Huawei khởi kiện Mediatek: Cuộc chiến bản quyền công nghệ di động nóng lên

    Ánh Viên,  

    Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei đã đệ đơn kiện MediaTek liên quan đến tranh chấp phí bản quyền công nghệ di động. Vụ việc thu hút sự chú ý lớn bởi nó có thể làm thay đổi cục diện thị trường bản quyền công nghệ di động toàn cầu.

    Cuộc chiến bản quyền giữa các ông lớn công nghệ ngày càng nóng lên, và không ai có thể đoán được ai sẽ là cái tên tiếp theo phải ngồi vào ghế bị cáo. Sáng ngày 19/7, MediaTek đã đưa ra thông báo nhằm làm rõ các thông tin được đăng tải trên truyền thông. Trước thông tin "Huawei có thể đã khởi kiện MediaTek liên quan đến bản quyền công nghệ di động", MediaTek cho biết vụ kiện này không có tác động đáng kể đến hoạt động của công ty, vụ việc đã được đưa ra xét xử và công ty sẽ không đưa ra thêm bình luận nào.

    Một nguồn tin thân cận với MediaTek tiết lộ với phóng viên của First Financial, hai bên đã bất đồng về phí bản quyền từ 2-3 năm trước, và cho đến gần đây thì "đàm phán đổ vỡ" do không thống nhất được về giá.

    "Huawei đã đưa ra mức giá dựa trên giá thiết bị đầu cuối, nhưng MediaTek cho rằng mức giá đó quá cao", nguồn tin cho biết.

    Huawei khởi kiện Mediatek: Cuộc chiến bản quyền công nghệ di động nóng lên- Ảnh 1.

    Theo một số nguồn tin, bản quyền mà Huawei khởi kiện MediaTek rất có thể liên quan đến công nghệ truyền thông di động 5G (hoặc bao gồm 4G, 3G,...). Nói cách khác, Huawei đang tìm cách mở rộng việc thu phí bản quyền từ các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối sang các nhà sản xuất chip.

    Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, cả Huawei và MediaTek đều chưa đưa ra phản hồi chính thức về chi tiết bản quyền liên quan đến vụ kiện.

    Trong vài năm qua, cùng với việc thương mại hóa 5G trên toàn cầu diễn ra nhanh chóng, các ông lớn viễn thông không còn giấu giếm ý định thu phí bản quyền, và cuộc chiến bản quyền giữa các hãng công nghệ ngày càng trở nên khốc liệt.

    Điển hình như cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa Qualcomm và Apple về bản quyền chưa đầy 3 năm, thì Ericsson và Nokia đã bắt đầu khởi kiện các nhà sản xuất điện thoại di động trên toàn cầu về bản quyền 5G. Trước đó, Ericsson đã đệ đơn kiện Apple về vi phạm bản quyền sáng chế tại ít nhất 6 khu vực pháp lý, và hai bên đã đạt được thỏa thuận dàn xếp vào cuối năm 2022. Trong khi đó, Nokia đã gửi "đơn kiện" tới nhiều nhà sản xuất Trung Quốc tại Anh, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ấn Độ,... từ năm 2021, sau đó đạt được thỏa thuận với OPPO vào năm nay.

    Tuy nhiên, vụ kiện giữa Huawei và MediaTek lần này có điểm khác biệt so với trước đây, đó là Huawei - chủ sở hữu bản quyền - lại nhắm vào nhà sản xuất chip thay vì nhà sản xuất thiết bị đầu cuối.

    Theo trang tin chuyên ngành "Enterprise Patent Observation", việc thu phí ở mảng điện thoại di động có giá trị chuỗi lớn hơn. Tuy nhiên, nếu mô hình thu phí trong tương lai có thể chuyển sang "cấp độ linh kiện", thì người tiêu dùng sẽ thấy rõ ràng nhất là áp lực chi trả phí bản quyền của các nhà sản xuất OEM điện thoại di động như Apple, Samsung, Huawei, Xiaomi, OPPO, vivo... sẽ giảm đi đáng kể, thay vào đó là do các nhà sản xuất chip trong chuỗi cung ứng như MediaTek, Qualcomm, HiSilicon... giải quyết vấn đề phí bản quyền chính. Mô hình này có thể giúp giảm chi phí mua điện thoại cho người tiêu dùng.

    Tuy nhiên, Huawei không đưa ra bình luận nào về chi tiết vụ kiện.

    Theo thông tin được công bố trên trang web của Huawei, hiện tại, việc cấp phép bản quyền của hãng chủ yếu bao gồm 3 phần: giấy phép điện thoại di động, giấy phép wifi và giấy phép IoT di động, đồng thời công bố mức phí cụ thể.

    Cụ thể, Huawei áp dụng mức phí tiêu chuẩn không quá 2.5 USD/thiết bị đối với điện thoại 5G và không quá 1.5 USD/thiết bị đối với điện thoại 4G. Ngoài điện thoại di động, mức phí bản quyền cho các sản phẩm Wi-Fi 6 tiêu dùng là 0.5 USD/thiết bị, trong khi đối với các thiết bị lấy công nghệ IoT làm cốt lõi như thiết bị theo dõi tài sản là 1% giá sản phẩm, đồng thời đặt mức trần là 0.75 USD/thiết bị. Đối với các thiết bị được tăng cường kết nối thông qua IoT, mức phí bản quyền là 0.3-1 USD/thiết bị.

    Đáng chú ý, từ 3 năm trước, Huawei đã liên tục mở rộng doanh thu bản quyền trên toàn cầu. Tại một hội nghị về sở hữu trí tuệ vào năm ngoái, ông Shen Hongfei - Phó Chủ tịch Bộ phận Pháp chế, Trưởng ban Dự án Trọng điểm của Huawei - cho biết doanh thu bản quyền của Huawei bao gồm các công nghệ tiêu chuẩn ICT chính như 5G, Wi-Fi 6, 4G.

    "Doanh thu bản quyền của Huawei trong năm 2022 đạt khoảng 5.6 tỷ USD, là năm thứ hai liên tiếp doanh thu bản quyền của Huawei vượt chi phí cấp phép. Lũy kế chi phí cấp phép trong lịch sử bằng 1/3 tổng doanh thu bản quyền lũy kế. Hiện tại, chúng tôi đã nộp đơn và sở hữu 20% bằng sáng chế 5G, Wi-Fi 6 trên toàn cầu, 10% bằng sáng chế 4G, 15% bằng sáng chế NB-IoT, LTE-M. Doanh thu bản quyền chủ yếu đến từ các gói bằng sáng chế này", ông Shen Hongfei cho biết, Huawei luôn chủ trương thu phí bản quyền hợp lý, không quá thấp cũng không quá cao.


    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ