Huawei nuôi tham vọng ra mắt trợ lý ảo AI với khả năng cảm nhận cảm xúc của người dùng

    Z-Lion,  

    Huawei cho rằng những tương tác giữa người và máy hiện nay vẫn còn quá đơn giản, tẻ nhạt và thiếu đi yếu tố cảm xúc.

    Mới đây, “gã khổng lồ” Trung Quốc Huawei đã khẳng định tham vọng thay đổi hoàn toàn cách con người trò chuyện với các trợ lý ảo nói riêng và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung. Theo các giám đốc cao cấp của Huawei cho biết, những cuộc trò chuyện giữa con người và AI sẽ mang tính tương tác cảm xúc nhiều hơn.

    Hiện tại, các trợ lý ảo kích hoạt bằng giọng nói chủ yếu đóng vai trò cung cấp thông tin chỉ với những câu lệnh đơn giản hay phát nhạc có sẵn trong thiết bị người dùng. Tuy nhiên, Huawei muốn tạo ra một bước đột phá mới giúp trợ lý ảo có thể đáp ứng những nhu cầu về mặt cảm xúc của con người.

     Huawei muốn tạo ra một trợ lý ảo với khả năng đọc cảm xúc của người dùng.

    Huawei muốn tạo ra một trợ lý ảo với khả năng "đọc" cảm xúc của người dùng.

    Trong Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu thường niên của Huawei mới diễn ra tại Thâm Quyến, Trung Quốc, Felix Zhang - phó Chủ tịch mảng kĩ thuật phần mềm cho biết: “Chúng tôi muốn cung cấp cho khách hàng những tương tác với AI mang tính cảm xúc nhiều hơn. Chúng tôi tin rằng trong tương lai, tất cả người dùng công nghệ đều muốn có thể giao tiếp với hệ thống máy móc trong chế độ này. Đây chính là mục tiêu dài hạn của Huawei”.

    Huawei đã cho ra mắt trợ lý ảo của mình tại thị trường Trung Quốc vào năm 2013 và khẳng định sẽ trình làng phần mềm AI dựa trên cảm xúc trong tương lai gần. Đến nay, đã có đến 110 triệu người sử dụng trợ lý ảo của hãng mỗi ngày chỉ tính riêng tại thị trường này.

    Mặt khác, rất nhiều hãng công nghệ lớn cũng đã bắt đầu thử nghiệm phần mềm AI của riêng mình nhằm phục vụ các nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó có thể kể đến Amazon với Alexa, Bixby của Samsung, Siri của Apple hay Microsoft cùng trợ lý ảo Cortana và chatbot Xiaoice - “bạn gái ảo” dành riêng cho thị trường Trung Quốc.

     Huawei đã ra mắt trợ lý ảo HiAssistant tại thị trường Trung Quốc vào năm 2013.

    Huawei đã ra mắt trợ lý ảo HiAssistant tại thị trường Trung Quốc vào năm 2013.

    Huawei cho biết AI tương lai của hãng có thể nhận biết tâm trạng của người dùng và từ đó đưa ra những phản hồi thích hợp. Hiện tại, nhà sản xuất này vẫn đang tiến hành nghiên cứu để tạo ra một trải nghiệm mang tính cá nhân và chi tiết hơn dành cho mỗi người dùng riêng biệt.

    Bên cạnh đó, Huawei cũng nhận định các sản phẩm AI dựa theo cảm xúc người dùng vẫn chưa thực sự phổ biến. Các chuyên gia cho biết những trợ lý ảo kích hoạt bằng giọng nói hiện nay có khả năng xử lý những câu lệnh hay câu hỏi thông thường nhưng lại không thể hiểu và phản ứng chính xác với cảm xúc của người dùng.

    Chuyên gia phân tích tại công ty Gartner cho biết: “Khi được trang bị những khả năng cảm nhận cảm xúc, AI sẽ có thể phân tích dữ liệu từ nét mặt, giọng điệu và thói quen của người dùng một cách tốt hơn”.

    James Lu, Giám đốc quản lý các sản phẩm AI tại Huawei cho biết hãng đang hướng đến mục tiêu duy trì cuộc trò chuyện giữa người và máy càng lâu càng tốt, tránh để người dùng cảm thấy quá “cô đơn” trong quá trình sử dụng. Để hiện thực hóa điều này thì bước đầu tiên chính là “trang bị cho trợ lý ảo của mình chỉ số IQ thật cao”, và kế đến chính là chỉ số EQ - trí tuệ cảm xúc.

     Các trợ lý ảo cần được nâng cao về chỉ số IQ và EQ để có thể tương tác tốt hơn với người dùng.

    Các trợ lý ảo cần được nâng cao về chỉ số IQ và EQ để có thể tương tác tốt hơn với người dùng.

    Các giám đốc của Huawei cũng tiết lộ thêm chính bộ phim khoa học viễn tưởng Her đã khơi nguồn cảm hứng cho họ theo đuổi công nghệ này. Theo đó, anh chàng nhân vật chính trong bộ phim đã phải lòng cô nàng Samantha - cô nàng trợ lý ảo với khả năng nhận biết và thích ứng với cảm xúc của chủ nhân.

    Ông Zhang cho biết: “Samantha là giấc mơ của mọi kỹ sư công nghệ. Giống như trong bộ phim, bạn sẽ chẳng cần phải có bạn gái nếu sở hữu công nghệ này. Nó giống như một loại hình dịch vụ cung cấp cảm xúc vậy”.

     Bộ phim khoa học viễn tưởng Her chính là nguồn cảm hứng cho dự án của Huawei.

    Bộ phim khoa học viễn tưởng "Her" chính là nguồn cảm hứng cho dự án của Huawei.

    Ông cũng nhấn mạnh trước khi có thể đi vào hoạt động rộng rãi, công nghệ này cũng cần được chú trọng phát triển để nâng cao độ chính xác trong việc cảm nhận cảm xúc người dùng. Ví dụ, nếu người dùng đang vô cùng tức giận mà trợ lý ảo lại phát một bản nhạc mạnh, điều đó có thể sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

    Ngoài ra, ông Zhang còn dự đoán rằng người dùng sẽ không cần sử dụng smartphone mà vẫn có thể kích hoạt trợ lý ảo của mình. Và chìa khóa để thực hiện điều này vẫn là yếu tố quen thuộc: Giọng nói.

    Theo CNBC

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ