đóng góp doanh thu của khối kinh doanh doanh nghiệp thấp hơn khối kinh doanh tiêu dùng, nhưng Huawei vẫn xếp nó trước khối kinh doanh tiêu dùng trong báo cáo thường niên. Điều này cho thấy mức độ chú trọng mới của công ty.
Định hướng mới rất rõ ràng, khi sự phát triển của Internet tiêu dùng đạt đến đỉnh điểm, các dịch vụ doanh nghiệp đã trở thành một lối thoát mới trong những năm gần đây và nhiều nhà sản xuất lớn đã tìm thấy cơ hội để triển khai dịch vụ của mình.
Trong cuộc họp báo cáo tài chính, bà Mạnh Vãn Châu lần đầu tiên tiết lộ số liệu bán hàng của Huawei Cloud, vào năm 2021, với doanh thu đạt 20,1 tỷ nhân dân tệ, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu của IDC, Alibaba Cloud là thương hiệu dẫn đầu trên thị trường dịch vụ đám mây của Trung Quốc, với thị phần gần 40%, tiếp theo là Huawei Cloud và Tencent Cloud, cả hai đều có thị phần khoảng 10%.
Vào ngày 17/11/2020, Huawei đã đạt được thỏa thuận với Shenzhen Zhixin New Information Technology, một công ty do Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc kiểm soát, để chính thức bán toàn bộ mảng kinh doanh và thương hiệu Honor.
Trước đó khoảng 7 năm, vào tháng 9/2013, một hãng điện thoại khổng lồ khác là Nokia cũng đã thông báo rằng họ sẽ bán mảng kinh doanh điện thoại di động của mình cho Microsoft với giá 5,44 tỷ euro.
Năm đó, Nokia lỗ 500 triệu euro và thị phần điện thoại di động của hãng giảm từ 40% của năm 2008 xuống dưới 4%.Trong số các thương hiệu điện thoại di động toàn cầu, Nokia đã rơi khỏi top 6 và giá cổ phiếu của hãng này chưa bằng 1/10 so với thời kỳ đỉnh cao.
Vào năm 2021, thị phần điện thoại di động của Huawei cũng giảm hơn 10 lần, rơi khỏi top 5. Tất nhiên, mỗi bên có những lý do khác nhau. Nokia thì đánh cược sai hướng phát triển smartphone, trong khi Huawei bị ngoại lực đuổi khỏi thị trường.
Bị mất 90% doanh thu mảng điện thoại di động, Nokia cần phải tìm một mảng kinh doanh cốt lõi mới và lựa chọn của họ là quay trở lại việc kinh doanh viễn thông.
Nokia là một công ty có lịch sử 150 năm, làm đủ mọi thứ từ cao su, giấy, đến mặt nạ phòng độc và TV. Hơn 100 năm qua, hoạt động kinh doanh của Nokia đã không ngừng mở rộng và thay đổi.Vào những năm 1960, Nokia thành lập phòng Điện tử và bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh viễn thông, công việc này sau đó đã mở ra kỷ nguyên viễn thông của Nokia trong gần 30 năm. Mãi đến giữa những năm 1990, Nokia mới dần tập trung vào thiết bị đầu cuối và điện thoại di động.
Khi ngành kinh doanh điện thoại di động đang bùng nổ, Nokia đã hợp nhất mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của mình với Siemens để thành lập Nokia Corporation.Sau khi mất mảng điện thoại di động, Nokia bắt đầu xây dựng lại bộ phận viễn thông của mình.Năm 2013, Nokia đã mua một nửa cổ phần còn lại của Siemens.Vào năm 2015, Nokia tiếp tục mua lại gã khổng lồ viễn thông Alcatel-Lucent của Pháp với 15,6 tỷ euro, qua đó đưa Bell Labs - một công ty con phụ trách nghiên cứu và phát triển của Alcatel-Lucent - công ty có vị thế cao nhất trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển viễn thông, vào túi của mình.
Sau hai thương vụ mua lại, việc tái cấu trúc của Nokia về cơ bản đã hoàn tất. Nokia, một kẻ thất bại hoàn toàn trên thị trường điện thoại di động, háo hức quay trở lại công việc kinh doanh cũ của mình và chào sân như cách một "vị vua trở lại ngai vàng".
Việc tái tổ chức của Nokia đã diễn ra vô cùng thành công.Sau khi chuyển đổi, Nokia đã lọt vào top ba nhà cung cấp giải pháp và thiết bị truyền thông hàng đầu thế giới trong nhiều năm. Năm 2017, với doanh thu hàng năm 25 tỷ euro, Nokia đã trở lại top 500 thế giới, trở thành nhà sản xuất thiết bị truyền thông lớn thứ hai thế giới sau Huawei.
Từ năm 2013 đến 2018, tổng số đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu cho công nghệ 5G của Nokia là 2.133. Riêng số bằng sáng chế trong lĩnh vực thiết bị mạng viễn thông chiếm khoảng 10,5%, đứng thứ hai về số lượng đơn đăng ký, chỉ đứng sau Huawei.Vào tháng 5/2021, Nokia đơn phương thông báo rằng, theo nghiên cứu của một tổ chức bên thứ ba, Nokia đứng đầu thế giới về số lượng bằng sáng chế 5G.
Vào ngày 2/2/2022, Nokia đã công bố kết quả kinh doanh năm tài chính mới nhất của mình.Trong cả năm 2021, doanh thu thuần của công ty là 22,202 tỷ euro, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng là 1,645 tỷ euro, chuyển biến bất ngờ từ mức lỗ ròng 2,516 tỷ euro cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói dù đã rời xa đỉnh cao năm nào, nhưng Nokia vẫn là một gã khổng lồ hùng mạnh.
Ở góc độ cấu trúc kinh doanh, sau khi mất mảng kinh doanh điện thoại di động, Nokia và Huawei rất giống nhau. Đó là việc mảng kinh doanh tiêu dùng có doanh thu cao nhất đã bị cắt giảm một nửa, phải quay trở lại với mảng kinh doanh viễn thông, với trọng tâm phát triển là dịch vụ doanh nghiệp. Trong lĩnh vực 5G, Huawei và Nokia đã cạnh tranh gay gắt trong nhiều năm và là đối thủ chính của nhau. Ngoài ra, Nokia cũng đang cố gắng thâm nhập vào thị trường dịch vụ doanh nghiệp ở Trung Quốc.
Làn sóng xây dựng hạ tầng 5G trên toàn cầu là nền tảng quan trọng để Nokia hoàn thành công cuộc hồi sinh.Huawei cũng đang cố gắng nắm bắt "làn gió Đông" của quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các doanh nghiệp và việc phổ biến nhanh chóng các phương tiện năng lượng mới.
Tuy nhiên, so với tình hình của Nokia năm 2013, tình thế của Huawei có phần khá khẩm hơn. Trong khi Nokia gần như mất hẳn mảng kinh doanh tiêu dùng, thì mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei vẫn còn hơn 240 tỷ nhân dân tệ.Nokia cần chi nhiều tiền để tái cấu trúc bộ phận viễn thông của mình và nhập cuộc trở lại như một kẻ thách thức, trong khi bản thân mảng kinh doanh viễn thông của Huawei đã chiếm thị phần số 1 thế giới.
Ngoài ra, Huawei cũng rất có sức cạnh tranh trên thị trường phương tiện năng lượng mới và Huawei Cloud.Các dữ liệu tài chính như doanh thu, dòng tiền, lợi nhuận của nó cũng tốt hơn nhiều so với Nokia thời kỳ chuyển đổi.
Trong bản báo cáo tài chính và cuộc họp báo, Huawei đã nhiều lần đề cập rằng "sự sống còn" là mục tiêu hiện tại của công ty. Nhưng đừng để câu chữ đánh lừa, xét về những con bài tẩy trong tay Huawei, việc "sống sót" có vẻ là một mục tiêu hơi khiêm tốn. Huawei vẫn đang là nhà cung cấp thiết bị và giải pháp viễn thông lớn nhất thế giới, với lợi nhuận ròng hàng năm là 100 tỷ nhân dân tệ và có trong tay hơn 400 tỷ nhân dân tệ tiền mặt, cùng vô số khoản đầu tư ngắn hạn.
Và để ý kỹ hơn, việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển là dấu ấn thể hiện tham vọng thực sự của Huawei.Trong trường hợp doanh thu giảm mạnh, đầu tư cho R&D vào năm 2021 vẫn đạt 142,7 tỷ nhân dân tệ, chiếm 22,4% doanh thu hàng năm, cao hơn mức 15,9% vào năm 2020. Bạn có tin một công ty đang đặt mục tiêu sống còn vẫn dám chi mạnh tay đến như vậy cho nghiên cứu phát triển?
Trong khi đó, đối trọng của Huawei, Nokia, thậm chí còn đang phải cắt giảm nhân sự để có tiền cho việc R&D.Vào tháng 3/2021, Nokia thông báo rằng họ có kế hoạch sa thải 5.000-10.000 người trong hai năm tới, để đến cuối năm 2023, hãng có thể tiết kiệm khoảng 600 triệu euro cho đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G. Thậm chí trong một thông báo riêng, Nokia đã đề cập rằng họ sẽ "làm bất cứ điều gì cần thiết" để giành được thị trường mạng 5G.
Việt Nam đang phấn đấu tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống mạng 5G. Viettel, nhà mạng lớn nhất trong nước, đã chọn sử dụng thiết bị viễn thông của Ericsson và Nokia để triển khai mạng 5G lần lượt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, MobiFone đang sử dụng thiết bị của Samsung, còn Vinaphone đã hợp tác cùng Nokia để triển khai mạng 5G.
Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác trên toàn thế giới, khi trong danh sách những nhà cung cấp thiết bị viễn thông và thiết bị hạ tầng cơ sở, không có sự xuất hiện của Huawei.
Ở Bắc Mỹ, cả Mỹ và Canada đều đã đưa ra các lệnh cấm các nhà mạng hợp tác với Huawei trong các dự án viễn thông. Ở châu Âu, một loạt các quốc gia như Anh, Ý, Pháp, Tây Ban Nha... đều bóng gió hoặc thẳng thừng đưa ra các lệnh cấm với nhà mạng trong nước. Tại châu Á, mặc dù một số quốc gia không tỏ rõ sự quan tâm tới lệnh cấm của chính quyền Mỹ cũng như xu hướng tẩy chay Huawei trên phạm vi toàn cầu, nhưng rõ ràng sự đắn đo đã xuất hiện. Và nếu Huawei vẫn muốn giành được các hợp đồng này, chi phí và công sức bỏ ra chắc chắn sẽ phải lớn hơn trước rất nhiều.
Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích, từ yếu tố công nghệ, cho tới các lo ngại về bảo mật. Tuy nhiên, dù lý do là gì, thì danh sách các quốc gia nói "Không!" với Huawei đang dần tăng lên, tương ứng với việc danh sách khách hàng của công ty Trung Quốc dần bị thu hẹp. Thậm chí, khi làn sóng này lan rộng, nhà mạng tại nhiều quốc gia vốn không có lý do chính đáng để từ chối hợp tác, cũng ngại ngần không muốn dính vào rắc rối. Trong khi đó, trên thị trường có vô số lựa chọn an toàn, thậm chí có mức giá cả cạnh tranh hơn.
Huawei vẫn đang dân đầu thế giới về thị phần thiết bị viễn thông, nhưng đường cong trên biểu đồ thị phần đang cho thấy dấu hiệu của sự sụt giảm. Thời điểm chuyển đổi định hướng kinh doanh của Huawei không giống với Nokia. Khi công ty Phần Lan trở mình, cơ hội trên thị trường viễn thông lúc đó vô cùng rộng mở. Các đối thủ cạnh tranh không quá nổi bật và mạnh mẽ, làn sóng triển khai mạng 4G bắt đầu bùng nổ, không có bất cứ sự chèn ép về chính sách hay các lệnh trừng phạt liên quan.
Còn hiện tại, với Huawei, các đối thủ cạnh tranh của công ty Trung Quốc đã vô cùng lớn mạnh, thậm chí còn nhận được ủng hộ bởi các chính sách địa phương như ở Mỹ và châu Âu. Việc triển khai 5G ở các thị trường đã có dấu hiệu đi ngang, khi hầu hết các hợp đồng đã dần được ký kết trong những năm qua. Bản thân chính thị trường Trung Quốc cũng đã có dấu hiệu bão hòa. Bên cạnh đó, tâm lý của người tiêu dùng, với các lo ngại về bảo mật và an ninh mạng, cũng phần nào gây sức ép lên các nhà mạng và chính phủ các nước, khiến một công ty đang mang nhiều tiếng xấu như Huawei luôn bị dè chừng, cho dù các tin đồn đó là thật hay không.
Tham khảo iFeng
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cách NASA sửa lỗi thành công cho tàu Voyager 1 đang bay cách Trái Đất 24,6 tỷ kilomet
Từ Trái Đất, kỹ sư NASA sửa lỗi thành công cho tàu Voyager 1 đang bay với vận tốc 17 km/s.
Trong lúc chờ Apple Intelligence, đây là tính năng tôi thấy thích thú nhất từ ngày lên iOS 18