Huawei: Mỹ sẽ không “có cửa” thắng trong cuộc đua mạng 5G nếu không cho chúng tôi tham gia cùng
Chủ tịch luân phiên Huawei, ông Eric Xu cho rằng, tham vọng trở thành một cường quốc số 1 về mạng di động 5G của Mỹ có thể “lụi bại” nếu không có sự đóng góp của Huawei tại thị trường này.
Hôm thứ 5 (29/10), Huawei đã phát đi lời cảnh báo tới Mỹ về tham vọng dẫn đầu công nghệ mạng 5G trong tương lai. Hãng công nghệ Trung Quốc khẳng định, tham vọng này của Mỹ sẽ khó khả thi nếu như không có sự hỗ trợ của Huawei.
Công nghệ 5G đã và đang trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi tại nhiều quốc gia có hạ tầng công nghệ và viễn thông phát triển, trong đó có Mỹ. Nếu có thể thương mại hóa mạng 5G sớm, các quốc gia có thể hưởng lợi thế lớn về lợi ích kinh tế nhờ tốc độ truyền dữ liệu ấn tượng của công nghệ mạng di động thế hệ mới.
Mỹ và Trung Quốc hiện đang là hai quốc gia chạy đua công nghệ mạng 5G quyết liệt nhất. Nhưng trong mỗi cuộc đua luôn xảy ra những cuộc đấu một mất một còn và Huawei chính xác là người đã và đang chịu thiệt nhiều nhất.
Nhà sản xuất thiết bị mạng lớn nhất thế giới đã bị chính phủ Mỹ liệt vào danh sách đen kể từ năm 2012 cùng với ZTE. Gần đây nhất, các quan chức chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm sử dụng các thiết bị di động của Huawei. Thậm chí Mỹ còn thúc giục các đồng minh phương Tây sớm ban hành lệnh cấm dùng thiết bị di động và mạng của Huawei.
Chỉ trong vài tháng qua nhiều nước thân cận với Mỹ như Úc cũng ban hành lệnh cấm bán thiết bi mạng 5G của Huawei. Sau đó các nhà chức trách New Zealand cũng từ chối đề xuất của một công ty viễn thông trong nước mua thiết bị mạng từ Huawei.
Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Eric Xu gọi những động thái leo thang của Mỹ chẳng khác nào làm tổn hại tới chính tham vọng biến Mỹ trở thành cường quốc về công nghệ mạng 5G.
Ông Eric Xu chia sẻ với trang CNBC: "Huawei với tư cách là một nhà lãnh đạo công nghệ 5G, nhưng lại không cơ hội để phục vụ người tiêu dùng Mỹ với các giải pháp và dịch vụ 5G. Thị trường Mỹ sẽ không còn là một thị trường cạnh tranh nữa vì những người dẫn đầu như chúng tôi lại bị cấm cửa. Giờ đây tôi không chắc liệu Mỹ có thể đạt được mục tiêu trở thành cường quốc số 1 về công nghệ 5G không nữa".
Xu cũng nhấn mạnh, một thị trường độc quyền và không mang tính cạnh tranh (ý nói không có sự góp mặt của Huawei) cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có thể phải trả hóa đơn tiền mạng cao hơn và các công ty viễn thông cũng tốn nhiều chi phí vận hành hơn.
Ông khẳng định, chính phủ Mỹ là tổ chức đại diện cho một quốc gia nhưng lại nhắm vào một công ty kinh doanh như Huawei. Điều này đặt ra nghi vấn về một động cơ chính trị khác của Mỹ nhằm "dằn mặt" Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, Xu khẳng định sẽ không cần nhờ tới sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc để giải quyết những lệnh áp đặt phi lý của Mỹ và các nước phương Tây. Ông tin tưởng, Huawei có thể dựa vào chính sức mình để cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng.
"Chúng tôi vẫn ổn dù một số quốc gia không lựa chọn Huawei. Nhưng tôi tin vào sự khôn ngoan của chính phủ các nước khác trên thế giới. Tôi tin họ biết chắc chắn họ muốn hoặc không muốn điều gì", Xu nói thêm.
Dù được dự đoán là tương lai của mạng dữ liệu nhưng cho đến nay mới chỉ có một vài hãng viễn thông trên thế giới công bố kế hoạch triển khai công nghệ 5G trên thị trường.
Tham khảo CNBC
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming