Huawei mất quyền sử dụng Android Google, kẻ vui nhất không phải Samsung mà là Xiaomi
Lệnh cấm xuất phát từ tổng thống Mỹ có thể khiến bạn nghĩ rằng Samsung sẽ là kẻ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng không, ngay lúc này, kẻ vươn lên mạnh mẽ nhất lại là "Apple của Trung Quốc".
Ngay từ khi tổng thống Trump đưa Huawei vào danh sách đen thương mại vào tháng 5, chúng tôi đã nhìn ra một sự thật quan trọng: Apple chẳng hưởng lợi gì từ các lệnh cấm dành cho Huawei cả. Thực tế, Huawei sau đó đã hết lời ca tụng Apple, bởi cả 2 hãng này đều chịu thiệt trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Kẻ hưởng lợi là tất cả các hãng smartphone còn lại, bao gồm cả các hãng Trung Quốc: họ vẫn chưa bị ông Trump đưa vào danh sách đen, và họ cũng chẳng phải chống chọi một làn sóng phản đối theo kiểu "vạ lây" như Apple.
Đến thời điểm này, hậu quả do lệnh cấm từ ông Trump gây ra đã càng trở nên rõ ràng. Theo báo cáo của Canalys, thị phần của Huawei trong quý 2/2019 sụt giảm tới 16%. Nguyên nhân được công ty nghiên cứu thị trường này đưa ra là "do lệnh cấm thương mại của Mỹ", theo đó thị phần của Huawei đã suy giảm chỉ còn 18,8%.
Bị cấm hợp tác với Google, niềm hy vọng của Huawei tại châu Âu đã bắt đầu biến mất.
Một mặt trận quan trọng khác là Ấn Độ cũng đang chứng kiến Huawei gặp khó. Nếu như cách đây đúng 1 năm Huawei/Honor đã lọt được vào top 5 thị phần tại Ấn Độ thì đến nay gã khổng lồ Trung Quốc đang phải tính đường rút lui: Counterpoint Research khẳng định doanh số từ tháng 3 đến tháng 5 đã suy giảm 18%, và đến tháng 7 thì con số này còn lên tới 30%. Các tin đồn về việc thương hiệu con Honor (vốn chiếm phần lớn doanh số Huawei) bắt đầu sa thải nhân viên tại Ấn Độ cũng đã xuất hiện vào cuối tháng 6.
Khó có thể nói hết được niềm đau của Huawei lúc này. Ấn Độ hiện vẫn là thị trường mang niềm hy vọng tăng trưởng của tất cả các ông lớn, sau khi Trung Quốc, Mỹ và châu Âu đã bão hòa. Thị trường châu Âu tuy không còn tăng trưởng nhưng lại là địa bàn quan trọng cho các mẫu Huawei cao cấp. Tây Âu cũng có thể là nơi tập trung lợi nhuận di động của Huawei: nếu như tại Trung Quốc P30 được bán với giá khởi điểm 600 USD thì tại châu Âu mẫu này được Huawei hét giá tới... 800 Euro. Nói cách khác, Huawei đang chứng kiến thị trường quốc tế của mình suy giảm quan trọng trên cả 2 yếu tố thị phần và lợi nhuận.
Nhưng nỗi đau của Huawei trớ trêu thay lại là niềm vui của một công ty Trung Quốc khác: Xiaomi. Vẫn theo số liệu của Canalys, tốc độ tăng trưởng của Xiaomi tại châu Âu trong quý vừa qua lên tới 48%. Ngay cả kẻ hưởng lợi duy nhất còn lại là Samsung cũng chỉ tăng trưởng bằng một nửa Xiaomi ở mốc 40%. Tại Ấn Độ, Xiaomi trong quý 2 vừa qua thậm chí còn lập kỷ lục smartphone xuất xưởng ở mức 37 triệu đơn vị. Samsung tại đây thậm chí còn không thể tăng trưởng: Xiaomi đã nuốt trọn miếng bánh do Huawei để lại.
Kẻ hưởng lợi nhiều nhất từ lệnh cấm của ông Trump rõ ràng không phải là Apple!
Rõ ràng, khi Huawei mất quyền sử dụng Android-của-Google, người tiêu dùng tại các thị trường này đã ồ ạt lựa chọn Xiaomi. Đó là hiện tượng dễ hiểu, bởi người mua Huawei gần với người mua Xiaomi nhất khi cả 2 đều mang tâm lý giá bán/cấu hình. Apple vẫn chỉ hướng đến phân khúc giá cao, còn Samsung ít nhiều vẫn đặt tính năng (màn hình, camera...) lên trên cấu hình. Thị phần của Apple tại châu Âu trong quý vừa qua thậm chí còn giảm mạnh hơn cả Huawei, nhưng nguyên nhân có thể là do tính thời vụ: iFan thường giảm sức mua trong quý 2 để chờ đợi iPhone mới trong quý 3.
Ngày ra mắt Mate 30 cũng đã đến gần. Và điều đó có nghĩa rằng mọi thứ sẽ sớm trở nên tồi tệ hơn với Huawei: theo thừa nhận của CEO Richard Yu ngay tại sự kiện vén màn hệ điều hành HarmonyOS, hiện tại gã khổng lồ Trung Quốc vẫn chưa biết liệu có được dùng Android-của-Google trên Mate 30 hay không. Nếu Mate30 phải lên kệ tại Ấn Độ hoặc Tây Âu với Android-Trung Quốc hoặc HarmonyOS, chắc chắn thị phần của Huawei sẽ còn bốc hơi nhanh hơn nữa. Ít nhất, P30 Pro hay View 20 vẫn còn kịp ra mắt sau khi đã được cấp phép dùng Google Play Services...
Cái kết của Huawei sẽ mở đầu cho một kỷ nguyên mới dành cho smartphone Trung Quốc. Có thể Huawei sẽ ngày càng bành trướng trên thị trường nội địa, nhưng một chiếc Huawei đầu bảng không có Android-của-Google sẽ là thông điệp quảng bá mạnh mẽ nhất dành cho Xiaomi hay OPPO. Không một người dùng Ấn Độ hay châu Âu nào lại sẵn sàng sống thiếu YouTube hay Gmail, và vì thế, nếu còn muốn điện thoại giá hời, họ sẽ thay thế Huawei bằng chính các đối thủ đồng hương...
...chứ không phải là Apple hay Samsung!
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín