Huawei tham gia cuộc chiến với Nike, Adidas?

    Xuân Mai, Người Lao động 

    Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei (Trung Quốc) bị Anh chỉ trích sau khi chặn tải xuống ứng dụng của hai thương hiệu thời trang thể thao Nike và Adidas trên kho ứng dụng của mình.

    Theo tờ The Times hôm 4-4, phía Huawei cho rằng động thái nói trên phù hợp với "quy trình xử lý rủi ro" của họ sau khi nhận được một lượng đáng kể khiếu nại từ người dùng, đồng thời nói thêm rằng việc gỡ bỏ chỉ là tạm thời.

    Ông Tom Tugendhat, nghị sĩ Đảng Bảo thủ và đồng sáng lập nhóm nghiên cứu về Trung Quốc, cho hay: "Việc Huawei là một phần đòn bẩy quyền lực của chính quyền Bắc Kinh chưa bao giờ là bí mật, chỉ cần thời gian dài hơn để nhận ra điều đó".

    Ông Sam Armstrong tại tổ chức tư vấn về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia xuyên Đại Tây Dương Henry Jackson Society (Anh) cũng cáo buộc rằng điều này cho thấy không có cái gọi là "công ty độc lập" ở Trung Quốc.

     Huawei tham gia cuộc chiến với Nike, Adidas? - Ảnh 1.

    Anh chỉ trích Huawei chặn tải xuống ứng dụng của Adidas và Nike. Ảnh: SCMP

    Trước đó, cả Nike và Adidas đối mặt với sự phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng ở Trung Quốc sau khi các công ty này đưa ra tuyên bố liên quan đến cáo buộc "lao động cưỡng ép ở Tân Cương".

    Trong khi Nike nói với khách hàng của mình rằng họ không cung cấp sản phẩm từ khu vực này thì Adidas cho biết họ không bao giờ sản xuất hàng hóa ở đó và không có quan hệ hợp đồng với bất kỳ nhà cung cấp nào ở Tân Cương.

    Giữa làn sóng tẩy chay, các sản phẩm của H&M cũng nhanh chóng biến mất khỏi các nền tảng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc sau khi đưa ra tuyên bố liên quan đến lao động cưỡng ép tại Tân Cương.

    Mới đây, các nhà quản lý Trung Quốc hôm 2-4 cho biết thương hiệu thời trang H&M (Thụy Điển) đã đồng ý thay đổi "bản đồ có vấn đề" trên mạng sau khi bị Bắc Kinh chỉ trích.

    Nhiều cửa hiệu H&M ở Trung Quốc bị chủ mặt bằng yêu cầu đóng cửa trong khi hàng loạt biển quảng cáo của thương hiệu thời trang đến từ Thụy Điển bị gỡ bỏ.

    Nhằm buộc các thương hiệu nước ngoài tuân thủ, Trung Quốc đã tận dụng quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng khổng lồ của mình. Giới phân tích đánh giá phản ứng của Trung Quốc với H&M lần này mạnh mẽ hơn nhiều so với những lần trước đây khi các thương hiệu nước ngoài bị cho là "vượt lằn ranh đỏ chính trị" ở Trung Quốc.

    Điều này đặt H&M trước nguy cơ trở thành nạn nhân doanh nghiệp đầu tiên trong bối cảnh Bắc Kinh bị phương Tây chỉ trích. Mỹ cũng lên án chiến dịch truyền thông tẩy chay của Trung Quốc - với sự tham gia của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp - nhằm vào các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ