Huawei và Xiaomi: Sao cứ ra mắt smartphone là lại phải lôi iPhone vào?
Dẫu đã có nhiều thành tựu riêng, Huawei và Xiaomi vẫn luôn thể hiện sự ám ảnh với những chiếc smartphone Táo. Khi làm như vậy, vô tình họ đã đặt mình vào vị trí của kẻ ngồi dưới.
Sự kiện iPad hay những tin tức đồn thổi về khung giá mới cho iPhone X cũng không thể làm lu mờ đi sự thật rằng smartphone Trung Quốc đã có một tuần lễ tuyệt vời. Ở mức giá 500 USD, Xiaomi đã có thể lật đổ ngôi vương ảnh chụp của Pixel 2 bằng chiếc Mi Mix 2s – ít nhất là tính theo điểm số DxOMark. Huawei còn đáng kinh ngạc hơn: ở mốc 109 điểm DxO, P20 Pro đã lập một kỷ lục mà chắc chắn Pixel hay iPhone sẽ rất khó có thể vượt qua trong năm 2018.
Thành tựu là vậy, nhưng cả 2 ông lớn Trung Quốc vẫn cứ phải núp bóng một công ty đã bị họ đánh bại trong cuộc chiến DxO. Minh chứng: tại sự kiện ra mắt 2 mẫu P20 tổ chức tại Paris tuần này, CEO Richard Yu của Huawei nhắc đến iPhone X trên dưới... 10 lần. Thời lượng xuất hiện của chiếc iPhone mới nhất trên sân khấu của Huawei có lẽ không thua kém sự kiện của chính Apple tổ chức vào ngày 28/3 vừa qua. Dĩ nhiên, trọng tâm của sự kiện Apple này không phải iPhone, nhưng trọng tâm của sự kiện Huawei cũng đâu có phải là iPhone?
Đến cả tốc độ 4G cũng phải lôi iPhone X vào so sánh...
Tiếp đến là Xiaomi. Từng có thời "học hỏi" đến tận câu nói "One More Thing" và... cách ăn mặc của Steve Jobs, Xiaomi tiếp tục thể hiện sự ám ảnh với nhà Táo khi không ngần ngại mang iPhone X lên sân khấu ra mắt Mi Mix 2. Dẫu rằng lần này CEO Lei Jun không còn mặc áo cổ rùa và quần bò như Steve Jobs, sức ảnh hưởng của Apple lên Xiaomi vẫn là hết sức rõ ràng, đặc biệt là trên các góc cạnh của chiếc Mi Mix 2.
Câu hỏi là, tại sao lại cứ phải ám ảnh với iPhone như vậy? Dẫu rằng các hãng Trung Quốc vẫn còn thường xuyên "học hỏi" iPhone, sự thật là họ đã tìm được hướng đi riêng, đôi khi vượt mặt cả Apple. Huawei đã từng tiên phong cho công nghệ camera kép còn Xiaomi với Mi Mix 2 cũng đã chứng minh smartphone không cần có tai thỏ. Sự ám ảnh với iPhone chẳng khác gì ngầm ám chỉ rằng "Chúng tôi biết tất cả mọi người đều muốn iPhone, và bởi vậy chúng tôi phải dựa vào iPhone để gây dựng tiếng tăm cho mình".
Bạn có thể đến các sự kiện của Huawei và Xiaomi để... tìm hiểu về Apple.
Đó là một tư duy hoàn toàn sai lầm. Thực chất, cuộc chiến đầu bảng trong những năm vừa qua đã luôn diễn ra một cách rất sát sao: hãng này có thể hơn hãng kia một vài phần tính năng nào đó, nhưng để mẫu smartphone A vượt trội hơn hẳn smartphone B là điều không thể. Cố cạnh khóe trong tính năng này sẽ càng làm bật sự thiếu hụt trong các tính năng khác, đặc biệt là các yếu tố trải nghiệm quan trọng như phần mềm, hệ sinh thái nội dung hay giá trị thương hiệu.
Trên các khía cạnh này, Huawei và Xiaomi còn thua kém Apple. Thậm chí, bằng "tai thỏ" hay bằng các góc cạnh đạo nhái, họ còn gợi nhắc trực tiếp đến "hàng chính hiệu" của Táo.
Kẻ tự tin rằng mình đứng số 1 sẽ không dựa hơi sản phẩm khác trong sự kiện của riêng mình. Xiaomi và Huawei không tin như vậy.
Thị trường công nghệ chứa đứng rất nhiều các ví dụ cho thấy "cạnh khóe" không phải là cách để thành công. Microsoft luôn khoe với người dùng rằng Surface mạnh hơn hẳn Apple, nhưng đến nay doanh thu cả năm của Surface chỉ đạt khoảng 1 tỷ USD. Mảng kinh doanh Mac của Apple đạt 7 tỷ USD mỗi quý. Hay, Samsung từng gây dựng danh tiếng trên phân khúc cao cấp bằng chiến dịch "The Next Big Thing Is Here" cho Galaxy S3, nay vẫn bị Apple áp đảo trên phân khúc cao cấp: giá iPhone bán ra đạt mức trung bình 796 USD còn Samsung còn chưa chạm đến 320 USD.
Nếu Samsung không thể đạt giá bán trung bình bằng 1/2 Apple, cơ hội cho Huawei và Xiaomi – vốn còn quá nhiều phần là giá rẻ - sẽ là cực kỳ thấp. Qua từng năm, các hãng này gần như luôn ngại ngần không công bố lợi nhuận, con số đại diện rõ rệt nhất cho thành công trên các phân khúc cận cao cấp và cao cấp. Đó lại là các phân khúc Apple và Samsung đang làm chủ - nếu muốn chinh phục người dùng khó tính và đẳng cấp ở đó, "ám ảnh" không phải là chìa khóa đến thành công.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4